Lan tỏa nhiều ý tưởng mới trong phương pháp giảng dạy

Năm 2019 đánh dấu mốc năm thứ 3 giải thưởng được tổ chức và nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của các nhà giáo trên khắp địa bàn Hà Nội. Để hiểu rõ hơn về giải thưởng này, phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội sau khi kết thúc 5 ngày thẩm định trực tiếp hơn 130 nhà giáo lọt vào vòng Chung khảo.

PV: Các đơn vị đã có sự chuẩn bị như thế nào để tổ chức giải thưởng này, thưa bà?

Bà Trần Thị Thu Hà: Xuất phát từ phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội và Hệ thống Giáo dục HOCMAI xây dựng giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo.

Hà Nội là tỉnh đầu tiên tổ chức giải thưởng, đã trải qua 2 năm thực hiện và đến năm nay là năm thứ 3. Qua mỗi năm tổ chức, chúng tôi đều mong muốn có hình thức đổi mới để lan tỏa giải thưởng đến nhiều địa phương trong thành phố cũng như nhiều các đơn vị trực thuộc để các nhà giáo biết đến và phấn đấu.

Với năm thứ 3 này, chúng tôi nhận thấy đã có điểm đổi mới khi chúng tôi triển khai giải thưởng tới các đơn vị toàn thành phố sớm hơn. Bên cạnh đó, thông qua mỗi Hội nghị của Ngành, chúng tôi thường xuyên tận dụng để tuyên truyền, trao đổi, chia sẻ đối với các đồng chí lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng Hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là đối với các Chủ tịch công đoàn cơ sở để các đồng chí thấy giải thưởng này là rất thiết thực, động viên được phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy và học, trong công tác quản lý và đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng như chất lượng đội ngũ nhà giáo Thủ đô.

Các nhà giáo trình bày trước Hội đồng xét duyệt giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 3.

Các nhà giáo trình bày trước Hội đồng xét duyệt giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 3.

PV: Qua 3 năm tổ chức, bà có đánh giá như thế nào về sức lan tỏa của giải thưởng này?

Bà Trần Thị Thu Hà: Với năm nay, nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức giải thưởng từ cấp Phòng Giáo dục và Đào tạo, từ các quận, huyện, nhờ vậy lan tỏa được nhiều hơn tới các thầy cô giáo. Chất lượng của khối Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như khối trực thuộc tính đến thời điểm này, chúng tôi đánh giá ngày càng được nâng cao hơn, thể hiện cụ thể ở việc các trường, nhiều thầy cô giáo đã biết đến giải thưởng. Do đó có sự phấn đấu, nỗ lực ngay từ đầu năm học để các ý tưởng của mình trong đổi mới, sáng tạo được hình thành, ứng dụng; khi báo cáo đã có kết quả, dẫn chứng để trình bày trước Hội đồng.

Đặc biệt, nếu như 2 lần tổ chức trước có nhiều môn Khoa học xã hội thì đến lần này, chúng tôi nhận thấy tất cả các môn học đều có những nhà giáo ứng cử lên để nhận được giải thưởng. Nhiều trường đã quan tâm đến giáo viên trực tiếp đứng lớp để động viên các thầy cô giáo.

Ngoài ra, mỗi một năm tổ chức giải thưởng, chúng tôi đều cố gắng làm việc với đơn vị tài trợ cũng như các đơn vị phối hợp để làm sao giải thưởng phải được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và chất lượng phải đúng theo tên gọi. Trong quá trình tổ chức, từ việc sắp xếp Hội đồng xét duyệt có thêm nhiều chuyên gia giáo dục, đến việc để các nhà giáo được trực tiếp ngồi nghe, chia sẻ, học tập trong quá trình đồng nghiệp của mình báo cáo; chúng tôi cũng thấy được đó là một cách để lan tỏa nhanh nhất giải thưởng đến các nhà giáo Thủ đô.

PV: Tiêu chí để vào vòng xét duyệt giải thưởng này như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai (Trưởng phòng Đào tạo Hệ thống Giáo dục HOCMAI, thành viên Hội đồng xét duyệt giải thưởng) chia sẻ: Năm nay là năm thứ 3 tôi được chứng kiến những tấm gương nhà giáo điển hình của các thế hệ nhà giáo đang công tác trên địa bàn các quận, huyện của thành phố Hà Nội.

Tôi thực sự ấn tượng với yếu tố tâm huyết của tất cả các nhà giáo đặc biệt là sức sáng tạo của thế hệ các nhà giáo trẻ. Thông qua các báo cáo, tôi thấy họ đang nỗ lực thay đổi hàng ngày để bắt nhịp với các xu hướng giáo dục hiện đại như giáo dục STEM, giáo dục tích hợp... bằng các hành động thiết thực, cụ thể để vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu giáo dục phổ thông, vừa chuẩn bị cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bà Trần Thị Thu Hà: Để được vào phòng xét tuyển, chúng tôi đã quy định rõ: Đối với cấp quận, huyện, thị xã, cấp Phòng Giáo dục và Đào tạo, nếu có điều kiện thì các đồng chí tổ chức giải thưởng từ cấp quận, huyện, thị xã. Nếu không, dựa trên căn cứ tiêu chí của Ngành đề ra, các đồng chí tiến hành chọn lựa. Mỗi một cấp học chỉ được chọn một nhà giáo tiêu biểu lên cấp Ngành. Tức là mỗi Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ có một nhà giáo tiêu biểu của cấp Mầm non, một nhà giáo tiêu biểu của cấp Tiểu học, một nhà giáo tiêu biểu của cấp Trung học cơ sở.

Có thể nói, khi đã lên đến cấp Ngành thì tiêu chí sáng tạo, đổi mới một cách độc đáo sẽ thuyết phục được Ban giám khảo. Còn các nhà giáo đều là những nhà giáo tâm huyết và có đổi mới, sáng tạo trong quản lý cũng như trong dạy và học.

PV: Vậy, qua 5 ngày thẩm định trực tiếp, bà nhận thấy chất lượng năm nay như thế nào?

Bà Trần Thị Thu Hà: Về chất lượng báo cáo, năm nay, chúng tôi nhận thấy đã có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo được các nhà trường chọn lọc, thi đua. Do đó lên đến cấp Ngành đã có nhiều ý tưởng độc đáo, đổi mới hơn; vận dụng được những phương pháp giáo dục tiên tiến phù hợp với đặc thù của đơn vị mình.

Về cách báo cáo, các thầy cô giáo đã học tập được nhau. Đồng thời, nhiều đơn vị còn gần như tập huấn cho giáo viên của mình cách báo cáo để làm thế nào tất cả những kết quả đã làm được sẽ được báo cáo trước Hội đồng. Do đó, chúng tôi thấy cách báo cáo cũng như chất lượng năm nay có rất nhiều điểm đổi mới và kết quả đạt được cũng tốt hơn.

PV: Thực tế, trong ngành Giáo dục đã có rất nhiều cuộc thi để tôn vinh nhà giáo. Vậy, theo bà, điểm khác biết giữa giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo so với những giải thưởng khác như thế nào để thu hút được đông đảo nhà giáo tham gia?

Bà Trần Thị Thu Hà: Thông thường, mọi người thường hiểu là cứ giáo viên dạy giỏi đạt giải Nhất thành phố thì sẽ được đề cử vào giải thưởng này. Tuy nhiên, không hoàn toàn như vậy. Ở giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo, chúng tôi đề cao ý tưởng đổi mới, sáng tạo của giáo viên trong quản lý cũng như trong giảng dạy. Nhiều nhà giáo có thể là có kinh nghiệm lâu năm trong công tác thế nhưng không có nhiều đổi mới, sáng tạo thì cũng chưa chắc bằng những nhà giáo mạnh dạn, có ý tưởng và thực hiện được ý tưởng đổi mới, sáng tạo của mình hiệu quả.

Cái chúng tôi quan tâm nhiều hơn là ý tưởng đổi mới, sáng tạo của các nhà giáo có mang tính thực tiễn nhiều hay là không, tính hiệu quả của nó như thế nào và sau này nó phải được lan tỏa chứ không phải ý tưởng đấy chỉ dành cho một nhà giáo. Chúng tôi mong muốn với giải thưởng này, với những đổi mới sáng tạo này thì nó sẽ được lan tỏa. Tính đổi mới sáng tạo cũng như là tính giao lưu, chia sẻ học tập của các nhà giáo được nhiều hơn nữa. Bởi trong tri thức, sự giao lưu, trao đổi, chia sẻ sẽ làm giảm thời gian của con người trong suy nghĩ cũng như là cái mà đồng nghiệp học tập được nhau. Chúng tôi nghĩ đó là một cách để rút ngắn khoảng cách, sự chênh lệch giữa đội ngũ cũng như phong trào thi đua hiện nay đang diễn ra

- PV: Xin chân thành cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Phạm Thảo

(Thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lan-toa-nhieu-y-tuong-moi-trong-phuong-phap-giang-day-96842.html