Lặng lẽ mưu sinh

Quá nửa đời miệt mài sinh kế nơi phố thị phồn hoa, những lao động nghèo vẫn ngày ngày nương vào góc phố, khu chợ, hẻm nhỏ nhọc nhằn mưu sinh, lặng nhìn nhịp sống đổi mới từng ngày. Họ là những người bán hàng rong, bán vé số, thợ sửa giày, sửa khóa,… đã ăn đời ở kiếp với nghề hàng chục năm. Ngoài gánh nặng miếng cơm manh áo, phần còn lại là do họ say nghề, muốn níu giữ điều gì đó của một thời đã qua!

Cô Đỗ Thị Thìn (phố Hồng Hà 2, phường Bến Gót, thành phố Việt Trì) 30 năm với nghề làm xôi bán rong trên phố.

Nhọc nhằn hàng rong
Trời vừa hửng sáng, hàng xôi của cô Đỗ Thị Thìn (phố Hồng Hà 2, phường Bến Gót, thành phố Việt Trì) đã đông người mua, từng bước chân, tiếng nổ xe máy vội vã dưới ánh đèn đường. Trong ký ức tuổi thơ, hồi tôi còn là đứa nhóc lên ba lên năm hay chạy chơi dưới nắng, ngoài ngóng mẹ đi chợ về, tôi còn ngóng hàng xôi của cô Thìn. Nhà cô ở gần cầu Việt Trì, đoạn đường bán xôi mỗi sáng của cô lên cả mấy chục cây số, có khi cô ghé qua nhà tôi thì trời cũng đã về trưa. Với thân hình gầy guộc đạp xe, chở thúng xôi liêu xiêu dưới những vạt nắng nhạt màu ngày đông đến giờ vẫn hiện hữu trong tôi… Có dịp trò chuyện với cô, tôi được biết, học hết phổ thông, cô Thìn làm công nhân tại một xí nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu nhưng công việc bấp bênh, đồng lương không đủ để chi tiêu sinh hoạt cơ bản trong gia đình. Không bằng cấp lại chưa được học nghề, nên chỉ với sự khéo léo, chịu khó, cô Thìn đã chọn nghề bán xôi rong trên phố. Cô Thìn là người chu đáo, cẩn thận, loại gạo chọn để thổi xôi phải là gạo có vị ngọt tự nhiên, thơm mùi lúa mới, ngoài công thức làm xôi truyền thống, trong quá trình ngâm gạo cô cho thêm một chút nước lá nếp hoặc nước cốt dừa để xôi có mùi thơm thoang thoảng. Hàng xôi cô Thìn lâu nay nức tiếng gần xa với đủ các loại xôi như: Xôi đỗ đen, đỗ xanh, đỗ đỏ, xôi ngô, xôi lá nếp, xôi vò, xôi gấc,… hương vị dẻo thơm, màu bóng mắt hấp dẫn thực khách dù chỉ ăn một lần cũng sẽ nhớ mãi. Hơn 30 năm bám nghề, chuyện vui, chuyện buồn có lẽ cô không nhớ hết. Có những khu phố, hẻm nhỏ, những con người xa lạ ngày nào, giờ thành thân quen, gần gũi. Những con đường quanh co, mấp mô sỏi đá nay đều trải nhựa tăm tắp. Những đứa trẻ ngày nào còn líu tíu bên thúng xôi của cô đòi mẹ cho ăn bằng được một nắm xôi đỗ, xôi gấc, uống nước đậu để đi thi được điểm cao nay đã thành tài, có nhà cao cửa rộng, xe sang… Rồi lắm khi gặp vị khách khó tính kỳ kèo ít nhiều, lúc ngã xe, thủng xăm, mưa gió vẫn phải cố cho kịp giờ hẹn khách. Nhìn mái đầu lấm tấm sợi bạc, gương mặt đen sẫm, những vết nhăn xô vào khắc khổ mới thấu nỗi nhọc nhằn một đời mưu sinh của cô Thìn. Cô chia sẻ: “Không phải bám nghề là khổ đâu. Nhờ có nghề mà cuộc sống thêm niềm vui, gia đình biết yêu thương, đùm bọc, trân quý nhau trước bao vất vả của cuộc sống. Mấy chục năm là vậy, các con của tôi cũng lớn lên từ những thúng xôi này mà ăn học thành người”.Mấy năm gần đây, những hàng xôi bán rong trên phố cũng không còn nhiều. Thời buổi shiper chạy đầy đường, xe máy đã trở thành phương tiện phổ thông, chiếc loa chạy điện ắc quy cũng không còn là món đồ đắt đỏ, giúp ích nhiều cho những người bán hàng nhỏ lẻ. Vậy nhưng tôi vẫn thấy cô Thìn thong dong trên chiếc xe đạp cũ đi khắp mọi nẻo đường. Có lẽ do tốc độ của xe đạp vừa phải, dễ nghe tiếng gọi của khách; tiếng rao bằng miệng cũng có âm vực trong, thanh và truyền cảm hơn tiếng loa khô khan. Thời điểm này, dịch bệnh diễn biến phức tạp, hàng quán đóng cửa, mỗi khi ra đường phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, shiper quá tải nên đợi được bữa ăn thì cũng quá giờ đi làm, nhiều người lại mong chờ tiếng rao quen thuộc của cô Thìn hơn.

Anh Đỗ Anh Tuấn (40 tuổi, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì) làm thợ sửa giày tại chợ Mộ Xi (phường Tân Dân, thành phố Việt Trì).
Chữ “tâm” giữ nghề
Đã từ rất lâu, khi tôi còn sống ở khu phố cũ gần chợ Mộ Xi (phường Tân Dân, thành phố Việt Trì), mỗi lần đến chợ, theo thói quen tôi lại đưa mắt nhìn về phía chiếc tủ giày nho nhỏ được đặt ngay ngắn ở một góc của vỉa hè gần lối vào chợ. Đó là chiếc tủ đựng giày đã sửa cho khách của người thợ lành nghề Đỗ Anh Tuấn (40 tuổi, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì) từ hơn hai chục năm trước và cho đến giờ vẫn vậy. Anh Tuấn bắt đầu học nghề từ năm 16 tuổi. Khi ấy anh còn trẻ, học cái nghề cũng là để lấy kế sinh nhai, sau này nếu có cơ hội, anh sẽ tìm một công việc khác ổn định hơn. Nhưng có lẽ duyên nợ với nghề cứ nắm níu mãi, càng làm việc anh càng hứng thú, càng rèn luyện tay nghề tinh thông. Dần dần anh gắn bó với nghề từ lúc nào không hay.Không giống như nghề hàng rong, nghề sửa giày bình lặng lắm. Suốt ngày ngồi im ở một góc đường, chỉ đến khi giày mòn đế, bục dây, nổ da, bung gót khách mới nhớ đến anh. Vui nhất của nghề sửa giày là khi nhìn thấy nụ cười đầy mừng rỡ và tiếng cảm ơn rối rít từ khách hàng mỗi khi chiếc giày được khâu, đóng đế, đánh xi bóng loáng. Lắm lúc xui xẻo, nhiều người đang đi lại trên đường thì giày bục đế, họ tìm đến anh. Một số khách hàng còn có thói quen mỗi khi dọn nhà sẽ mang toàn bộ giày dép đến tiệm để sửa và đánh xi bóng một lượt,… Vậy nên làm thợ sửa giày có lúc thì mong ngóng khách, có lúc lại chạy đua với thời gian để kịp lịch hẹn trả giày cho khách.Quy trình sửa giày không khó, chỉ đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mẩn, kiên nhẫn và linh hoạt. Dụng cụ sửa giày cũng không nhiều, tùy vào từng lỗi hỏng trên giày, dép mà thời gian sửa chúng sẽ từ 2-15 phút. Cũng có những đôi giày là kỷ vật hoặc có giá trị cao mà chủ sở hữu không muốn thay đổi, khiến anh mất nhiều thời gian sửa, lựa chọn loại đế giày, xi, keo,… phù hợp, chăm sóc cẩn thận để khách hàng hài lòng, nâng cao uy tín. Luôn đặt chữ “tâm” vào nghề, công việc của anh dần ổn định, túc tắc mưu sinh mấy chục năm, đến giờ anh Tuấn đã mở thêm một cửa tiệm nhỏ bán giày da ở cùng khu chợ. Vốn là nghề dịch vụ, anh Tuấn bận rộn vào những khi tan tầm hoặc những ngày thứ bảy, chủ nhật, dịp nghỉ lễ… Mỗi khi rảnh rỗi, anh lặng thầm ngồi trong góc vỉa hè nhìn dòng người vội vã, hối hả chạy theo guồng quay của cuộc sống. Mỗi khi phố thị chuyển mình, thói quen mua sắm, sinh hoạt của người dân cũng đổi thay. Ngày nay, giày dép chẳng còn là thứ quý giá như thời bao cấp, chất lượng và kiểu dáng giày cũng phong phú, đa dạng, giá cả lại phù hợp với nhiều đối tượng, tầng lớp trong xã hội. Đâu còn ai sử dụng đôi dép đã vá lại đến dăm lần; đâu còn ai dùng mãi một đôi giày đến khi phần da bóng mục nát vẫn tiếc nuối mang tới nhờ anh sửa cố,… và cũng đã lâu rồi anh Tuấn không còn gặp được những vị khách hóm hỉnh, mỗi khi ghé quán là lại trò chuyện rôm rả, rộn ràng cả hè phố… Công việc mưu sinh của nhiều lao động tự do là vậy, có những nghề đôn đáo, rong ruổi ngược xuôi đón khách, có những nghề lại bình lặng nơi góc phố chờ đợi khách ghé qua. Phố thị bây giờ, càng nhìn, càng lắng nghe thì con người ta lại càng thấy mình nhỏ bé. Sẽ khó để thấu cảm hết những phận người lặng lẽ mưu sinh, sống một cuộc đời giản dị, chất phác, tự tìm niềm vui, động lực trong công việc của chính mình như cô Thìn, anh Tuấn. Dẫu vậy nhưng còn phố ở đó thì họ sẽ vẫn miệt mài với nhịp mưu sinh.

Bích Ngọc

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202111/lang-le-muu-sinh-181008