Lan tỏa di sản văn hóa xứ Kinh Bắc
Bản sắc văn hóa xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh - xứ sở của đình chùa lễ hội, vùng đất của những làng nghề tài hoa, cái nôi của văn hóa dân gian được giới thiệu với công chúng thủ đô qua những hoạt động đặc sắc.
Sắc thái văn hóa Bắc Ninh
Sáng 28.1 (mồng 7 Tết), Bảo tàng Dân Tộc học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh khai mạc chương trình “Vui xuân Quý Mão 2023: sắc thái văn hóa Bắc Ninh”. Hoạt động diễn ra trong hai ngày mồng 7 và mồng 8 Tết Quý Mão.
TS. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng cho biết: chương trình đem đến những hoạt động trải nghiệm thú vị đầu xuân qua trưng bày chuyên đề Tinh hoa văn hóa Quan họ Bắc Ninh; trình diễn Quan họ (hát canh, hát hội) của các liền anh, liền chị đến từ Bắc Ninh. Du khách có cơ hội tìm hiểu những giá trị của dân ca quan họ vùng Kinh Bắc, từ giai điệu, ca từ, trang phục đến lề lối, lễ nghĩa của người Quan họ được giới thiệu tại không gian này; trải nghiệm mặc thử trang phục quan họ, têm trầu cánh phượng và nghe các nghệ nhân, anh hai, chị hai chia sẻ những câu chuyện trong “lối chơi quan họ”.
Bên cạnh đó, du khách được tham gia, trải nghiệm các màn trình diễn và tìm hiểu văn hóa vùng Kinh Bắc như: kéo dây lấy lửa - nghi thức nhóm lửa thiêng - một tín ngưỡng nguyên thủy, gắn với lễ cầu mùa của cư dân nông nghiệp ở làng Yên Vỹ, huyện Yên Phong; trò chơi chạy ró - góc nhìn hài hước của người dân ở làng Guột, huyện Quế Võ về sự phân biệt thành phần trong xã hội thời xưa. Hoạt động in tranh dân gian của nghệ nhân làng Đông Hồ, một trong những dòng tranh dân gian đặc sắc gắn với mỗi dịp Tết đến Xuân về; nghệ thuật múa rối nước làng Đồng Ngư (Thuận Thành), một trong 14 phường rối nước của Việt Nam; nặn bộ phỗng bằng đất sét cùng nghệ nhân ở làng Đông Khê… cũng được giới thiệu.
“Hoạt động Xuân 2023 cũng như nhiều hoạt động khác của Bảo tàng Dân Tộc học Việt Nam góp phần cùng với các tộc người, các hoạt động của các tổ chức xã hội nhằm bảo tồn, đề cao lòng tự hào, tôn vinh di sản văn hóa của 54 dân tộc ở Việt Nam” - TS. Bùi Ngọc Quang nhấn mạnh.
Tinh hoa vùng đất văn hiến
Bắc Ninh - Kinh Bắc là vùng đất nằm ở trung tâm châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, nên sớm là địa bàn tụ cư và sinh cơ lập nghiệp của người Việt cổ, là nơi các bậc Thủy tổ dân tộc khai sơn sáng thủy, dựng nước và giữ nước.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà sử học Phan Huy Chú viết vào đầu thời Nguyễn (thế kỷ XIX), đã ghi nhận về địa thế núi sông hùng vĩ của xứ Kinh Bắc như sau: “Kinh Bắc có mạch núi cao chót vót, nhiều sông núi vòng quanh, là mạn trên của nước ta… Mạch đất tụ vào đấy, càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần, vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”.
Theo TS. Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, trong tiến trình lịch sử của dân tộc, các thế hệ người dân Bắc Ninh đã cùng nhau tạo lập được những thành quả to lớn, đặc sắc về văn hóa vật chất và tinh thần trên mọi lĩnh vực, nên được sử sách, dân gian và các nhà nghiên cứu ca ngợi là “cái nôi của người Việt cổ”, vùng đất “địa linh nhân kiệt” và “cái nôi” sinh thành và phát triển lịch sử - văn hóa của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ người dân Bắc Ninh từng nổi tiếng chịu thương chịu khó, năng động sáng tạo trong lao động; thông minh hiếu học, tôn sư trọng đạo; yêu nước và cách mạng, anh hùng trong đánh giặc; túc nho bác học; giàu tính văn chương nghệ thuật dân gian... đã làm nên bản sắc văn hóa xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh.
Bắc Ninh được biết đến là một trong những tỉnh có số lượng, mật độ di tích lớn. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 1.589 di tích, trong đó có 656 di tích được xếp hạng. (4 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt; 204 di tích xếp hạng quốc gia; 448 di tích xếp hạng cấp tỉnh); 14 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia... Nhiều di tích nổi tiếng gắn liền với các sự kiện lịch sử - văn hóa quan trọng của quốc gia, dân tộc.
Di sản văn hóa phi vật thể Bắc Ninh cũng rất phong phú, đặc sắc, bao gồm: 547 lễ hội truyền thống, 140 làng nghề thủ công truyền thống, các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống khác nhau, các nghi lễ, tín ngưỡng được trao truyền trong cộng đồng... Đặc biệt, Bắc Ninh đang nắm giữ 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, trong đó có Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Tất cả những cái đó tạo nên nét riêng biệt của vùng đất văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc mà hiếm nơi nào có được.
Mang những nét văn hóa đặc trưng nhất của tỉnh để giới thiệu đến người dân Hà Nội, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Trọng chia sẻ: “chúng tôi mong muốn tạo ra cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các nghệ nhân dân gian với công chúng cũng như các nghệ nhân ở vùng, miền khác. Hy vọng chương trình sẽ là cầu nối giới thiệu di sản văn hóa Bắc Ninh đến đông đảo du khách trong và ngoài nước để bản sắc văn hóa của địa phương có sức lan tỏa và góp phần giáo dục thế hệ trẻ”.