Lan tỏa việc học tập và làm theo Bác

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ trong nội bộ Đảng, hệ thống chính trị mà còn lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Thời gian qua, nhiều điển hình học tập và làm theo Bác tiên tiến trong cần cù lao động, sản xuất, cống hiến sức mình cho công tác an sinh xã hội, có nhiều đóng góp cho địa phương... được các cấp, ngành biểu dương, khen thưởng.

Bài 1: Lá lành đùm lá rách

Nhớ lời Bác Hồ dạy “lá lành đùm lá rách”, anh Kiều Thiện Phú, ngụ ấp Phước Tiền, xã Thủy Liễu (Gò Quao) dành công sức, tiền của giúp đỡ những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, mua xe cứu thương để chở người bệnh.

TẤM LÒNG NHÂN ÁI

Anh Phú cho biết anh rất tâm đắc và thán phục trước tấm lòng nhân ái của Bác. “Bác dành cả đời mình cho đất nước, chăm lo cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Học tập ở Người, tôi chỉ muốn đóng góp một chút công sức cho quê hương”, anh Phú nói.

Khoảng 5 năm nay, anh biết nhiều hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Hàng tháng, anh tặng từ 35-37 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Gò Quao 10kg gạo/hộ. “Tôi dùng gạo nào để ăn hàng ngày sẽ mua gạo đó tặng bà con. Loại gạo nào ăn ngon, tôi mới mua tặng bà con chứ không tùy tiện muốn tặng loại gạo nào cũng được, của cho không bằng cách cho mà”, anh Phú chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Út Quao (sinh năm 1984), ngụ ấp Phước Tiền bị bại liệt bẩm sinh, sống với mẹ già nhiều năm nay. “Gia đình tôi nghèo khó lắm, nếu như không được anh Phú tặng gạo hàng tháng, gia đình tôi sẽ túng quẫn hơn. Mẹ tôi lớn tuổi đã mất cách đây vài tháng, giờ chỉ còn lại một mình tôi, chân không đi lại được nên càng thêm khó khăn”, chị Quao tâm sự. Cùng với số tiền trợ cấp hàng tháng cho người khuyết tật và số gạo mà anh Phú tặng, chị Quao bớt lo cái ăn mỗi ngày. “Tôi cảm ơn anh Phú không biết bao nhiêu cho đủ”, chị Quao chia sẻ.

Anh Kiều Thiện Phú (giữa) thường xuyên đến thăm hỏi, tặng gạo cho các gia đình mà anh nhận giúp đỡ hàng tháng.

Anh Kiều Thiện Phú (giữa) thường xuyên đến thăm hỏi, tặng gạo cho các gia đình mà anh nhận giúp đỡ hàng tháng.

Với anh Phú, học tập Bác là việc làm hàng ngày và “không phải có nhiều tiền thì mới giúp đỡ người khác”. Theo anh, mỗi ngày làm một việc tốt thì đó là việc học Bác ý nghĩa nhất. “Mỗi ngày tôi làm ra mười đồng thì cho đi một, hai đồng, có ít cho ít, có nhiều cho nhiều. Cha mẹ tôi dạy tôi phải làm từ thiện, học tính nhân ái như Bác. Tôi cũng dạy con tôi như thế và con tôi cũng bắt đầu làm từ thiện giống như tôi”, anh Phú chia sẻ.

MUA XE CỨU THƯƠNG CỨU NGƯỜI

Năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, anh Phú quyết định bỏ tiền cá nhân mua một xe cứu thương. Anh kêu gọi tài xế xe dịch vụ trên địa bàn xã Thủy Liễu cùng tham gia chạy xe cấp cứu cùng với anh. Tất cả chi phí xăng, dầu, duy tu, bảo dưỡng xe... anh Phú đều đảm bảo. “Xã có 8 người tham gia trực xe cấp cứu được anh Phú hỗ trợ mỗi người 100.000 đồng/ngày trực. Anh không nhận tiền hỗ trợ của người bệnh và kiên quyết không cho tài xế nhận tiền hay bất cứ thù lao của người bệnh và thân nhân”, đồng chí Trần Minh Quân - Đảng ủy viên, Trưởng Khối vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thủy Liễu cho biết.

Năm 2021, xe cứu thương của anh Phú phối hợp với các lực lượng chức năng của xã Thủy Liễu đón người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác về địa phương tránh dịch. Gia đình của anh Phú hỗ trợ nước uống, bánh mì, để người dân ăn uống trên đường đi. Từ khi có xe cứu thương đến nay, các tài xế cùng anh Phú đưa đón khoảng 30 bệnh nhân mỗi tháng. “Không kể giàu hay nghèo, ai có nhu cầu đi xe cứu thương miễn phí cứ gọi chúng tôi”, anh Phú nói.

Để xe cứu thương được duy trì hoạt động tốt, anh Phú nhận một lao động làm công việc trực xe cứu thương được hưởng nguyên lương để khi ai có nhu cầu cấp cứu là có sẵn xe. “Noi gương Bác, học theo anh Phú sống nhân ái với cộng đồng, chúng tôi cùng tham gia trực và chạy xe cấp cứu. Mỗi tháng tôi trực 4 ngày. Thấy tài xế có hoàn cảnh khó khăn, anh Phú hỗ trợ mỗi người 100.000 đồng/ngày trực. Một số anh em khá hơn không nhận”, anh Trần An Bài (sinh năm 1982), ngụ xã Thủy Liễu cho biết.

Anh Kiều Thiện Phú là chủ phà Thủy Liễu - người đã đầu tư tuyến đường từ chợ Thủy Liễu đến phà Thầy Quơn dài gần 4km và tuyến đường từ chợ Thầy Quơn đến phà Thầy Quơn dài hơn 700m. Hiện 2 tuyến đường rộng 4,5m này ô tô dễ dàng đi lại. “2 tuyến đường vừa để phục vụ nhu cầu bến phà nhưng mục đích chính là mong muốn bà con có được điều kiện đi lại dễ dàng hơn, không còn phải đi đường sình lầy như trước kia”, anh Phú nói.

Anh Phú cho biết thời điểm mua xe cứu thương vì chưa có tiền nhiều nên anh đầu tư xe cũ nhưng hiện anh đã có kế hoạch mua xe cứu thương mới. “Tôi kêu gọi cha mẹ, người thân trong gia đình được 300 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ vay thêm ngân hàng cho đủ tiền mua xe cứu thương mới phục vụ bà con”, anh Phú nói. Đối với những việc làm của mình, anh Phú bộc bạch đây là cách làm thiết thực nhất để học tập và làm theo Bác. “Học Bác tính nhân ái để bản thân ngày càng tốt hơn”, anh Phú nói.

Bài và ảnh: TÂY HỒ

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//phong-su-ghi-chep/lan-toa-viec-hoc-tap-va-lam-theo-bac-8912.html