Lan tỏa nghị lực sống cho người khuyết tật

Tuy khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng với ý chí kiên cường, nhiều tấm gương người khuyết tật (NKT) đã vươn lên khẳng định bản thân, lan tỏa nghị lực sống tích cực đến với những người cùng cảnh ngộ.

Vượt lên chính mình

Chị Vũ Thị Thắng (SN 1977) ở thôn Làng Nghề, xã Lãng Sơn (Yên Dũng) vốn được sinh ra với thân hình lành lặn. Vậy nhưng biến chứng của căn bệnh viêm cơ lúc 4 tháng tuổi khiến chị bị teo cơ tay trái và co cứng chân trái. Mang mặc cảm lại bị bạn bè trêu chọc nên đến năm lớp 7, chị Thắng nghỉ học. Được sự động viên của gia đình, chị nhận ra mình vẫn còn may mắn khi đôi chân yếu, tay bị teo song vẫn di chuyển và cầm, nắm được.

 Chị Vũ Thị Thắng (bên trái) thử mẫu vải may trang phục cho khách.

Chị Vũ Thị Thắng (bên trái) thử mẫu vải may trang phục cho khách.

Năm 1997, chị Thắng bắt đầu theo học nghề may với quyết tâm phải có một nghề chân chính, kiếm ra tiền để tự lo được cho bản thân. Do chỉ có thể đạp máy may bằng một chân, ban đầu chị Thắng may còn chậm, nhiều lúc bị mỏi, cơ thể đau nhức nhưng chưa khi nào chị có ý định từ bỏ.

Học nghề xong, chị mở một tiệm may tại nhà. Được sự ủng hộ của bà con cùng sự khéo léo, đường may tỉ mỉ, luôn bắt kịp xu hướng thời trang, cửa hàng ngày càng đông khách; mỗi tháng cơ sở của chị cắt may, hoàn thiện từ 200-300 sản phẩm. Nhờ vậy, chị Thắng có nguồn thu nhập ổn định. Hiện tiệm may của chị tạo việc làm cho 3 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng. Hơn 20 năm gắn bó với công việc này, chị đã dạy nghề may cho nhiều người, trong đó có cả những NKT được dạy nghề miễn phí và đã mở được cửa hàng riêng.

Tôi tin rằng, dù là NKT nhưng nếu có sự kiên trì, cố gắng vẫn có thể mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời”.

Chị Vũ Thị Thắng

Chị Thắng chia sẻ: “Khiếm khuyết cơ thể là thiệt thòi rất lớn đối với tôi. Có điểm tựa vững chắc là gia đình, bạn bè, tôi không cho phép bản thân chùn bước. Tôi tin rằng, dù là NKT nhưng nếu có sự kiên trì, cố gắng vẫn có thể mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời”. Bên cạnh đó, chị Thắng còn là thành viên tích cực của Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khuyết tật tỉnh Bắc Giang.

Mới đây, chị đã tham mưu với Ban chủ nhiệm CLB hỗ trợ 3 hội viên vay vốn phát triển kinh tế; kết nối với những nhà tài trợ, mạnh thường quân ủng hộ kinh phí hoạt động cho CLB, tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong tháng 10 này, chị Thắng là một trong 6 điển hình tiêu biểu của tỉnh dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024-2029 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.

Đã từ lâu, anh Hoàng Bảo Trung (SN 1990) ở tổ 7, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) được nhiều người biết tới là một vận động viên khuyết tật giàu nghị lực. Bị di chứng bại liệt (toàn bộ cánh tay, chân trái tê liệt, mất cảm giác) từ khi 3 tuổi nhưng với sự yêu thích môn cầu lông, anh không ngại vượt qua rào cản của bản thân để tham gia bộ môn này. Vốn dĩ môn cầu lông đòi hỏi phải di chuyển nhiều, phản ứng và động tác nhanh, dứt khoát nên dù mất vài tháng mới có thể tập phát cầu qua lưới nhưng anh Trung vẫn kiên trì theo đuổi bằng được.

Với sự quyết tâm, miệt mài tập luyện, kỹ thuật chơi cầu của anh ngày càng thành thục. Ngoài tham gia các giải đấu trong tỉnh, anh Trung còn được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mời vào đội tuyển thể thao NKT của tỉnh thi đấu tại một số giải trong nước. Từ năm 2009 đến nay, hầu như năm nào anh cũng giành huy chương tại Giải thể thao NKT toàn quốc. Nổi bật như: Huy chương Bạc năm 2022, Huy chương Đồng năm 2023… Bên cạnh công việc chính là nhân viên tại Trung tâm Thương mại GO! Bắc Giang, hằng ngày, anh Trung sắp xếp thời gian để luyện tập, nâng cao kỹ thuật chơi cầu, cũng là cách để anh rèn luyện sức khỏe thêm dẻo dai.

Đồng hành, chia sẻ

Toàn tỉnh hiện có hơn 30 nghìn NKT, trong đó có khoảng 6 nghìn người còn khả năng lao động. Ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách bảo trợ NKT của Nhà nước, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để trợ giúp NKT ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng như: Nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu NKT; xây dựng quỹ hội; hỗ trợ xây nhà tình thương; tặng xe lăn, xe lắc; khám sức khỏe, phẫu thuật, điều trị phục hồi chức năng miễn phí; hỗ trợ sinh kế; tặng học bổng, đồ dùng học tập…

Là một tổ chức hội đặc thù, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi (NKT&TMC) tỉnh luôn phát huy vai trò kết nối, vận động nhiều nguồn lực giúp đỡ NKT&TMC có hoàn cảnh khó khăn. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã vận động được hơn 6 tỷ đồng gồm tiền mặt và hiện vật quy đổi. Từ nguồn lực đó, hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp cho 11 nghìn lượt NKT, TMC và người nghèo trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động gồm: Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 320 người, tặng 65 xe lăn, hỗ trợ kinh phí xây dựng 5 nhà cho NKT có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà gần 10 nghìn lượt NKT...

Đồng hành, sẻ chia cùng NKT, các cấp hội trong tỉnh thường xuyên quan tâm kết nối tạo điều kiện để NKT có việc làm. Ví như Hội Bảo trợ NKT&TMC huyện Lục Ngạn duy trì hoạt động của hợp tác xã sản xuất tăm tre giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 xã viên.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về NKT cũng được các cấp hội quan tâm. Mới đây, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh tổ chức tập huấn một số chính sách về quyền của NKT với sự tham gia của hơn 40 cán bộ, hội viên Hội Bảo trợ NKT&TMC các cấp. Mục tiêu của khóa tập huấn là tăng cường kỹ năng, kiến thức cần thiết để nhận diện chính xác NKT, tránh bỏ sót đối tượng được thụ hưởng chính sách trợ giúp. Đồng thời, hướng dẫn cách thức triển khai các chính sách hỗ trợ NKT một cách kịp thời, đầy đủ và hiệu quả.

Bằng hàng loạt giải pháp hỗ trợ, đời sống vật chất, tinh thần của NKT trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, theo bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh, Hội sẽ tiếp tục phối hợp, đề xuất với các sở, ngành liên quan tổ chức bồi dưỡng về kiến thức văn hóa, chuyên môn, đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế cho NKT, giúp NKT có việc làm và thu nhập ổn định.

Từng bước phát triển tổ chức hội cấp cơ sở; khuyến khích phát triển CLB văn nghệ, thể thao của NKT ở các địa phương. Qua đó làm phong phú đời sống tinh thần, tạo sân chơi để NKT giao lưu, học hỏi rèn luyện thể chất. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về lòng nhân ái, không phân biệt đối xử, tích cực chia sẻ, giúp đỡ NKT có cơ hội hòa nhập tốt với cộng đồng.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/lan-toa-nghi-luc-song-cho-nguoi-khuyet-tat-092104.bbg