Làng nhang Lê Minh Xuân ở TP.HCM và tiềm năng phát triển du lịch nông thôn

Giữa lòng đô thị sầm uất, làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân lặng lẽ giữ gìn nét đẹp truyền thống. Với hơn một thế kỷ gắn bó cùng hương trầm, nơi đây không chỉ là cái nôi của những bó nhang thơm mà còn là điểm đến văn hóa độc đáo, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.

TP.HCM, ngoài những tòa nhà cao tầng và nhịp sống hiện đại, còn lưu giữ các làng nghề truyền thống lâu đời, đặc biệt là làng nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

Trải qua hơn một thế kỷ, làng nghề này đã gắn bó sâu sắc với văn hóa và cuộc sống của người dân nơi đây, tạo ra những sản phẩm nhang nổi tiếng với hương thơm đặc trưng.

Làng nghề làm nhanh Lê Minh Xuân tại Bình Chánh vẫn tồn tại, lặng lẽ bên thành phố náo nhiệt

Làng nghề làm nhanh Lê Minh Xuân tại Bình Chánh vẫn tồn tại, lặng lẽ bên thành phố náo nhiệt

Ngày nay, làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân không chỉ là nguồn mưu sinh cho người dân mà còn hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc.

Làng nghề làm nhang trăm năm tuổi

Được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012, làng nhang Lê Minh Xuân đã phát triển liên tục và đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất nhang Nam Bộ. Từ những năm đầu thế kỷ 20, người dân nơi đây đã gắn bó với nghề làm nhang bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Những người thợ lâu năm như anh Huỳnh Văn Tín, một người dân đã làm nghề hơn 30 năm, vẫn nhớ rõ những ngày tháng làm nhang theo kiểu "se" và "dọng" – những cách làm thủ công đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo.

Cảnh sắc làng nhang hiện lên sinh động mỗi sáng với hàng trăm bó nhang đỏ rực được phơi đều dưới nắng vàng. Mùi hương thoang thoảng của bột nhang hòa cùng sắc đỏ vàng tạo nên một khung cảnh vừa nên thơ, vừa bình dị. Đây chính là nét đẹp đặc trưng và độc đáo của làng nghề làm nhang, khiến ai đến đây cũng không khỏi say mê và muốn ghi lại khoảnh khắc thanh bình ấy.

Mặc dù làng nghề Lê Minh Xuân đã có nhiều thăng trầm và phải đối mặt với những khó khăn trong thời kỳ đô thị hóa, nhưng những người làm nhang vẫn bền bỉ duy trì nghề. Nhờ áp dụng máy móc hiện đại, năng suất làm nhang đã cải thiện đáng kể so với phương pháp thủ công.

Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn giảm bớt gánh nặng cho người thợ. Tuy nhiên, vẫn có những trở ngại mà làng nghề đang đối mặt, như vấn đề ô nhiễm bụi trong quá trình làm nhang và thiếu hụt nhân lực trẻ do nhiều người chuyển sang làm việc tại các khu công nghiệp.

Phát triển làng nghề gắn liền với du lịch

Việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống là hướng đi đầy triển vọng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đồng thời mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân.

Áp dụng máy móc vào sản xuất nghề truyền thống nên số lượng nhang làm ra nhiều, đẹp, đạt chất lượng hơn so với thời còn làm thủ công.

Áp dụng máy móc vào sản xuất nghề truyền thống nên số lượng nhang làm ra nhiều, đẹp, đạt chất lượng hơn so với thời còn làm thủ công.

Thời gian gần đây, làng nhang Lê Minh Xuân đã được Sở Du lịch TP.HCM công nhận là một trong 10 điểm check-in thú vị của thành phố. Điều này mở ra cơ hội lớn cho làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn, nơi du khách không chỉ khám phá quy trình sản xuất nhang truyền thống mà còn trải nghiệm văn hóa và lối sống đặc trưng của người dân địa phương.

Nằm trong chiến lược phát triển sản phẩm OCOP (One Commune One Product) của TP.HCM, sản phẩm nhang của làng Lê Minh Xuân có tiềm năng lớn để xây dựng thành thương hiệu đặc trưng của địa phương.

Để đạt được điều này, chính quyền và người dân cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh trong quy trình sản xuất, và sáng tạo những mẫu mã nhang mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Một hướng đi khác là thúc đẩy sản xuất các loại nhang làm từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường như nhang trầm, nhang quế - những sản phẩm không chỉ có mùi hương dễ chịu mà còn an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Bằng cách xây dựng thương hiệu nhang Lê Minh Xuân thành sản phẩm OCOP nổi bật của TP.HCM, làng nghề này không chỉ đóng góp vào nền kinh tế mà còn góp phần vào bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Việc xây dựng mô hình du lịch làng nghề làm nhang không chỉ giúp bảo tồn nét đẹp truyền thống mà còn mang đến nguồn thu nhập bền vững cho người dân. Khách du lịch đến đây có thể tham gia vào các hoạt động trải nghiệm làm nhang, khám phá quy trình sản xuất, hoặc đơn giản là thưởng thức bầu không khí thanh bình, mộc mạc của làng nghề.

Với sự kết hợp giữa sản phẩm OCOP và du lịch làng nghề, làng nhang Lê Minh Xuân sẽ là điểm nhấn trong bản đồ du lịch TP.HCM, thu hút du khách trong và ngoài nước đến khám phá. Đây không chỉ là cơ hội để quảng bá sản phẩm mà còn là cách để người dân tiếp cận nguồn thu nhập ổn định, bảo tồn nghề truyền thống và phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai.

Hàn Mai

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/lang-nhang-le-minh-xuan-o-tphcm-va-tiem-nang-phat-trien-du-lich-nong-thon-c17a84893.html