Làng cách mạng An Khê

Thôn An Khê, xã Gio Sơn nằm về phía tây của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ở địa thế trên vùng đất đỏ ba dan màu mỡ, mưa gió thuận hòa nên các loại cây trái ở đây quanh năm tốt tươi. Con người An Khê bao đời hiền hòa, cần cù chịu thương chịu khó tạo dựng nên một miền quê thanh bình, nhưng chứa đựng trong đó những trầm tích lịch sử văn hóa của dân tộc.

 Bia di tích Trung An tại thôn An Khê - Ảnh: VIỆT HÀ

Bia di tích Trung An tại thôn An Khê - Ảnh: VIỆT HÀ

Tìm trong sử sách, được biết An Khê là một trong những làng có mặt từ rất sớm ở Quảng Trị. Theo sách Phủ Biên tạp lục của soạn giả Lê Quý Đôn vào năm 1776 cho biết, phường Bái Trời thuộc huyện Minh Linh gồm có 20 phường, trong đó có các làng thuộc xã Gio Sơn ngày nay như An Khê, Trung An và Phú Ốc.

Cùng với sự đổi thay trong dòng chảy lịch sử thì sự hình thành và phát triển của An Khê luôn có nhiều biến động. Từ thế kỷ thứ 19 dưới triều của vua Minh Mạng đã chia huyện Minh Linh thành hai huyện Địa Linh và Minh Linh. Huyện Địa Linh có bốn tổng: An Xá, An Định, An Mỹ và Bái Ân; các làng An Khê, Trung An thuộc vào tổng Bái Ân cho đến trước Cách mạng tháng Tám. Từ sau năm 1945, thôn An Khê thuộc xã Linh Tiên, sau là xã Linh Mai; đến tháng 3/1951 thuộc xã Linh An và đến năm 1958 thì thuộc xã Gio Sơn cho đến ngày nay. Cùng với sự chia tách địa bộ hành chính cũng dẫn đến sự sáp nhập của các làng trên cùng địa bàn, hiện tại thôn An Khê có đến bảy làng cũ cùng cộng đồng sinh hoạt. Tuy có nhiều làng, nhiều dòng họ và đến quần tụ vào thời gian khác nhau nhưng người dân An Khê luôn đoàn kết để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Ông Trần Uynh, Trưởng ban trị sự làng Trung An cho biết: “Cũng như các làng khác trên địa bàn của tỉnh Quảng Trị, sự khốc liệt của các cuộc chiến tranh vệ quốc đã tàn phá tất cả, kể cả đình, chùa, miếu, vũ. Hiện An Khê chưa xây dựng lại đình làng, tuy nhiên tại miếu Thành Hoàng, vào các dịp đầu xuân, các vị hào lão chức sắc đều thay mặt cho con em của làng để tổ chức các lễ kỳ an đại tự, cầu cho mưa thuận gió hòa, tích phước tụ an cho hương thôn”. Tương truyền Thành hoàng của làng người quê gốc Nam Định ở trong đoàn dân binh đi vào Nam mở cõi, thấy vùng đất đỏ tốt tươi, lại gần khe suối mát lành nên đã chọn làm nơi hưng nghiệp. Với công lao đó, sau này vua đã ban sắc phong làm Thành hoàng của làng.

Một trong những cổ vật còn được người thôn An Khê giữ gìn cho đến ngày nay đó là cái chuông chùa làng. Qua bản dịch trên thân chuông được biết chuông được các hương quan, hào lão và con em phường Trung An xưa phát tâm đóng góp đúc nên, tính theo niên đại chuông đã có hàng trăm năm tuổi. Trong những năm tháng chiến tranh, bà con đã bảo vệ bằng cách chôn xuống đất, xuống nước và gửi vào các chùa ở Huế. Tương truyền chuông có tiếng vang rất xa, mỗi lần vào lễ, nhà chùa rung chuông thì đến hàng cây số vẫn nghe rõ. Chuông hiện đang được lưu giữ tại chùa Gio Sơn, đây là một trong hiện vật quý bởi có giá trị về niên đại và chất liệu.

Có lẽ chúng ta đã nghe qua về hệ thống giếng đá cổ của vùng Gio An cùng với cây rau liệt nổi tiếng. Cùng với địa tầng địa chất tương tự thì Gio Sơn cũng có một số giếng đá cổ nằm trên địa bàn. Trong bốn giếng cổ của Gio Sơn thì An Khê có hai giếng tên gọi là giếng Nậy và giếng Hùng. Các giếng này bao đời nay đã cung cấp nước uống, nước sinh hoạt cho bà con các làng thuộc thôn An Khê. Giếng được kè bằng đá xanh, nguồn nước xanh trong mát lành chảy ra từ trong lòng núi. Như câu ca dao xưa “Tam Sơn chảy xuống ba Hà, qua đình Hà Thượng chảy ra sông Cánh Hòm”, chính từ các nguồn nước này cung cấp nước cho hồ Phú Dụng và các xã miền Đông của huyện Gio Linh phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bà con nơi đây cũng đã sử dụng nguồn nước sạch này để trồng rau liệt cung cấp cho thị trường.

Bao đời nay, người dân An Khê luôn có tinh thần yêu nước nồng nàn. Trong phong trào Cần Vương đã có những sĩ phu, trí thức đi theo dưới ngọn cờ chống Pháp của vua Hàm Nghi. Từ những năm 1930 - 1945, làng An Khê là một trong những địa điểm liên lạc từ căn cứ Tây Gio Linh đến vùng An Nha, An Hướng. Làng An Khê còn là nơi hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Trị như đồng chí Trần Hữu Dực, Lê Hành, Vũ Soạn...

Đi qua chiến tranh, người dân An Khê bắt tay vào xây dựng lại quê hương của mình. Từ miền đất chết đầy rẫy bom, mìn và các vật liệu nổ các loại, người dân An Khê đã đổ mồ hôi công sức, kể cả máu của mình để làm hồi sinh đất mẹ, phủ kín đất trống đồi trọc bằng những niềm tin và ước mơ xanh của mình.

Thực hiện chủ trương của đảng và nhà nước, thôn An Khê triển khai có hiệu quả cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Bằng nỗ lực của mình, cán bộ và người dân An Khê đã làm cho diện mạo miền quê này thực sự đổi thay. Qua miền quê An Khê hôm nay thực sự không thể tin là đang ở trên miền đất mang đầy thương tích chiến tranh khói lửa năm xưa. Ta chỉ thấy những thửa ruộng lúa xanh ngát hứa hẹn cho một mùa vàng bội thu, những đồi trồng cây nghệ trải dài tít tắp vươn lên đón ánh mặt trời, những vườn tiêu sai quả hằng năm cho mùa bội thu, chợt nhớ câu đồng dao xưa “Đất Trung An, gan Mai Xá, Đá Hảo Sơn…”.

Nguyễn Việt Hà

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=152219