Làng dệt vào Xuân
Xuân đã về. Dưới mái nhà sàn đồng bào dân tộc Mường, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, từng giọt sương mai ngưng đọng rơi khẽ, chạm nhẹ vào cánh đào rừng e ấp. Bên khung cửi, bàn tay thiếu nữ đưa thoi thoăn thoắt. Lách cách thoi đưa dệt vào khung cảnh sắc màu mùa Xuân đẹp đẽ, thơ mộng!
Trong tiết Xuân ấm áp, những cô gái Mường lại xúng xính, duyên dáng trong những chiếc khăn, chiếc áo rực rỡ làm say lòng những chàng trai bản xứ, làm nảy nở tình yêu đôi lứa hòa trong tình yêu núi rừng quê hương, dệt nên bức tranh cảnh vật, con người hữu tình.
Để tạo nên những tấm vải thổ cẩm lung linh sắc màu phải trải qua rất nhiều công đoạn. Hằng năm, cứ đến tháng 5 âm lịch, chờ ngày nắng đẹp, người dân bắt đầu thu hoạch bông phơi 2-3 ngày nắng. Múi bông sau khi phơi khô, dùng cung để tơi mịn, ép thành con để kéo sợi. Tiếp đến là công đoạn hồ sợi, se sợi, mắc sợi và dệt vải... Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của các chị, các mẹ để tạo được những tấm thổ cẩm đầy màu sắc, hoa văn sinh động.
Từ lâu, nghề dệt thổ cẩm đã gắn liền với đời sống người mường nơi đây. Những tấm thổ cẩm không chỉ gắn bó mật thiết với đời sống người dân mà còn tượng trưng cho sự giàu có, sung túc trong mỗi gia đình, là vật không thể thiếu trong dịp lễ trọng, việc hiếu, hỉ, tang ma của người Mường. Nhà nào càng nhiều vải dệt, chăn đệm, thổ cẩm thì càng thể hiện cuộc sống khá giả. Người Mường Kim Thượng đến giờ vẫn con giữ phong tục dùng thổ cẩm làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng.
Ở tuổi 72 tuổi, bà Sa Thị Tâm (khu Xuân 2) là một trong số những nghệ nhân có đóng góp quan trọng trong xây dựng tài liệu phục dựng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Kim Thượng. Dưới đôi bàn tay tài hoa của bà, những họa tiết truyền thống tươi đẹp của văn hóa Mường xưa nổi bật trên những thước vải.
Nghệ nhân Sa Thị Tâm cho biết: Nghề dệt thổ cẩm có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết rằng nó đã gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào Mường nhiều đời nay. Ngày trước, con gái Mường lên bảy, tám tuổi đã được bà và mẹ dạy cách trồng bông, quay tơ, kéo sợi. Mười ba, mười bốn tuổi đã biết ngồi khung cửi, dệt nên những tấm thổ cẩm lấp lánh, nhiều màu sắc để may chăn đệm chuẩn bị lấy chồng. Người Mường quan niệm thổ cẩm còn là thước đo sự giàu có, ấm no, sung túc của các gia đình.
Để tạo nên những tấm vải thổ cẩm sắc màu phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ trồng trồng bông, thu hoạch đến kéo sợi, se sợi, hồ sợi, dệt vải... tất cả đều được những người phụ nữ Mường thực hiện. Từ những tấm vải thổ cẩm, dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Mường đã tạo thêm nhiều sản phẩm khác mang tính ứng dụng hơn phù hợp với nhiều mục đích sử dụng và làm các sản phẩm lưu niệm như: Áo, mũ, gối, túi xách, khăn... nhằm đa dạng hóa các mặt hàng bán ra thị trường, tăng thêm thu nhập vừa phục vụ phát triển du lịch.
Từ năm 2008, nghề dệt truyền thống ở xóm Chiềng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề, mở ra nhiều cơ hội việc làm và phát triển du lịch cộng đồng cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, trước sự phát triển các sản phẩm dệt may công nghiệp với nhiều mẫu mã bắt mắt, giá thành rẻ, các sản phẩm thổ cẩm người Mường Kim Thượng gặp nhiều khó khăn về đầu ra.
Đồng chí Phùng Trọng Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhằm khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống, Đảng ủy, chính quyền xã Kim Thượng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyền truyền, giáo dục về bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mường đến mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời, tăng cường phối hợp với các cấp bộ, ngành, tranh thủ mọi nguồn lực để khôi phục và phát triển làng nghề, vừa tạo việc làm cho bà con, vừa giữ gìn, phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc”.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/lang-det-vao-xuan/205681.htm