Lãng phí từ nhiều dự án nông nghiệp bỏ hoang
Tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều khu đất thuộc các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang bị bỏ hoang, trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất. Nghịch lý này đang khiến tài nguyên đất đai bị lãng phí, gây bức xúc trong dư luận và cần sớm được xử lý...
Tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều khu đất thuộc các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang bị bỏ hoang, trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất. Nghịch lý này đang khiến tài nguyên đất đai bị lãng phí, gây bức xúc trong dư luận và cần sớm được xử lý...
Cách đây chừng bốn năm, vùng đất cát ven biển xã Ðức Minh, huyện Mộ Ðức được xem "đất lành" thu hút các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao. Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn xã thu hút bốn dự án được cấp phép đầu tư với tổng diện tích hơn 68 ha, tổng vốn đăng ký gần 215 tỷ đồng.
Thời điểm ấy, các nhà đầu tư đã "vẽ" viễn cảnh tươi đẹp là xây dựng những mô hình nông nghiệp hữu cơ sản xuất theo chuỗi, tạo ra mối liên kết bền vững giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Ðồng thời tạo nhiều việc làm, người dân địa phương được tiếp cận và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Vì thế, khi nhà đầu tư khởi công và triển khai xây dựng, lãnh đạo địa phương và người dân đều kỳ vọng các dự án là cơ hội mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững trên mảnh đất ven biển đầy nắng gió, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang vì sau khi "trống giong, cờ mở", nhiều dự án triển khai dang dở rồi bỏ hoang nhiều năm. Chẳng hạn, dự án chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Ðức do Công ty cổ phần Ðầu tư nuôi trồng HSCB làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp quyết định chủ trương đầu tư ngày 26-9-2017; thực hiện tại xã Ðức Minh, quy mô chăn nuôi bò với số lượng khoảng 1.000 con/năm, nuôi trùn quế, trồng dưa lưới, nho, táo xanh và cây dược liệu, tổng vốn đầu tư 114,7 tỷ đồng, diện tích 26,46 ha. Dự án này đưa ra mục tiêu chính là hình thành mô hình chuỗi nông nghiệp công nghệ cao nuôi trồng khép kín, đưa ra thị trường thực phẩm sạch; giúp chuyển đổi đất rừng sản xuất kém hiệu quả sang các hình thức sử dụng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao; tạo việc làm cho ít nhất 30% số lao động nhàn rỗi tại địa phương. Theo cam kết, đến quý I-2019, dự án hoàn thành đưa vào hoạt động. Thế nhưng đến thời điểm này, nhà đầu tư mới chỉ xây tường rào, cổng ngõ, nhà điều hành và chuồng trại chăn nuôi (móng và trụ) đạt khoảng 40%; trồng một số loại cây trên đất (nha đam, táo) nhưng không đạt hiệu quả, đang sử dụng bốn lao động. Ðiều đáng nói, mặc dù cơ quan chức năng đã ba lần cảnh báo và có hướng dẫn cụ thể nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện hồ sơ, thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định. Thậm chí, nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng (khoảng 14,6 ha) sang mục đích khác để thực hiện dự án.
Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn diện tích đất được UBND tỉnh cho thuê (20,9 ha) của dự án chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Ðức hiện bị bỏ hoang, mọc đầy cỏ dại. Bà Nguyễn Thị Liên, một hộ dân sống gần dự án bức xúc: "Giao đất cho doanh nghiệp nhưng họ làm theo kiểu… rùa bò, làm lấy lệ để giữ đất. Nhiều năm liền, hàng chục héc-ta đất bị bỏ hoang quá lãng phí, trong khi người dân lại thiếu đất để sản xuất".
Cũng tại xã Ðức Minh, cách khu đất dự án chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Ðức không xa, dự án trồng rau củ quả ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Sản xuất nông nghiệp sạch Việt Vân thực trạng còn bi đát hơn. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3-2018 với diện tích đất sử dụng hơn 39 ha, vốn đầu tư gần 88 tỷ đồng. Tháng 9-2019, sau khi cải tạo một phần diện tích đất để trồng tỏi voi Nhật Bản nhưng không hiệu quả, toàn bộ diện tích đất của dự án bị bỏ hoang đến nay. Chỉ một ít diện tích đất của dự án này được chính quyền địa phương cho người dân mượn để trồng dưa hấu, bí.
Phó Chủ tịch UBND xã Ðức Minh Nguyễn Minh Hòa khẳng định, trong bốn dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, đến nay có ba dự án triển khai không hiệu quả. Ðiều này, không những gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất đai mà còn làm mất lòng tin của người dân. "Qua nhiều đợt tiếp xúc, cử tri và người dân bức xúc đề nghị sớm có biện pháp xử lý. UBND xã Ðức Minh đã có văn bản kiến nghị cấp trên rà soát, thu hồi những dự án chậm tiến độ nhiều năm, trả lại quỹ đất cho địa phương phục vụ sản xuất", đồng chí Nguyễn Minh Hòa cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Trọng, đến nay, toàn tỉnh có 38 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 2.013 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 947 ha. Tỷ suất đầu tư bình quân khoảng 2,12 tỷ đồng/ha/dự án. Các dự án triển khai tại tám địa phương, trong đó nhiều nhất là huyện Mộ Ðức với 16 dự án, diện tích đất sử dụng 481,5 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.479 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện mới chỉ có bốn dự án hoàn thành đi vào hoạt động; sáu dự án chậm tiến độ từ hai tháng đến 29 tháng. Qua rà soát cho thấy, nguyên nhân các dự án triển khai chậm tiến độ là do gặp vướng mắc trong thủ tục về đất đai, nhà đầu tư thiếu năng lực, chây ỳ không quyết tâm đầu tư…
Mới đây, sau khi kiểm tra thực tế một số dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng rà soát, phân loại, đánh giá về tính khả thi của từng dự án và đề xuất cụ thể phương án xử lý từng dự án. Theo đồng chí Trần Phước Hiền, quan điểm của tỉnh là kiên quyết xử lý thu hồi dự án của những nhà đầu tư không bảo đảm năng lực triển khai như đã cam kết ban đầu. Ðối với những dự án đã và sắp đi vào hoạt động, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ để dự án hoạt động mang lại hiệu quả, góp phần cơ cấu lại nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất sạch, sản xuất theo chuỗi. Ðồng thời, khai thác được lợi thế của đất, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho nông dân.
Bài và ảnh: HIỂN CỪ