Lặng thầm sau những dòng tin: Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
Điện báo viên luôn là 'cánh tay nối dài' đưa truyền tin tức nhanh nhất về căn cứ, Tổng xã ở Hà Nội, góp phần nhanh chóng đưa thông tin đến bạn đọc trong nước và quốc tế.
Trong bộ ba thực hiện nhiệm vụ thông tin giữa chiến trường hay trong căn cứ (gồm phóng viên tin, phóng viên ảnh và kỹ thuật viên, điện báo viên), lực lượng kỹ thuật viên, điện báo viên luôn là lực lượng âm thầm, không kém phần vất vả với vô số trang thiết bị cồng kềnh phải mang theo.
Thế nhưng, họ luôn là “cánh tay nối dài” đưa truyền tin tức nhanh nhất về căn cứ, Tổng xã ở Hà Nội, góp phần nhanh chóng đưa thông tin đến bạn đọc trong nước và quốc tế.
Những dòng tin… tịch, tịch, tà, tà
Sau gần 50 năm được tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng, có mặt ở căn cứ R, nhà báo Hà Huy Hiệp (nguyên Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh), lúc đó là điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng vẫn nhớ như in, thuộc lòng từng ký tự, cách bỏ dấu và cách đánh morse, sau này là teletype (máy phát vô tuyến điện) - trang thiết bị mới tăng cường cho miền Nam vào năm 1973.
Công việc điện báo viên truyền tín hiệu morse lúc bấy giờ thuần thục đến mức tốc độ đánh morse bằng tốc độ người viết tin.
“Chữ V là tịch, tịch, tịch, tà (…_); chữ I là tịch, tịch (..); chữ E là tịch (.); chữ T là tà (-); hay tà, tịch, tịch (_..) là chữ N; tà, tịch (_.) là chữ A; tà, tà, tà (_ _ _) là chữ M...” - nhà báo Hà Huy Hiệp nhịp tay trên chiếc bàn trà hướng dẫn cho chúng tôi xem kiểu đánh morse ngày ấy.
Theo nhà báo Hà Huy Hiệp, máy teletype ra đời thập niên 1960, ưu điểm của thiết bị mới này là tín hiệu đi rất xa. Chỉ cần máy teletype 15 W, tín hiệu được truyền đi nhanh chóng, không bị ảnh hưởng bởi địa hình đồi núi, hay thành thị.
Mỗi kíp trực teletype tại chiến khu R có 2 ca thực hiện nhiệm vụ phát và nhận tin từ Tổng xã ở Hà Nội… Lúc bấy giờ, các điện báo viên đều sử dụng máy teletype 15 W. Một bản tin trung bình khoảng 300 - 400 chữ mất khoảng 20 phút.
Trước khi có máy teletype hay máy telephoto tăng cường vào miền Nam, lực lượng điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng giai đoạn từ năm 1960-1972 đã phải dùng cần maníp của máy vô tuyến điện để phát tín hiệu morse.
Chia sẻ cụ thể về máy phát điện được sử dụng, nguyên điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng Đoàn Văn Thiều cho biết, cán bộ kỹ thuật, điện báo viên phải quay máy bằng tay rất vất vả để có được dòng điện thu-phát thông tin.
Một bản tin dài khoảng 400 chữ cũng khiến người quay ragono mỏi nhừ đôi tay vì phải quay liên tục. Vừa làm vừa “mò mẫm” tìm hiểu các thiết bị, máy móc và đã có lần ông Thiều bị điện giật ngã bật ngửa khi thử điện bằng tay ở chiếc máy phát điện 15W do không có dụng cụ để kiểm tra.
Sự việc khiến mọi người một phen hốt hoảng. “Lúc đó cái máy phát điện Trung Quốc nặng lắm. Chúng tôi đều là thanh niên trai tráng mà mỗi người chỉ quay được chừng 20 phút là mồ hôi đổ ra như tắm. Phải thay nhau mà quay mới đảm bảo dòng điện ổn định,” ông Đoàn Văn Thiều nhớ lại.
Nhẳm khắc phục những thiếu hụt trang thiết bị cũng như những hạn chế của trang thiết bị máy móc, đội ngũ kỹ thuật viên, điện báo viên đã mày mò, sáng tạo, cải tiến để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để đỡ phải quay tay, nhà báo Đoàn Văn Thiều và đồng nghiệp khi đó đã có sáng kiến chế thêm giá đỡ, chỗ ngồi và tay nắm phía trên để chuyển máy sang đạp bằng chân, vừa đỡ tốn sức, đỡ mỏi, vừa có dòng điện ổn định hơn.
Những tháng ngày mới vào chiến khu, học phát tín hiệu morse, chỉ có một máy phát tín hiệu morse (máy maníp), do vậy để có thể có đủ máy cho các học viên tập ngồi, tập phát tín hiệu, các điện báo viên đã lấy cây rừng đẽo gọt mô hình maníp; không có lò xo thép thì dùng dây thun cao su thay thế chức năng đàn hồi máy mô phỏng để luyện tập.
Việc học tập chủ yếu chỉ là học theo kiểu “truyền tay.” Người nào đạp ragono thì đạp, anh em còn lại tập trung nghe tiếng dội của maníp để học từng chữ một.
“Thời điểm đó khó khăn đủ thứ. Giấy bút không có. Nhờ anh em tiếp liệu mua cho được 1-2 cuốn vở 100 trang để học. Anh em viết bằng bút chì, rồi tẩy đi viết lại. Khi giấy dính chì khó đọc quá thì chuyển sáng viết bằng bút mực pha loãng, sau đó ngâm nước cho phai mực để rồi dùng lại. Mỗi cuốn vở như thế cũng dùng được mấy lần.”
Với sự quyết tâm, nỗ lực của những người chiến sỹ, từ chiếc “maníp gỗ” và những cuốn vở tái sử dụng nhiều lần, các điện báo viên tập sự đã nhanh chóng trở thành những điện báo viên thành thạo công việc.
Ông Đoàn Văn Thiều chia sẻ: “Chỉ sau 6 tháng, chúng tôi đã thành thạo việc nhận phát tin, còn thu-nhận tin thì chậm hơn một chút. Cơ bản là đến 8-9 tháng sau thì anh em ai cũng thành thạo. Sau này anh em lứa điện báo viên đầu tiên đó đều trưởng thành, trở thành những trưởng đài các địa phương.”
Giữ vững lời hứa “người còn, máy móc còn”
Trong quá trình di chuyển căn cứ, vận chuyển máy móc thiết bị cho chiến trường miền Nam, rồi tham gia “tác chiến” cùng các đồng nghiệp trong các trận đánh, điều kiện khắc nghiệt giữa “rừng sâu, nước độc,” việc bảo quản trang thiết bị cũng được anh em kỹ thuật, điện báo viên quan tâm, gìn giữ cẩn thận.
Nhớ lại chuyến đi vào chiến trường miền Nam cùng với việc “hộ tống” các trang thiết bị vào cho Thông tấn xã Giải phóng năm 1971, ông Đỗ Thanh Chất, kỹ thuật viên telephoto (vô tuyến truyền ảnh), được tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng kể hơn một tháng trải qua bom đạn cực kỳ ác liệt trên dãy Trường Sơn, đoàn đến được điểm tập kết đầu tiên ở tỉnh Kratie - Campuchia.
Từ đây quân đội và dân sự chia tay. Sau ba đêm ngồi xuồng máy ngược sông, tổ công tác vào tới R - căn cứ Trung ương cục miền Nam. “Đoàn vừa tới nơi là chúng tôi tiến hành kiểm tra thiết bị máy móc ngay, thấy hư hao phân nửa. Chiếc máy thu chuyên dụng R-250 và máy thu ảnh Neva tình trạng tạm ổn, máy phát ảnh ướt sũng vì bị bom văng xuống suối, còn bộ máy phát sóng 150W thì vĩnh viễn nằm lại Trường Sơn vì bom đạn.
Với kinh nghiệm của mình, ông Đỗ Thanh Chất nỗ lực sửa chữa, máy phát ảnh telephoto “hồi sinh,” nhưng thiếu máy phát sóng nên không phát được ảnh về Tổng xã.
Trước tình hình đó, Thông tấn xã Giải phóng báo ra Tổng xã xin bổ sung máy phát. Trong thời gian chờ đợi, một lần sang B5 (mật danh của Đài phát thanh Giải phóng) thăm bạn, ông Đỗ Thanh Chất rất bất ngờ và mừng rỡ khi thấy bên này tự lắp ráp được 1 máy phát 1kW.
Nhanh chóng báo cáo lãnh đạo Thông tấn xã Giải phóng để hai bên trao đổi và được sự đồng ý, ông Đỗ Thanh Chất chở máy telephoto sang đặt tại B5 để thử nghiệm. Thử nghiệm thành công, Thông tấn xã Giải phóng báo cho Tổng xã ngày giờ, tần số phát ảnh.
Vào khoảng trung tuần tháng 6/1972, tấm ảnh đầu tiền về thành quả của cách mạng miền Nam được phát ra Tổng xã và phát ra thế giới. Sau 48 năm, kỹ thuật viên telephoto duy nhất tại căn cứ R, ông Đỗ Thanh Chất vẫn nhớ như in ngày chính thức phát tấm ảnh đầu tiên.
Ông nhớ lại: “Chẳng hiểu có đánh hơi được gì không qua những lần phát thử nghiệm của chúng tôi mấy ngày trước mà hôm ấy "thằng" OV10 ( máy bay trinh sát điện tử của Mỹ) lởn vởn nhiều hơn trên bầu trời khu vực. Gần đến giờ phát rồi mà vẫn chưa vắng bóng máy bay, lòng tôi như lửa đốt vì tôi biết ở đầu máy bên kia các bạn tôi đang nôn nao chờ đợi.
Kẻng báo yên, tôi bấm máy. Tia quang điện bắt đầu quét những vòng xoắn ốc lên tấm ảnh... một vòng... năm vòng...1/3 ảnh... báo động... tắt sóng... chờ đợi... phát lại từ đầu... lại tắt sóng... phát lại... Cứ như thế chúng tôi chơi trò ú tim với máy bay Mỹ cả tiếng đồng hồ, trong khi bình thường phát một tấm ảnh chỉ tầm 15 phút.
Sau khi phát xong, mọi người hồi hộp chờ đợi hồi âm. Tất cả vỡ òa khi anh Sáu Nghĩa (Lê Quang Nghĩa - nguyên Giám đốc Cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh) phóng xe sang cùng bức điện nóng hổi vừa nhận từ Tổng xã.”
Tấm ảnh ấy có tên là “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam dùng tên lửa bắn máy bay Mỹ” của phóng viên ảnh Nguyễn Chánh. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Đỗ Thanh Chất đã giúp tổ thu phát ảnh Telephoto của Thông tấn xã Giải phóng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Với lời hứa “người còn, máy móc còn,” đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên đều xác định việc bảo quản, sử dụng máy móc hết sức cẩn thận, tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.
Nhà báo Nguyễn Thanh Bền, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, nhớ lại về Tổ công tác Thông tấn xã Giải phóng bị lạc trên đường hướng về giải phóng Sài Gòn. Theo nhà báo Nguyễn Thanh Bền: Ngày 6/4/1975, nhóm 5 anh em gồm Nguyễn Thanh Bền - phóng viên tin (B7/3), Trần Thiêm - phóng viên ảnh (B22), Đỗ Sĩ Mến, Phạm Trọng Tiệp - hai báo vụ viên và Nguyễn Văn Chức - kỹ thuật viên (B8) được Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân triệu tập, thành lập Tổ Thông tấn xã Giải phóng đầu tiên xuống đường tiến về Sài Gòn có nhiệm vụ, đưa tin, ảnh kịp thời về tổng xã, cổ vũ mạnh mẽ quân dân miền Nam tiến tới giải phóng Sài Gòn.
Trong quá trình di chuyển, Tổ Thông tấn chia làm hai, ưu tiên hai đồng chí báo vụ Tiệp và Mến mang máy nặng đi trước, còn lại ba người là Thiêm, Chức và Bền đi đợt sau để nếu có “bề gì” cũng còn người liên lạc về Tổng xã. Tiệp và Mến cùng đoàn đi trước vừa qua khỏi lộ thì bỗng nhiên đám xe tăng địch rục rịch rú máy chỉnh đốn lại đội hình, bật đèn pha sáng rực một góc trời.
Lại có lệnh: “Tất cả dừng lại theo giao liên hướng dẫn trở lại điểm xuất phát.” Vậy là Tổ Thông tấn chỉ còn lại ba người, Tiệp và Mến bị lạc rồi, làm sao ngày 12/4/1975 có thể phát sóng báo cáo về Tổng xã như đã quy định? Vừa thương, vừa lo, Thiêm, Chức và tôi như ngồi trên đống lửa, mong hai cậu từng giờ, từng ngày vì trong tình thế ấy không thể đi kiếm tìm hoặc liên lạc được với ai.
Thời gian ấy, nghe tin Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Trần Văn Hương lên thay, lòng chúng tôi càng nôn nao vô hạn. Hơn tuần sau, Tiệp và Mến nhờ trinh sát bộ đội chỉ đường đã tìm gặp lại được chúng tôi. Anh em mừng vui vô kể, ai cũng cười trong nước mắt nghẹn ngào.
Nhà báo Thanh Bền cho biết: Chúng tôi hứa “người còn, máy móc còn.” Mến mang ragono của Trung Quốc nặng 15kg, Tiệp mang máy phát của Trung Quốc cũng nặng trên chục ký, cả hai đều cẩn thận bọc kín bằng năm bảy lớp ny lông, nên dù lội sông suối, té ngã bao lần vẫn bảo quản máy móc tốt đến cùng, khi cần mở máy là làm được ngay./.