Lắng nghe ý kiến giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy xung quanh vấn đề giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội.

PV: Thưa ông, từ thực tế tham gia vào quá trình giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội được thực hiện theo Luật MTTQ Việt Nam, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quyết định 217 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Trên cơ sở đó, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội đã tiến hành giám sát và phản biện xã hội theo yêu cầu. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong quá trình xây dựng chính sách, hoặc xây dựng các văn bản Luật đều lấy ý kiến của Mặt trận.

Nói chung về cơ bản các bộ, ngành đều thực hiện theo đúng theo Luật định. Có nhiều ý kiến đã được tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của Mặt trận. Nhiều hội nghị phản biện xã hội do Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, các Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức đều mời các cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành liên quan đến văn bản đó để đóng góp ý kiến. Sau đó, các ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận đều được các cơ quan tiếp thu ngay tại hội nghị.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh

Vừa qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi. Vậy ông thấy các cơ quan tiếp thu ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận như thế nào, và việc tiếp thu đó góp ích như thế nào đối với xã hội hiện nay?

Có thể nói, nhiều ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận đối với 3 Luật trên đều đã được tiếp thu. Vừa qua khi đóng góp ý kiến về 3 Luật trên thì trong hàng vạn ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp thì cũng có nhiều trùng với ý kiến góp ý của Mặt trận. Nhìn chung, các ý kiến sát đáng của Mặt trận đều đã được tiếp thu.

Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã yêu cầu toàn bộ các Luật trước khi Chính phủ trình Quốc hội thì phải lấy ý kiến của Mặt trận. Ông đánh giá sao về việc tiếp thu chỉnh sửa các dự án Luật sau khi có ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận?

Như tôi đã đề cập ở trên, Chính phủ và các bộ, ngành đều thực hiện một cách tương đối nghiêm túc ý kiến của Mặt trận. Ngoài Luật ra thì còn có các Nghị định, Thông tư trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, và trong các Luật mang tính chất chuyên ngành khác. Các cơ quan đều gửi xin ý kiến góp ý của Mặt trận. Tuy nhiên, cũng có một số cơ quan chưa thực hiện tốt vấn đề này.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các cơ quan phải gửi xin ý kiến của Mặt trận, và lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của chính sách. Các ý kiến đóng góp đó về cơ bản đều có tiếp thu và giải trình. Tôi nói ví dụ các Luật được tổ chức hội nghị để lấy ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận thì cơ quan soạn thảo tiếp thu và giải trình các ý kiến được Mặt trận chỉ ra ngay tại các hội nghị đó. Cái gì tiếp thu thì tiếp thu, còn cái gì giải trình thêm cho rõ thì giải trình. Còn có những cái như Nghị định, Thông tư thì gửi văn bản xin ý kiến góp ý của Mặt trận.

Theo ông làm sao để các cơ quan lắng nghe các ý kiến giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, cũng như nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội?

Đầu tiên Chính phủ, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm theo luật định. Đó là tất cả các cái gì theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì phải gửi xin ý kiến góp ý của Mặt trận. Cái gì tiếp thu, hay giải trình thì cần có ý kiến phản hồi lại.

Ở góc độ Mặt trận thì Mặt trận cũng cần nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội. Các ý kiến góp ý phải đảm bảo nghiên cứu kỹ các vấn đề mà mình góp ý, phát biểu. Ý kiến phải chất lượng thì họ mới tiếp thu, chứ không phải cái gì họ cũng tiếp thu. Nếu không tiếp thu thì họ phải giải trình. Bởi ở mỗi góc độ đều có quan điểm khác nhau. Vì ở góc độ soạn thảo họ cũng có quan điểm của họ. Nếu không tiếp thu thì họ giải trình lại, nếu thấy giải trình hợp lý thì mình thôi.

Góp ý của Mặt trận khác với Quốc hội. Đó là khi Quốc hội cho ý kiến, nếu đa số ĐBQH có ý kiến thì anh phải chỉnh sửa theo. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình và báo cáo lại Quốc hội để Quốc hội quyết định. Còn phản biện xã hội của Mặt trận thì có quyền tiếp thu hoặc không tiếp thu. Nhưng không tiếp thu thì phải giải trình, thông tin phản hồi trở lại. Nói cách khác là phải giải trình không tiếp thu vì lý do gì? để người góp ý thấy “thỏa đáng”. Nếu không, đóng góp ý kiến rồi mà ý kiến cứ “mất hút” thì sau này cũng không tạo ra cảm hứng đối với người được lấy ý kiến. Lúc đó giám sát và phản biện xã hội sẽ có chất lượng.

Là một đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, cá nhân ông kỳ vọng gì về Đại hội lần này?

Đại hội để đánh giá lại 5 năm kết quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, và đưa ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động cho nhiệm kỳ mới. Đại hội lần này của Mặt trận diễn ra ngay trước thời điểm Đại hội XIV của Đảng. Đại hội XIV được xác định là Đại hội bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn tới. Do đó Mặt trận có vai trò rất to lớn với vai trò tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta hay nói “phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị” thì đó chính là tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc. Cho nên vai trò của Mặt trận trong thời kỳ mới rất là quan trọng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lang-nghe-y-kien-giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-cua-mat-tran-10292403.html