'Làng góa phụ' Trung Quốc và nỗi ám ảnh về cái chết từ bụi công nghiệp

Số thợ mỏ tại làng Cam Mễ, tỉnh Tứ Xuyên, qua đời vì bệnh bụi phổi silic để lại 'vợ góa, con côi' nhiều đến mức địa phương này được đặt biệt danh là 'làng góa phụ'.

Chang Dexiu lập gia đình và dọn về vùng quê với chồng ở làng Cam Mễ, xã Hán Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc, vào năm 2003. Kể từ đó, cô cũng bắt đầu quen dần với tiếng pháo hoa nổ vang trong đêm tối.

Đó là phong tục của người dân Cam Mễ, báo hiệu có người trong làng vừa mới qua đời. Những tiếng pháo báo tang gắn liền với nỗi ám ảnh của dân làng về bệnh bụi phổi.

16 năm qua, bệnh bụi phổi silic là nguyên nhân đẫn dến cái chết của ít nhất 16 người đàn ông tại làng Cam Mễ, tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: SCMP.

16 năm qua, bệnh bụi phổi silic là nguyên nhân đẫn dến cái chết của ít nhất 16 người đàn ông tại làng Cam Mễ, tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: SCMP.

Ngôi làng của những góa phụ

Bụi phổi silic là căn bệnh mà người lao động trong các ngành công nghiệp thường mắc phải. Sau thời gian dài tiếp xúc với không khí nhiễm bụi công nghiệp, chất silica sẽ tích tụ trong phổi và đường thở, để lại những vết sẹo khiến hô hấp trở nên khó nhọc.

Ngoài phương án phẫu thuật ghép phổi mới, căn bệnh này gần như không có thuốc chữa. Chất lượng chăm sóc là yếu tố quyết định kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.

Zhong, chồng của Chang Deixu, cũng mắc phải căn bệnh quái ác. Phần lớn đàn ông trong làng mắc bệnh do làm việc tại những mỏ kẽm và chì ở tỉnh Tứ Xuyên. Chang không biết gì về bệnh tình của chồng mình khi hai người được giới thiệu với nhau. Ngay cả khi dọn về Cam Mễ và được chồng tiết lộ về bệnh tình, cô vẫn lầm tưởng căn bệnh này có thể điều trị.

Trong những năm Chang sống ở Cam Mễ, bệnh bụi phổi silic đã cướp đi mạng sống của 16 người. Ngôi làng với chưa đầy 1.000 dân được gán cho biệt danh "làng góa phụ".

Zhong qua đời vào năm 2017. Gánh nặng nuôi hai đứa con trai và trả những khoản nợ lớn của gia đình bỗng trút lên vai người vợ. Đứa con lớn quyết định lên thành phố kiếm việc làm, còn cậu con út vẫn đi học.

Những trường hợp tái hôn không phải hiếm tại Cam Mễ, nhưng Chang vẫn chưa nghĩ đến việc đi thêm bước nữa. Zhong đã là cuộc hôn nhân thứ hai của Chang. Cô không hy vọng có người chấp nhận san sẻ gánh nặng khi gia đình mình quá nghèo.

Người phụ nữ 43 tuổi và cậu con trai 11 tuổi đang sống nhờ tiền của họ hàng, gạo và dầu trợ cấp từ chương trình xóa đói giảm nghèo địa phương.

Lu Changxi, một cựu công nhân khác tại xã Hán Nguyên, cũng được chẩn đoán mắc bệnh bụi phổi vào năm 2005 và mất sức lao động. Vợ của anh là Li Qunying phải thay chồng trở thành lao động chính của gia đình. Cô làm đủ việc từ nấu ăn đến phụ hồ.

Làng Cam Mễ bị gắn với biệt danh "làng góa phụ" khi có nhiều người chồng qua đời vì bụi phổi. Ảnh: SCMP.

Làng Cam Mễ bị gắn với biệt danh "làng góa phụ" khi có nhiều người chồng qua đời vì bụi phổi. Ảnh: SCMP.

Li Qunying vừa bị tai nạn gãy chân ở công trình vài tháng trước, ngã từ giàn giáo cao hơn 2 m. Số tiền vài trăm tệ dành dụm bấy lâu được dùng hết cho viện phí. Giờ đây, cả gia đình cô chỉ biết trông chờ vào giúp đỡ của họ hàng, đàn gà và khu vườn nhà để trang trải chi phí sinh hoạt cùng tiền thuốc men.

Cũng như nhiều phụ nữ khác trong vùng, sự tập trung hàng ngày của Li là chăm sóc cho gia đình dù biết không sớm thì muộn bi kịch sẽ ập đến. Những mẩu chuyện về một người đàn ông nào đó trong xã Hán Nguyên chết trẻ vì bụi phổi được chia sẻ thường xuyên trong nhóm WeChat địa phương.

"Nó nhắc tôi nhớ rằng rồi sẽ đến một ngày chồng tôi phải đối diện với định mệnh của mình. Giờ thì tôi chỉ tập trung chăm sóc cho anh ấy, hy vọng kéo dài thêm được vài năm", Li nói.

"Thủ phủ" của bụi phổi

Luo Qingyu bắt đầu làm việc tại mỏ chì và kẽm Wusihe của vùng từ năm 1991, khi mới 19 tuổi, với hy vọng kiếm đủ tiền mua nhà và cưới vợ.

Tuổi trẻ và sức khỏe của Qingyu bị bóp nghẹt tại khu mỏ. Công nhân gần như không thể nhìn thấy hay nghe thấy nhau giữa những đất cát mịt mù. Tuy nhiên, thời điểm đó Qingyu cũng như nhiều người không hề ý thức được tác hại của bụi mịn đối với sức khỏe. Nhiều người chỉ lấy khăn đeo qua loa khi làm việc.

Vài năm sau, nhiều nam giới trong làng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng về đường hô hấp, từ ho không dứt đến đau ngực, sốt cao. "Bụi phổi" trở thành một khái niệm được nhắc đến thường xuyên trong làng.

Luo Qingyu cùng nhiều người khác đã lỡ mất hạn chót nộp hồ sơ xin trợ cấp và buộc phải tự trả các chi phí chăm sóc y tế. Ông vừa qua đời vào ngày 11/10 trong phòng điều trị tích cực của bệnh viện địa phương.

Những tháng ngày cuối đời của Qingyu, việc đi lại trở nên khó khăn. Ông chỉ có thể ngồi trên ghế sofa, đeo ống thở gắn với máy lọc khí và chờ đợi kết cục không thể tránh khỏi.

Nhiều công nhân các khu mỏ kẽm và chì tại Tứ Xuyên mắc phải bệnh nan y về đường hô hấp sau những năm làm việc trong môi trường độc hại. Ảnh: SCMP.

Nhiều công nhân các khu mỏ kẽm và chì tại Tứ Xuyên mắc phải bệnh nan y về đường hô hấp sau những năm làm việc trong môi trường độc hại. Ảnh: SCMP.

Bộ Y tế Trung Quốc thống kê được gần 975.000 trường hợp người lao động mắc bệnh liên quan đến nghề nghiệp tính đến cuối năm 2018, trong đó gần 873.000 người mắc chứng bụi phổi.

Tuy nhiên, Daai Qingchen, một nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi người lao động, khẳng định số công nhân mắc bệnh bụi phổi silic lên đến hơn 6 triệu người. Hàng nghìn người trong số đó sống tại xã Hán Nguyên và phần lớn là thợ mỏ.

Trung Quốc năm 2002 thông qua luật yêu cầu mọi đơn vị tuyển dụng lao động phải hỗ trợ chi phí y tế và sinh hoạt cho người lao động mắc bệnh liên quan đến nghề nghiệp. Từ năm 2014, chính quyền xã Hán Nguyên cũng bắt đầu bảo lãnh chi phí y tế cho những thợ mỏ mắc bệnh bụi phổi. Gia đình họ được trợ cấp chỉ 100 nhân dân tệ (gần 14 USD)/tháng.

Không phải thợ mỏ nào cũng tiếp cận được với những phúc lợi này. Nhiều người làm việc mà không có hợp đồng rõ ràng và không thể chứng tỏ mình mắc bệnh khi làm việc tại các hầm mỏ trong vùng. Nhiều cơ sở đã thay đổi chủ sở hữu, khiến việc truy trách nhiệm trở nên khó khăn.

Tinh Minh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/lang-goa-phu-trung-quoc-va-noi-am-anh-ve-cai-chet-tu-bui-cong-nghiep-post1001222.html