Lặng thầm in dấu hai vai

Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với ngành giáo dục, những cái nhấp chuột đã trở thành phương tiện để mỗi giáo viên trao đổi trực tiếp với học trò. Để thích ứng với môi trường học trực tuyến, mỗi giáo viên cũng trăn trở, nghiên cứu để có thể trau dồi thêm nhiều kỹ năng, truyền tải kịp thời chương trình học đến học sinh. Nhưng khi rời công việc chuyên môn, họ cũng tất bật tham gia vào cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Đón ngày lễ 20-11, các thầy, cô chẳng ước mong gì ngoài đại dịch sớm qua mau, để họ được trở về mái trường mến yêu, với phấn trắng, bảng đen bên cạnh những lớp học trò của mình.

Chung tay phòng, chống đại dịch, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tỉnh đã tình nguyện tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu. Trong ảnh: Giáo viên Trường THCS Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài tiếp nhận thông tin người đến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 -Ảnh:Nhã Trâm

Những bài giảng trong đại dịch

3 tháng trôi qua kể từ ngày khai trường, cô giáo Bùi Thụy Ngân Hà, giáo viên Trường tiểu học Chơn Thành A (huyện Chơn Thành) vẫn chưa được gặp trực tiếp học sinh của mình. Với một giáo viên có 25 năm đứng lớp, đây là quãng thời gian không hề dễ chịu. Được xác định là một giải pháp tạm thời với tình hình phức tạp của dịch Covid-19, học trực tuyến mang nhiều điều thú vị nhưng cũng là thách thức đối với những giáo viên lâu năm. Làm sao để học sinh tiếp cận được những bài giảng tốt hơn, mỗi giáo viên phải dành nhiều thời gian và tâm sức học hỏi. “Qua học thêm từ các đồng nghiệp cũng như các ứng dụng dạy học trực tuyến, trong mỗi bài giảng tôi đã lồng thêm các clip, hình ảnh sinh động. Đồng thời kết hợp vừa học vừa chơi… nên các bài giảng của tôi đã thu hút học sinh chăm chú nghe giảng. Dù dạy online nhưng khi thấy học sinh tương tác, giơ tay phát biểu ý kiến, tôi cảm thấy vui và đỡ áp lực lắm” - cô Hà chia sẻ.

Để những bài học trong đợt dịch hấp dẫn, cô giáo Nguyễn Thị Khương không ngừng học hỏi, trau dồi thêm nhiều kỹ năng để thu hút học sinh hơn

Để những bài học trong đợt dịch hấp dẫn, cô giáo Nguyễn Thị Khương không ngừng học hỏi, trau dồi thêm nhiều kỹ năng để thu hút học sinh hơn

Còn với cô giáo Nguyễn Thị Khương, Trường tiểu học Minh Thắng (huyện Chơn Thành), trong 24 năm theo nghề, đây là năm học mà cô không được trực tiếp nắm tay đón học sinh lớp 1 vào trường. Dạy học sinh lớp 1 bao giờ cũng khó và càng khó hơn trong điều kiện học trực tuyến nhưng có sự hỗ trợ của phụ huynh đã giúp cô có thêm động lực tìm tòi, xây dựng nhiều bài học hữu ích, thiết kế môn học theo kiểu vừa học vừa chơi để học sinh lớp 1 dễ dàng tiếp thu hơn.

Tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học online, tôi tham khảo tài liệu và các kho học liệu, qua đó thiết kế một bài giảng kết hợp giữa học và chơi để tạo sự tập trung cho các em khi học trực tuyến. Được sự đồng hành của phụ huynh, nhìn các em hiểu vấn đề mình giảng, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, dù giảng và dạy trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt.

Cô Nguyễn Thị Khương,
giáo viên Trường tiểu học Minh Thắng, huyện Chơn Thành

“Phấn trắng” tham gia chống dịch

Huyện Chơn Thành trong những ngày này tiếp tục là điểm nóng, bởi sự tăng nhanh các ca nhiễm Covid-19 trong các khu công nghiệp và sàng lọc ngoài cộng đồng. Lấy mẫu xét nghiệm, truy vết lúc này không còn là nhiệm vụ riêng của các nhân viên y tế, những người cầm phấn như cô Khương, cô Hà và rất nhiều giáo viên khác của huyện luôn sẵn sàng “chia lửa” với đội ngũ nhân viên y tế.

Trong đợt hè, có khoảng 500 giáo viên của huyện Chơn Thành tham gia vào cuộc chiến chống dịch trên nhiều mặt trận. Đặc biệt, từ tháng 9, khi bắt đầu nhiệm vụ của năm học mới, toàn huyện còn 250 giáo viên tiếp tục tham gia hỗ trợ ngành y tế chống dịch nhưng vẫn sắp xếp được việc dạy học. “Ban đầu tham gia chỉ nghĩ đi để viết danh sách hỗ trợ các y, bác sĩ nhưng đi rồi mới thấy lực lượng y tế mỏng, lại quá sức. Từ đề xuất của bản thân, được ngành y tế cho đi tập huấn, tôi và một số giáo viên tham gia đi lấy mẫu và hỗ trợ từ hè đến giờ” - cô Hà chia sẻ thêm.

Dịp 20-11 năm nay, phần lớn các thầy cô sẽ không có lễ kỷ niệm, không được gặp đồng nghiệp với cái bắt tay động viên, hay cái ôm thật chặt của học trò thân yêu. Tuy nhiên, 20-11 sẽ là ngày kỷ niệm khó quên, nhất là các thầy cô đang tham gia chống dịch. Trong khoảng thời gian như vậy, mong mỏi duy nhất của các thầy, cô chính là dịch sẽ sớm qua mau, để được trở về với phấn trắng, bảng đen, vui với những tiếng đánh vần ê, a của trò nhỏ; nâng đỡ niềm tin, bồi đắp kiến thức cho những học sinh cuối cấp, để hoàn thành nhiệm vụ “đưa đò” trong một năm học đặc biệt.

Ông Nguyễn Văn Diễn,
Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Chơn Thành

“Chúng tôi tự sắp xếp thời gian phù hợp, dạy học buổi sáng thì đi lấy mẫu buổi chiều hoặc ngược lại. Quan trọng nhất lúc này là cùng nhau tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn trong đại dịch. Dịch qua mau thì chúng tôi nhanh được đến trường; học sinh đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10 sẽ hân hoan, biết được ngôi trường mới của mình thế nào…” - cô Khương hy vọng.

Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang đặt ra nhiều thách thức. Bên cạnh cố gắng, trách nhiệm của cả cộng đồng, sự đóng góp một phần của nhân viên ngành giáo dục xứng đáng được ghi nhận. Trọn việc nước, tròn việc dạy là điều mà những “kỹ sư tâm hồn” đang hướng đến với tất cả tâm, sức của mình...

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/128429/mot-nam-hoc-khac-biet