Hơn 10 năm nay, làng Quan Độ (Yên Phong, Bắc Ninh) trở thành nơi tập trung đồ phế thải kim loại. Ngay ở lối vào làng ngổn ngang các dãy thân xác máy bay to, chiếc đã xẻ vỏ, cái chỉ còn trơ động cơ, nguyên ghế ở buồng lái hoặc phơi cả khoang lái đổ ra đường. Ảnh: Lê Bích.
Xe máy cũ nát có cả nghìn chiếc. Mỗi chiếc Wave, Dream hoặc Cub được mua về có giá từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng. Ảnh: Lê Bích.
Mỗi ngày, Quan Độ nhập về hàng tấn phế liệu, việc phá dỡ, phân loại hàng cần rất nhiều nhân công. Trong làng không đủ người, nhiều nhà còn phải thuê thêm bên ngoài. Ảnh: Lê Bích.
Giàu lên từ đó, tuy nhiên người làng Quan Độ phải đánh đổi nhiều thứ. Hàng loạt sự cố như phát nổ khi bóc tách máy móc, hay ô nhiễm môi trường, âm thanh... xảy ra thường xuyên.
Chiều 3/1, vài giờ sau vụ nổ kinh hoàng, nhiều xưởng, cửa hàng thu mua phế liệu đóng cửa. Cũng trong chiều nay, Công an huyện Yên Phong đột xuất kiểm tra kho hàng nhà ông Đặng Đình Tiến.
Bên trong kho có nhiều thùng màu xanh chứa các thiết bị điện tử và nhiều đầu đạn. Nhà chức trách sẽ lập biên bản để nắm bắt tình hình.
Dọc các con đường dẫn vào Quan Độ, máy móc để ngổn ngang. Trong đó có những cỗ máy rất lớn.
Các xưởng cơ khí, thu mua phế liệu... bắt đầu đóng cửa im lìm sau sự cố nghiêm trọng khiến hai người chết.
Vốn hoạt động rộn rã suốt ngày đêm, nay khu vực này trở nên im ắng, hầu như người dân chỉ bàn tán về vụ nổ.
Ôtô chở phế liệu nằm im tại chỗ khắp ngõ ngách làng Quan Độ.
"Chúng tôi phải đóng cửa vì sau sự cố kinh hoàng này ai cũng sợ", một chủ xưởng cơ khí nói.
Cách hiện trường hàng trăm mét, nhiều xưởng, nhà kho cũng cửa đóng then cài.
Thi thoảng, có trẻ em vui đùa bên những máy móc cũ kỹ.
Một điểm thu mua sắt, phế liệu... lộ thiên nằm ở ngã ba thôn Quan Độ vắng bóng công nhân làm việc, thu mua.
Ở một số điểm khác, cửa vẫn đóng. Bên trong có hai ba người đang gom phế liệu.
Điểm thu mua phế liệu nằm sát vụ nổ trở thành khu vực cho người dân đứng xem hiện trường.
Lê Hiếu