Làng mưu sinh nhờ phế liệu nhựa ven đô Hà Nội

Từ hàng chục năm nay, bà My (55 tuổi, thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội) đã quen với việc đi phân loại, chia chai nhựa để kiếm vài trăm nghìn đồng tiền công mỗi ngày.

Cũng giống như bà My, hàng trăm người tại thôn Xà Cầu đang mưu sinh nhờ phế liệu trong nỗi lo ô nhiễm nhãn tiền.

4 chiếc găng tay một ca làm việc trên những bãi phế liệu khổng lồ

6 giờ sáng, bà My lạch cạch mở cửa nhà. Phía bên ngoài, nắng đã gay gắt, nóng râm ran trên mặt đường. Mùi thum thủm của rác theo gió phảng phất bay vào phòng. Mặc thêm chiếc áo chống nắng đã bạc phếch màu thời gian, xỏ ủng, bà My lên xe chạy về phía nghĩa trang thôn Xà Cầu, nơi bà sẽ làm việc cùng… phế liệu.

Bà My cho hay, rác thải ở đây được mua về từ khắp nơi trong cả nước. Mỗi ngày, có tới hàng trăm tấn nhựa phế phẩm theo trục Quốc lộ 21B “chảy” vào các khu vực của Xà Cầu. Phế liệu sau đó sẽ được phân loại, sàng lọc, sơ chế nghiền nhỏ, trước khi tiếp tục hành trình khi được bán lại cho các công ty, nhà máy sản xuất đồ nhựa ở Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương với giá từ 1.000-2.000 đồng/kg tùy loại..

55 tuổi, Bà My đã có thâm niên hơn chục năm mưu sinh với rác thải nhựa. Đồ bảo hộ của bà là 4 chiếc găng tay, một đôi bên trong chống... bẩn. Đôi còn lại bên ngoài là để chống xây xước. (Ảnh: Thành Đạt)

55 tuổi, Bà My đã có thâm niên hơn chục năm mưu sinh với rác thải nhựa. Đồ bảo hộ của bà là 4 chiếc găng tay, một đôi bên trong chống... bẩn. Đôi còn lại bên ngoài là để chống xây xước. (Ảnh: Thành Đạt)

Dựng chiếc xe cũ kỹ trong sân xưởng sơ chế ngay đầu đường dẫn vào khu nghĩa trang thôn, bà My sửa soạn lại “trang bị” cho ca làm việc bình thường của mình. Chiếc khẩu trang vải dày cộm được bà đeo lên. Đặc biệt, cánh “thợ phân loại” còn trang bị tới… 4 chiếc găng tay để bảo đảm an toàn. Trong cùng, họ mang đôi găng tay làm bằng ni-lông nhằm tránh tay tiếp xúc trực tiếp với nước, hóa chất còn đọng lại trong các chai nhựa. Phía ngoài, một lớp găng vải dày sụ, đen đúa tiếp tục được phủ kín lên.

Đúng 6 giờ 30 phút sáng, ca làm việc bắt đầu. Do trẻ hơn, bà My được giao nhiệm vụ trèo lên trên đống bao tải chất cao cả vài mét bên hông xưởng. Từ trên cao, người phụ nữ 55 tuổi thoăn thoắt mở miệng túi rồi đổ cơ man phế liệu nhựa… ào ào xuống mặt xưởng. Chỉ trong chốc lát, phía sân rộng chừng 20m2 ngập trong những đồ chơi, vỏ chai nước ngọt, vỏ nước mắm… đã bắt đầu bốc mùi khó chịu.

Phế thải nhựa được phân loại theo chủng loại, màu sắc, chất liệu... Công cho 1 ngày làm việc 2 ca của các công nhân này dao động từ 200.000-400.000 đồng. (Ảnh: Thành Đạt)

Phế thải nhựa được phân loại theo chủng loại, màu sắc, chất liệu... Công cho 1 ngày làm việc 2 ca của các công nhân này dao động từ 200.000-400.000 đồng. (Ảnh: Thành Đạt)

Đồng nghiệp của bà My là bà Nguyễn Thị Duyên, năm nay đã 62 tuổi, ngồi xổm, tay bắt đầu thoăn thoắt phân loại. Chai nhựa từng màu được quẳng riêng vào một chiếc rổ lớn; đồ chơi hỏng cũng được xếp riêng. Móc quần áo gãy, ống nước đủ kích cỡ nhanh chóng được phân chia ra.

“Chúng tôi đã làm nghề này được hàng chục năm nay rồi. Trước kia, công mỗi ngày dao động từ 100.000–150.000 đồng. Bây giờ người ta trả cao hơn nên được 200.000 đồng/ngày làm việc 2 ca”, vừa cắm cúi làm, bà Duyên vừa kể.

Theo bà, trước đây, Xà Cầu vốn là nơi sản xuất tăm tre và hương đen. Thế nhưng, do không cạnh tranh được với các nơi khác, nên một số hộ dân đã chuyển sang thu gom, tái chế rác. Dần dần, “nghề mưu sinh” đặc biệt ấy lan rộng ra khắp làng và trở thành “truyền thống mới”.

Hai công nhân phân loại chai nhựa trên băng chuyền tại "thủ phủ rác thải nhựa" Xà Cầu. (Ảnh: Thành Đạt)

Hai công nhân phân loại chai nhựa trên băng chuyền tại "thủ phủ rác thải nhựa" Xà Cầu. (Ảnh: Thành Đạt)

Sống nhờ rác, những người dân như bà Duyên phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Không ít lần, trong lúc lọc vỏ nhựa, bà đã bị kim tiêm, các vật sắc nhọn đâm xuyên qua 2 lớp găng tay rướm máu. Chuyện mắm tôm, hóa chất bên trong các chai… bắn tung tóe lên mặt, quần áo thì không ai nhớ nổi. Làm việc trong môi trường độc hại, sức khỏe của những công nhân “rác” cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Phân loại rác tại Xà Cầu. (Ảnh: Thành Đạt)

Phân loại rác tại Xà Cầu. (Ảnh: Thành Đạt)

“Sau mỗi ngày làm việc, người mỏi nhừ, ho, khó thở là chuyện bình thường. Nghề này tuy thu nhập không cao, nhưng chúng tôi vẫn phải làm vì không còn nghề nào khác”, bà My nói.

Nguy cơ ô nhiễm hiển hiện

Từ khoảng gần 20 năm nay, thôn Xà Cầu của bà được biết tới như ngôi làng thu gom và xử lý phế thải lớn nhất nhì miền bắc. Nếu như Quan Độ (Yên Phong, Bắc Ninh) nổi tiếng với việc “mổ xẻ” xác máy móc, tàu hỏa, thậm chí cả máy bay… thì “Xà Cầu lại là “thủ phủ” của rác thải nhựa với cơ man những vỏ chai, băng cát-sét hỏng, ống nước… Đi dọc đường làng, những “đặc sản” này được chất đầy trong những bao tải cỡ lớn, xếp chồng chất lên nhau cao quá cả đầu người.

Rác thải nhựa xếp thành những đống lớn dọc các con đường liên thôn. (Ảnh: Thành Đạt)

Rác thải nhựa xếp thành những đống lớn dọc các con đường liên thôn. (Ảnh: Thành Đạt)

Là một người trực tiếp làm nghề, nhưng ông D. không giấu nổi nỗi lo lắng của mình. Do đặc thù, sau quá trình phân loại, các loại rác không thể tái sử dụng sẽ được người dân gom lại rồi đem ra đốt ở ven sông Bắc Quảng Hoa hoặc những cánh đồng chung quanh. Chiều chiều, khói từ các đống rác cháy khét lẹt theo gió xộc thẳng vào làng khiến rất nhiều người khó chịu.

Bên cạnh đó, những núi rác thải nhựa chất đầy ven các con đường liên xã, liên thôn… gặp mưa nắng cũng rỉ nước, rồi chảy trực tiếp xuống kênh mương, ao hồ, thậm chí ngấm ra ruộng khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những ngày trời nắng, mùi rác rất nồng nặc, khó chịu.

Ông B, một người dân sống tại thôn Xà Cầu chia sẻ: “Trước kia, con kênh chảy qua thôn rất trong và có nhiều cua cá. Thế nhưng, khoảng vài năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm đã khiến không một loài nào có thể sống nổi. Năng suất lúa cũng giảm mạnh do vấn nạn… chuột và ô nhiễm.”

Rác chất kín trên những khoảng đất tại thôn Xà Cầu. (Ảnh: Thành Đạt)

Rác chất kín trên những khoảng đất tại thôn Xà Cầu. (Ảnh: Thành Đạt)

Bà My – nhân vật ở đầu bài chúng tôi đã nhắc tới, thậm chí còn thẳng thắn thừa nhận, cấy lúa tại Xà Cầu “không ăn thua” bởi “cả một sào, chuột phá chỉ còn thu được khoảng 2-3 chục cân thóc”.

Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Nhất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Phú Cầu cho hay, theo thống kê, riêng thôn Xà Cầu hiện có khoảng 170-180 hộ gia đình trên tổng số 800 hộ làm nghề thu mua, sơ chế rác thải nhựa. Để giảm thiểu ô nhiễm, chính quyền đã có hợp đồng vận chuyển và xử lý rác với Công ty cổ phần Công nghệ cao Hòa Bình (Lạc Thủy, Hòa Bình).

Ngoài ra, các cán bộ thôn cũng được giao nhiệm vụ cắt cử người hướng dẫn bà con nhân dân tập kết rác thải không thể tái chế ở vị trí quy định. Khi đủ số lượng, xe của Công ty sẽ tiến hành chuyên chở. Mức giá xử lý hiện nay là 700 đồng/kg.

Mưu sinh trên rác, khổ cũng vì rác... (Ảnh: Thành Đạt)

Mưu sinh trên rác, khổ cũng vì rác... (Ảnh: Thành Đạt)

“Bên cạnh đó, chính quyền xã Quảng Phú Cầu đã thường xuyên tổ chức họp nhắc nhở các hộ dân, đồng thời cử lực lượng công an mật phục, kiểm tra và xử phạt rất nặng đối với các trường hợp vi phạm đổ và đốt trộm rác”, ông Nhất nhấn mạnh.

Rời Xà Cầu, chúng tôi vô tình bắt gặp gần chục cơ sở tương tự khác đang mọc lên dọc Quốc lộ 21B, cách "thủ phủ phế thải nhựa" Quảng Phú Cầu không xa. Nhìn cảnh này, bất chợt, chúng tôi tự hỏi: Liệu sẽ còn bao nhiêu "ngôi làng mưu sinh từ rác" nữa sẽ xuất hiện trong tương lai rất gần?

SƠN BÁCH - THÀNH ĐẠT

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lang-muu-sinh-nho-phe-lieu-nhua-ven-do-ha-noi-post715534.html