Lắng đọng dư âm cuộc chơi cổ phục

Vừa qua, tại Nhà triển lãm Ba Ngàn Art đã diễn ra triển lãm mang tên gọi 'Nếp màu tự nhiên'. Triển lãm tuy đã khép lại nhưng lắng đọng nhiều dư âm về một cuộc chơi văn hóa gây ấn tượng mạnh bởi ý nghĩa và sức sáng tạo. Thực chất đây là một triển lãm về lụa, các kỹ thuật tạo màu, nhuộm và trang phục truyền thống của người Việt.

Tái hiện không gian xưa trong cổ phục Việt. Ảnh: Nguyễn Đức Nguyên

Tái hiện không gian xưa trong cổ phục Việt. Ảnh: Nguyễn Đức Nguyên

Cái mới của triển lãm là không đi theo lối mòn kiểu một show diễn thời trang với những mẫu trang phục và vài gương mặt người mẫu đình đám. Triển lãm "Nếp màu tự nhiên" giới thiệu nhiều mẫu cổ phục của người Việt theo thời gian, cùng các kỹ thuật tạo màu, nhuộm màu cho lụa bằng các chất liệu cây, cỏ có trong tự nhiên.

Qua triển lãm, người yêu văn hóa truyền thống có một cái nhìn đầy đủ hơn về cổ phục của người Việt. Theo đó, trang phục truyền thống của người Việt không chỉ có áo the, khăn đóng, áo dài mà có một lịch sử sáng tạo phong phú các kiểu phục trang: áo Đối Khâm (thời Lý - Trần), áo Giao Lĩnh (thời Lý - Trần - Lê), áo tứ thân (đầu thế kỉ 20), áo Nhật Bình và áo Tấc (thời Nguyễn), áo Ngũ thân (thời Nguyễn sau năm 1744)...

Các kiểu trang phục mỗi thời không chỉ thể hiện đặc trưng sáng tạo về "văn hóa mặc" của thời đó mà còn phản ánh quan niệm về trật tự xã hội của người xưa. Theo đó, xã hội phân ra các tầng lớp: vua, chúa, quan lại, thương nhân, nho sĩ, nông dân và cũng có các mẫu cổ phục tương ứng.

Tầng lớp trên thường có trang phục với chất liệu lụa, bóng, thêu hoa văn thể hiện sự sang trọng. Lớp người bình dân, người lao động có các áo chất liệu vải thô, bền chắc, chịu được thời tiết nóng ẩm, mưa, tiện lợi trong lao động. Ví dụ lớp quý tộc có áo Mãng Bào, nông dân mặc chất liệu thô mộc như vải Đũi...

Điểm thú vì ở triển lãm này là không chỉ trưng bày, tái hiện các mẫu cổ phục mà còn cho người tham quan trải nghiệm các kỹ thuật nhuộm, hấp, tạo màu cho lụa theo lối thủ công nhất, qua đó người xem có những hình dung rõ rệt về kỹ thuật chế tác trang phục, quan niệm về "văn hóa mặc" của người xưa.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, khách du lịch đến từ Hà Nội khi thăm quan triển lãm cho biết: "Tôi đã đi thăm quan nhiều nơi, đến cả các làng nghề dệt lụa, tuy nhiên ở Ninh Bình đây là lần đầu tiên tôi được dự một triển lãm như thế này. Cách thức tổ chức hoạt động của triển lãm đem đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị về sáng tạo của người xưa, nhất là việc tận dụng các nguyên liệu từ thực vật trong tự nhiên tạo nên màu sắc cho các sản phẩm vải, thân thiện với môi trường".

Các kỹ thuật nhuộm, tạo màu cho lụa chủ yếu sử dụng các nguyên liệu có trong tự nhiên như thân, vỏ cây, củ, nhựa cây, lá xay giã nhuyễn, phối trộn theo một kỹ thuật, tỷ lệ nhất định để tạo nên các màu sắc khác nhau dùng nhuộm vải. Bản thân vải cũng là chất liệu vải sợi tơ tằm được dệt, nhuộm thủ công có độ bền chắc đặc biệt, màu sắc đặc trưng khác hẳn vải hóa học.

Các học sinh trải nghiệm tại triển lãm "Nếp màu tự nhiên". Ảnh: Sơn Đỗ Quyên

Ông Nguyễn Đức Huy, đại diện Công ty Đông Phong, đơn vị phối hợp đưa sản phẩm vải lụa, các mẫu cổ phục về triển lãm bày tỏ: "Để phỏng dựng một chiếc áo cổ thì ngoài dáng áo, chất liệu và màu sắc cũng là những yếu tố rất quan trọng. Trong quá trình nguyên cứu về màu vải, Đông Phong nhận thấy có rất ít các tài liệu liên quan. Chính vì vậy, chúng tôi muốn thông qua việc thực hành lại các phương pháp nhuộm thủ công để từ đó biết được xưa kia, người Việt mình với các nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên xung quanh có thể tạo ra được những sắc màu gì trên trang phục".

Triển lãm "Nếp màu tự nhiên" lần này là dịp để Công ty Đông Phong có thể giới thiệu được cho mọi người những thành quả sau 3 năm tập trung nghiên cứu về nhuộm tự nhiên của công ty. Thông qua triển lãm này, Công ty mong muốn có thể cho mọi người thấy được một phần của quá trình nghiên cứu và phục dựng những trang phục cổ, đồng thời có thể biết thêm về các màu sắc mà cha ông ta đã từng dùng.

Bà Sơn Đỗ Quyên, phụ trách truyền thông của Nhà triển lãm Ba Ngàn Art cho biết thêm: "Mục đích của triển lãm "Nếp màu tự nhiên" lần này muốn chia sẻ về một góc nhìn tự nhiên, thực hành một lối sống tự nhiên thuần Việt. Nâng cao và phân định rõ giá trị của văn hóa Việt qua các nét đẹp và sự tinh tế của cổ phục Việt".

Triển lãm về cổ phục tại Nhà triển lãm Ba Ngàn Art không chỉ dừng lại ở hoạt động trưng bày triển lãm, trình diễn kỹ thuật nhuộm, tạo màu cho lụa mà các nhà tổ chức còn nối dài cuộc chơi sáng tạo khi đồng thời với hoạt động triển lãm là tổ chức chương trình "Hành trình Việt cổ phục tìm về di sản'.

Các mẫu trang phục được trưng bày đã được các tình nguyện viên địa phương nơi có các điểm di sản ăn vận để các nhiếp ảnh gia sáng tạo các ảnh nghệ thuật. Bối cảnh các bức ảnh là các di tích, thắng cảnh như: chùa Bích Động, Đền Đức thánh Nguyễn, Cố đô Hoa Lư, Quần thể danh thắng Tràng An, nhà cổ Trường Yên...

Việc chụp ảnh cổ phục trên nền các di tích lịch sử, thắng cảnh với vẻ cổ kính, màu thời gian rêu phong đã gợi ý tưởng cho những góc máy sáng tạo, với nhiều tác phẩm ảnh đẹp. Điều này mang đến hai hiệu ứng, vừa lột tả được nét đẹp, thần thái của những trang phục truyền thống, vừa tôn vinh nét đẹp của chính các di tích, danh thắng.

Di sản văn hóa truyền thống mà người xưa để lại rất đa dạng, tuy nhiên trong các di sản văn hóa thì văn hóa "ăn, mặc, ở" khá quan trọng vì nó gần gũi với đời sống con người nhất. Tôn vinh cổ phục chính là hướng khai thác về "văn hóa mặc"của người xưa bên cạnh "văn hóa ăn" (hay nghệ thuật ẩm thực) và "văn hóa ở"(nghệ thuật kiến trúc).

Cổ phục Việt ở một góc độ nào đó là phán ánh nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt của người xưa. Nó chứa đựng trong đó đặc điểm về tâm lý, thói quen, khả năng sáng tạo trong lao động... của người Việt. Thưởng lãm về cổ phục thực chất là hành trình tìm về những cội nguồn văn hóa. Sự trân quý những trang phục cổ truyền phản ánh thái độ trân trọng với các di sản văn hóa từ quá khứ.

Hoạt động của triển lãm "Nếp màu tự nhiên" cùng "Hành trình Việt cổ phục tìm về di sản" là một sự kiện văn hóa độc đáo được một đơn vị tư nhân tổ chức với ý nghĩa tốt đẹp là hướng tới mục đích sáng tạo, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống. Trong bối cảnh Ninh Bình đang quảng bá mạnh mẽ cho hoạt động kinh tế du lịch, các sự kiện trên là một hoạt động vừa mang ý nghĩa sáng tạo trong cách thức quảng bá du lịch, lại rất giàu ý nghĩa trong việc tôn vinh các di sản văn hóa truyền thống.

Mai Phương

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/lang-dong-du-am-cuoc-choi-co-phuc/d20220804065823880.htm