Lan truyền gây sốc về bà Harris trên TikTok và Instagram
Tin giả liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang được khuếch đại thông qua việc dịch và phát tán trên các nền tảng có nhiều người Mỹ gốc Hoa sử dụng.
Sau khi bà Kamala Harris trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ, TikTok và Instagram xuất hiện một loại thông tin sai lệch đặc biệt nguy hại rằng bà Harris "cướp chồng của người khác", liên quan đến ông Willie Brown, cựu thị trưởng San Francisco.
Tin giả này nhanh chóng được dịch sang tiếng Trung và đăng trên X, với ngôn ngữ trở nên "càng kích động hơn", theo nhóm kiểm tra thực tế của Trung Quốc, PiYaoBa. Một người có ảnh hưởng của Trung Quốc, người có dòng tweet thu hút hơn 60.000 lượt xem, đã dịch cụm "cướp chồng của một người phụ nữ" thành "nhân tình".
Bản dịch này lan truyền sang các nền tảng khác của Trung Quốc như WeChat, thu hút hơn 100.000 lượt xem và khiến một số người dùng gọi bà Harris là "gà", trong tiếng Quan Thoại thường là từ miệt thị dành cho gái mại dâm.
Vụ việc cho thấy thông tin sai lệch bằng tiếng Anh không chỉ bị dịch sang các ngôn ngữ khác, mà còn xuất hiện dưới những hình thức mới mang tính bản địa hơn.
"Nhảy" nền tảng
Trong năm tính đến tháng 7, 228 thông tin sai lệch nghiêm trọng đã nhắm vào người dùng nói tiếng Trung theo cách tương tự, thu hút hơn 4 triệu lượt xem, báo cáo từ Chinese for Affirmative Action (CAA) cho biết. Gần đây đã có một làn sóng thông tin sai lệch chống lại bà Harris.
Jinxia Niu, giám đốc chương trình tương tác kỹ thuật số của CAA, cho biết hoạt động phát tán này được gọi là "platform jump" (tạm dịch: nhảy nền tảng), khi thông tin sai lệch tiếng Anh được dịch sang tiếng Trung và sau đó được chia sẻ trên các nền tảng có nhiều người Mỹ gốc Hoa hơn.
"Khoảng 80% các cuộc tấn công nhắm vào bà Harris về cơ bản là các cuộc tấn công cá nhân rất kỳ thị, xúc phạm phụ nữ, gần giống như việc hét lớn những lời lăng mạ trên phố", Niu cho biết.
Theo CAA, trung bình, mỗi bài đăng này nhận được 26.320 lượt xem trên X và 18.590 lượt xem trên WeChat, với tổng số lượt xem thường vượt quá những con số này do lưu hành trên nhiều nền tảng. Các chủ đề phổ biến bao gồm ông Trump, thuyết âm mưu và nhập cư.
Dorothy He, giám đốc truyền thông tại Hội đồng quốc gia người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương (NCAPA), cho biết: "Mục đích của thông tin sai lệch về chủng tộc trong các cuộc bầu cử là để ngăn chặn tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở khu vực bầu cử đang phát triển nhanh nhất tại Mỹ hoặc thuyết phục họ bỏ phiếu theo một cách nhất định".
Người Mỹ gốc Hoa có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ. Theo Khảo sát cử tri người Mỹ gốc Á (AAVS), năm 2020, 56% người Mỹ gốc Hoa ủng hộ ông Biden, trong khi chỉ 20% ủng hộ ông Trump. Năm 2024, tỷ lệ ủng hộ ông Biden giảm 2%, trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Trump tăng 7%. Kể từ khi bà Harris trở thành ứng cử viên, tỷ lệ ủng hộ của bà trong số người Mỹ gốc Hoa đã đạt mức cao nhất trong 4 năm là 65%, mặc dù tỷ lệ ủng hộ ông Trump vẫn cao hơn 4% so với năm 2020.
Quy mô của vấn đề thông tin sai lệch vẫn chưa rõ ràng. Một cuộc khảo sát riêng biệt cho thấy "tin giả dường như ít phổ biến hơn đối với người Mỹ gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương (AAPI) so với các nhóm chủng tộc khác", thể hiện rằng tin giả có thể chỉ tiếp cận được một bộ phận nhỏ người Mỹ gốc Hoa.
Mặc dù vậy, kể từ tháng 10, các nền tảng như PiYaoBa đã chứng kiến sự gia tăng các tin đồn nhắm vào bà Harris.
Niu cho biết nghiên cứu cho thấy đối tượng chính của những tin đồn này là những người nhập cư thế hệ đầu tiên trong độ tuổi 45-75, một số người trong số này có thể đã trải qua tình trạng thiếu trao quyền cho phụ nữ và bất bình đẳng giới kéo dài nên dễ trở thành mục tiêu của những kẻ phát tán thông tin sai lệch.
"Họ vẫn tin rằng điều đau đớn nhất của một người phụ nữ là bị gắn mác tình nhân. Giả định của họ là phụ nữ chỉ có thể đạt được địa vị thông qua hôn nhân, với tư cách là người tình hoặc vợ phụ thuộc vào một người đàn ông nào đó", Niu nói.
Thuyết âm mưu trên mạng xã hội
Một thông tin sai lệch mới được lan truyền gần đây - rằng Elon Musk đã bị lừa ký giấy phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho một trong những đứa con của mình - đã được một người có sức ảnh hưởng X, @Kunluntalk, chuyển ngữ theo hứng nhắm vào những người nhập cư Trung Quốc: "Con trai cả của Musk đã bị giết bởi loại virus của chủ nghĩa thức tỉnh... đảng Dân chủ Mỹ thúc đẩy LGBTQ và chủ nghĩa thức tỉnh...".
Câu chuyện này sau đó lan truyền trên nhiều nền tảng. Sau khi xem video Musk khóc và thấy bài đăng trên X, Xiaoyan Wu, người nhập cư Trung Quốc, đã bị thuyết phục. Bà tuyên bố: "Đảng Dân chủ ủng hộ đồng tính luyến ái và đang biến đổi những cậu bé và cô bé trung học, khiến chúng không còn là nam hay nữ. Hãy xem cách họ biến con trai của Musk thành con gái".
Wu nhập cư từ Trung Quốc vào năm 2016 và hiện cung cấp dịch vụ vệ sinh ở phía bắc New York. Bà không tin tưởng vào phương tiện truyền thông. "Bây giờ tin tức chính thống ở Mỹ toàn là tin Dân chủ. Không còn tin tức thực sự nào nữa trừ khi bạn tìm thấy một số người dũng cảm trên Twitter (hiện là X) dám nói lên sự thật", bà nói.
Tuy nhiên, nỗ lực tiếp cận từ các đảng phái chính trị đối với người Mỹ gốc Hoa tương đối thấp. Khảo sát cử tri cho thấy 42% người Mỹ gốc Hoa chưa nhận được bất kỳ liên lạc nào từ đảng Dân chủ, trong khi 60% chưa nghe tin từ đảng Cộng hòa, cả hai đều là tỷ lệ cao nhất trong số tất cả nhóm dân tộc AAPI. Người Mỹ gốc Hoa cũng có tỷ lệ tham gia hoạt động cộng đồng thấp nhất trong nhóm AAPI.
Shuping Yin, nhà tạo mẫu tóc ở New York nhập cư vào Mỹ từ Trung Quốc vào năm 2008, cho biết việc cập nhật thông tin có thể là thử thách: "Tôi không hiểu được tin tức và không xem truyền hình. Đó không phải là ngôn ngữ của tôi".
Trong số 432 cử tri người Mỹ gốc Hoa đã đăng ký, 81% nói ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh ở nhà, tỷ lệ cao nhất trong nhóm AAPI, theo Khảo sát cử tri người Mỹ gốc Á năm 2024. Ngoài ra, 17% người Mỹ gốc Hoa nhận hầu hết tin tức từ các nguồn không phải tiếng Anh, đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong nhóm.
Khi cuộc bầu cử đang đến gần, Niu lo ngại rằng tin giả về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử sẽ lan truyền trong số cử tri người Mỹ gốc Hoa. "Trong cuộc bầu cử năm 2020, chúng tôi thấy nhiều cá nhân Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các thuyết âm mưu như vậy. Một khi những niềm tin này bám rễ, công chúng ngày càng dễ tiếp nhận thông tin sai lệch phù hợp với các giá trị hiện tại của họ hơn nữa", bà nói.