'Làng ngựa' dưới chân núi Hàm Rồng

Mặc dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng hình ảnh đàn ngựa hoang được thuần hóa trở thành vật nuôi thân thiết vẫn còn in đậm trong ký ức của người dân làng Prông Thoong, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.

Từng là một chủ làng lừng lẫy, nghệ nhân Dach (SN 1916) còn được xem là người thuần hóa ngựa hoang nổi tiếng khắp vùng đất Ia Băng hơn nửa thế kỷ trước. Trước giải phóng, chức chủ làng tương đương với vị trí trưởng thôn hiện nay nhưng “quyền lực” bao quát hơn. Ngoài việc cai quản tốt ngôi làng, vị chủ làng còn phải có những phẩm chất hơn người. Nếu sức khỏe phi thường của ông Dach được dân làng dệt thành những câu chuyện đầy hư ảo thì khả năng thuần hóa ngựa hoang lại được nhắc nhớ với những câu chuyện người thật, việc thật.

Nghệ nhân Dach (bìa trái) là người thuần hóa ngựa hoang nổi tiếng khắp vùng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nghệ nhân Dach (bìa trái) là người thuần hóa ngựa hoang nổi tiếng khắp vùng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Theo nghệ nhân Dach, trước kia, phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân các làng là ngựa. Vì vậy, những người có khả năng thuần hóa ngựa hoang thường được cộng đồng coi trọng. Ngựa có tính bầy đàn rất cao, chỉ cần thuần hóa được con đầu đàn là “thu phục” được cả đàn.

“Khi đã thuần hóa được con đầu đàn, mình đưa về chăm sóc như vật nuôi trong nhà, còn đàn ngựa vẫn để trong rừng hoặc thả trên núi Chư Tẻ cách làng chừng 5-7 km. Thỉnh thoảng, mình mới cưỡi con đầu đàn vào rừng thăm đàn ngựa 1 lần. Ngựa rất thính, hễ thấy nó đứng im, mình đánh mà nó cũng không nhúc nhích là biết phía trước có hổ. Không riêng mình mà bà con đều xem ngựa như người bạn đường, đi đâu có nó cảm thấy yên tâm. Nó trở thành “đôi chân” của mình trong những chuyến đi săn hay phải đi xa đến các làng khác”-ông Dach nói.

Thuở ấy, ngựa còn nhiều, trở thành vật nuôi thân thuộc của dân làng. Làng Prông Thoong có bao nhiêu nếp nhà thì bấy nhiêu nhà nuôi ngựa. Người dân thường có câu “Muốn bắt hươu nai, cưỡi ngựa lên núi” để khẳng định vai trò của vật nuôi này trong những cuộc săn bắt tập trung của thanh niên trai tráng trong làng. Chiều chiều, người dân các làng thường thả ngựa ăn cỏ trên cánh đồng Ia Không. Hình ảnh bầy ngựa thong dong trên cánh đồng rộng lớn trở thành ký ức êm đềm khó phai của không biết bao nhiêu thế hệ người Bahnar, Jrai lớn lên ở vùng đất dưới chân núi Hàm Rồng.

Ngựa hoang được thuần hóa đa số có thân hình thanh mảnh, nhỏ nhưng rất khỏe. Nhiều lái buôn buộc hàng hóa hai bên yên ngựa rong ruổi đi khắp các làng trao đổi, mua bán. Ông Dach kể, thỉnh thoảng lái buôn vào làng, mang theo cồng chiêng cột trên mình ngựa đi từ đầu làng đến cuối làng. Họ đổi cồng chiêng lấy chum ché, trang sức bằng ngà voi, bằng đồng hoặc sừng hươu nai, có khi họ đổi lấy ngựa mang đến vùng khác tiếp tục trao đổi.

Thuộc thế hệ trẻ làng Prông Thoong, anh Siu Lol may mắn chứng kiến cuộc sống trên lưng ngựa của người dân trong vùng trước khi hình bóng của những chú ngựa thưa dần rồi vắng hẳn. Anh Siu Lol nhớ nhất là những giải đua ngựa. Ông nội anh từng là người đua ngựa rất cừ. Ông tham gia hầu hết các cuộc đua ngựa trong vùng. Không chỉ có các làng của xã Ia Băng mà còn có sự tham gia của một số làng lân cận thuộc xã Ia Kênh (TP. Pleiku) ngày nay.

“Ngày mưa, ông thường ngồi kể về những giải đua ngựa mình từng tham gia khiến chúng tôi rất thích thú. Đó là dịp trai tráng các làng thể hiện sức mạnh, thi đua săn bắt xem ngựa làng nào khỏe hơn, chạy nhanh hơn. Ông tôi mất năm 1990, đó cũng là thời điểm ngựa bắt đầu ít dần, khi người dân thay thế bằng nuôi trâu bò. Gia đình tôi nuôi đàn ngựa 4 con, chủ yếu để làm phương tiện di chuyển, thồ hàng hóa. Con ngựa đầu đàn dù được yêu quý nhất bầy nhưng cũng là con vật bị giết thịt để cúng Yàng với quan niệm phải dâng lên thần linh con vật quý nhất đàn mới mang lại điều tốt lành, sức khỏe, mùa màng tươi tốt. Tới bây giờ, tôi vẫn nhớ thịt ngựa khi nướng chín còn màu đỏ tía khiến nhiều người không dám ăn”-anh Siu Lol hồi nhớ.

Ngựa từng là vật nuôi thân thiết và là phương tiện di chuyển của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: H.N

Ngựa từng là vật nuôi thân thiết và là phương tiện di chuyển của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: H.N

Anh Siu Lol hiện là Trưởng thôn Prông Thoong. Anh lý giải một phần lý do ngựa vốn là vật nuôi thân thiết của nhiều gia đình suốt hàng thế kỷ nhưng rồi mất dần vị thế: “Nuôi trâu bò ngoài lấy sức kéo thì đây còn là vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Người ta chỉ cần bán 1 con trâu, con bò là có tiền lo cho con cái đi học. Cùng với đó, cuộc sống thay đổi, nhà nhà, người người đều đi xe máy nên cũng không còn ai có nhu cầu dùng ngựa làm phương tiện di chuyển nữa”.

…Núi Hàm Rồng trước đây phủ đầy cỏ tranh đan xen với dã quỳ. Mưa xuống, tranh lên tốt quá đầu người. Đầu mùa khô, khi lác đác những đóa dã quỳ khoe sắc, người dân quanh vùng lên núi cắt cỏ tranh thành từng bó, vắt hai bên lưng ngựa đưa về làng làm tấm lợp nhà rông, bếp nấu, kho thóc. Hình ảnh thân thuộc đó cùng với từng đàn ngựa gặm cỏ trên cánh đồng Ia Không, tiếng vó ngựa nện xuống mặt đường bazan đỏ thẫm sau những chuyến đi săn trở về của trai làng dẫu lùi xa nhưng đã cho thấy một quá vãng văn hóa sinh động, phong phú của cư dân bản địa trên cao nguyên Gia Lai hùng vĩ.

HOÀNG NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lang-ngua-duoi-chan-nui-ham-rong-post242241.html