Lãng phí - Giặc nội xâm: Đồng bộ các giải pháp chống thất thoát nguồn lực

LTS: Trong loạt bài “Lãng phí - Giặc nội xâm” đăng trên Báo SGGP từ ngày 21 đến 24-10, chúng tôi đã đề cập đến nhiều vấn đề cốt lõi được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra trong bài viết “Chống lãng phí” ngày 13-10. Những vấn đề, nội dung mà Báo SGGP phản ánh đã nhận được sự quan tâm tích cực của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý và người dân, thể hiện sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ với Đảng, Nhà nước trong công cuộc chống lãng phí. Các ý kiến cũng đóng góp, đề xuất nhiều giải pháp phòng chống lãng phí và xây dựng văn hóa tiết kiệm, qua đó gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân và phát triển đất nước.

Những vấn đề, nội dung mà Báo SGGP phản ánh đã nhận được sự quan tâm tích cực của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý và người dân, thể hiện sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ với Đảng, Nhà nước trong công cuộc chống lãng phí. Các ý kiến cũng đóng góp, đề xuất nhiều giải pháp phòng chống lãng phí và xây dựng văn hóa tiết kiệm, qua đó gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân và phát triển đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội VŨ HỒNG THANH: Kịp điều chỉnh các bất cập, giảm thất thoát nguồn lực

Trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương nên tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết. Tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn.

Đề nghị Chính phủ thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Đặc biệt, hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi số để giảm thiểu lãng phí. Song song đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội HOÀNG MINH HIẾU: Hoàn thiện và thực thi pháp luật - yếu tố quan trọng

Trong bài viết “Chống lãng phí” ngày 13-10-2024, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng chống lãng phí. Những vấn đề mà Tổng Bí thư đã nêu có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác lập pháp hiện nay.

Trước hết, đó là việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật có thể được tiến hành từng bước, cho phép rút kinh nghiệm từ việc triển khai áp dụng trong thực tiễn, tránh việc đưa ra những quy định quá cứng nhắc. Bên cạnh đó, yêu cầu về tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong hoạt động lập pháp cũng nên được thực hiện mạnh mẽ hơn. Điều này đòi hỏi tư duy lập pháp phải xuất phát từ tinh thần phục vụ của các cơ quan nhà nước; nghiên cứu kỹ, đánh giá đầy đủ tác động của chính sách để các quy định mới không gây cản trở cho sự phát triển của người dân và doanh nghiệp. Pháp luật không chỉ nhằm mục tiêu quản lý mà còn phải mở đường, tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội. Cho nên, khi ban hành luật phải hướng đến giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm chi phí thực thi, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Thứ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN DANH HUY: Đẩy mạnh giải ngân, sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả

Hiện nay, còn không ít dự án chậm tiến độ, chưa phát huy tối đa hiệu quả đầu tư như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM và một số dự án đường cao tốc. Nguyên nhân của tình trạng này đã được làm rõ. Với lĩnh vực đường sắt, là công tác chuẩn bị đầu tư dự án phải lường hết các vấn đề vướng mắc để xây dựng cơ chế phù hợp. Bài học này sẽ được áp dụng với dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để triển khai theo đúng tiến độ đề ra, hoàn thành vào năm 2035. Khi có cơ chế, quy trình đầy đủ, hàng loạt dự án đường sắt mới sẽ được triển khai theo quy hoạch như đường sắt TPHCM - Cần Thơ, Thủ Thiêm - Long Thành… thuận lợi hơn.

Trong lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT đã kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng nhiều giải pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề nóng, phức tạp liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương như giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu. Bộ GTVT cũng tích cực phối hợp các địa phương tháo gỡ khó khăn cho dự án; kiểm tra, đốc thúc tiến độ. Bộ GTVT đã ban hành chương trình hành động về việc thực hành chống lãng phí, mà giải pháp quan trọng là tăng cường quản lý vốn đầu tư công. Việc quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công gắn với sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội...

Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM TRẦN HOÀNG NGÂN: Gỡ vướng ngay những dự án đang đình trệ

Hiện còn nhiều nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, dẫn đến lãng phí lớn. Nhiều dự án đã bị chậm trễ hoặc tạm dừng (bao gồm nhiều công trình nhà ở xã hội và tái định cư) xây dựng xong nhưng không có người sử dụng, trong khi đất nước đang cần nguồn lực để đầu tư phát triển, nhất là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Chúng ta nên thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm được nêu trong bài viết “Chống lãng phí” ngày 13-10-2024. Điều quan trọng là phải xây dựng một đề án, chương trình chi tiết về chống lãng phí, thậm chí có thể mở rộng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay thành Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương cũng là một giải pháp quan trọng nhằm giải quyết nhanh các vấn đề tồn đọng. Phân cấp rõ ràng sẽ giúp giảm bớt những khâu trung gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, từ đó tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực. Khi các địa phương có quyền chủ động hơn trong việc xử lý các vấn đề của mình, thời gian giải quyết sẽ được rút ngắn, lãng phí sẽ được giảm thiểu và các nguồn lực sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.

Trước tình trạng nhiều tài sản công của Nhà nước đang bị bỏ trống, gây lãng phí nghiêm trọng, chúng ta nên xem xét, thiết lập các tiêu chí ưu tiên để giải quyết từng loại dự án cụ thể. Nếu giải quyết được những dự án bị đình trệ, nó không chỉ giúp hệ thống ngân hàng xử lý nhanh các khoản nợ xấu, mà còn giảm chi phí kinh doanh, từ đó giảm lãi suất. Giải quyết các dự án “đắp chiếu” nhiều năm đồng nghĩa với việc giải phóng nguồn lực tài chính lớn và mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, nhất là trong bối cảnh ngân sách cần được tiết kiệm và tập trung vào các mục tiêu trọng điểm.

Bà HOÀNG THỊ LỢI, ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM: Xây dựng văn hóa tiết kiệm

Tôi mong Trung ương và các tỉnh thành quyết liệt hơn, vận dụng các cơ chế chính sách hiện có, chính sách đặc thù để tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc, để khơi thông tài sản đang bị “ách tắc”, đưa vào phục vụ phát triển kinh tế. Việc chống lãng phí là trách nhiệm của các cơ quan từ cấp trên đến cơ sở, từ hoàn thiện các quy định pháp luật đến tuyên truyền sâu rộng về chống lãng phí. Tăng cường giám sát và phản biện xã hội đối với các chính sách, kế hoạch, dự án sử dụng công quỹ để không lãng phí tiền bạc, tài nguyên của nhân dân và của đất nước.

Song song đó có thưởng, phạt công minh trong việc chống lãng phí. Mong rằng cán bộ, công chức, viên chức sử dụng đúng và đủ thời gian phục vụ nhân dân tại công sở. Các buổi hội họp nhanh gọn, chặt chẽ, hiệu quả để không lãng phí thời gian của người tham dự cũng như nguồn lực tổ chức. Đặc biệt là phải xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí từ trong nhà đến công sở và ngoài đường phố, tiết kiệm từ những thứ nhỏ và nghiêm túc hơn đối với các dự án lớn.

PHAN THẢO - ANH THƯ - BÍCH QUYÊN - VĂN MINH - THU HƯỜNG ghi

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lang-phi-giac-noi-xam-dong-bo-cac-giai-phap-chong-that-thoat-nguon-luc-post765366.html