Làng 'tỏa hương' trăm tuổi ở Bình Chánh
Vùng đất ven đô, nơi có bề dày lịch sử, văn hóa và có những làng nghề truyền thống lâu đời gắn với sự phát triển của Sài Gòn xưa - Làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) có tuổi đời đã ngoài trăm năm.
Đường Mai Bá Hương mát rượi bên hàng cây lòa xòa in bóng trên dòng kênh thẳng tắp. Hai bên đường vào những ngày nắng, mùi hương thoang thoảng hòa cùng sắc màu đỏ vàng của những cụm nhang xòe mình trong nắng ban mai, làm người qua lại không khỏi trầm trồ thích thú.
Ấn tượng bởi khung cảnh quá đỗi nên thơ được vẽ lên từ những “cụm hoa nhang” chen lẫn giữa các sạp phơi vàng rực thấp thoáng sau hàng chuối trước sân nhà, chúng tôi tấp vội vào ngay. Nhà anh Huỳnh Văn Tín, một trong những hộ làm nhang tại gia trên đường Mai Bá Hương từ sáng sớm đã chộn rộn tiếng máy phóng nhang xoành xoạch.
So ra thì hộ làm nhang nhà anh Tín có thâm niên nơi này cũng khá lâu đời. A Tín trầm ngâm: "Tui nay cũng ngoài 50, tính sơ, mình làm nghề cũng 3 - 4 chục năm. Mặc dù hồi nhỏ còn ở Phú Lâm, Q.6 thì chưa làm. Năm 1976 theo cha mẹ đi kinh tế mới ra đây lập nghiệp, nhà tui bắt đầu làm nhang từ đó".
Quanh đây, hộ làm nhang thời đó không nhiều. Thường thì làm khoán cho cơ sở, mỗi ngày chủ giao bao nhiêu kí bột nhang, keo, màu... thì ra thành phẩm, thợ phải giao lại bao nhiêu thiên (1 thiên = 1000 cây nhang). Thiếu keo hay là bột là phải tự mua bù vào; nên học nghệ, đóng phí cũng cả chỉ vàng để họ chỉ mình và mua thêm nguyên liệu bù vào.
Khi đó thợ làm nhang cực lắm. Nhất là làm thủ công theo phương pháp truyền thống thì nhọc nhằn sao kể xiết; xung quanh, người ngợm như tẩm bột vàng khè, kể cả đám cỏ cây, nhà cửa, vườn tược, sân trong, sân ngoài phủ vàng lớp bột nhang chứ không được tươm tất như giờ thấy đâu, anh Tín cười xòa kể.
Anh nói, làm nhang theo kiểu truyền thống có 2 cách: “se” và “dọng”. Với kiểu se nhang truyền thống thì đã có từ lâu đời rồi. Nhang được se trên bàn, người thợ dích cục bột, áo sơ lên tăm nhang, sau đó dùng bàn chà, lăn qua vài lượt để dàn bột nhang đều lên tăm.
Se nhang đòi hỏi kinh nghiệm và khéo tay của người thợ nhưng năng suất thấp. Lại tùy vào kỹ thuật của thợ mà cây nhang đẹp xấu, đều hay thưa, dày hay mỏng. Tuy làm riết quen tay, nhưng thợ thâm niên nhất, làm chỉ vài ba thiên/ngày là cùng.
Kế đến là làm nhang dọng, năng suất cao hơn. Ngó xem hộ nào làm nhang kiểu này là biết liền, vì trong nhà lúc nào cũng bụi mù, nhất là khu vực người thợ lúc nào cũng mù mịt mùng.
Anh Tín vừa miêu tả vừa giải thích, thợ tay cầm bó chân nhang nhúng vào keo xong xòe ra, tay kia bốc bột tấp vào, rồi dọng xuống cho bám đều. Làm tới lui vài bận là được bó nhang hoàn chỉnh. Làm theo cách này thì nhanh và nhiều hơn nhưng cũng độc hại hơn vì thợ hít bụi nên cũng không trụ được lâu.
Thông thường nhang có 5 - 7 loại, làm nhiều nhất là nhang thường. Nhang thơm tùy theo mùi, có mùi trầm, quế, thông... Tùy theo nhu cầu khách đặt hàng thì mình đặt mua bột gỗ phù hợp. Ngoài ra mình còn nhuộm chân nhang theo màu để quy định loại nhang cho dễ phân biệt và đẹp.
Trước kia anh có làm theo đơn hàng của nước ngoài làm nhang màu, đủ loại xanh đỏ tím vàng vui mắt. Đặc biệt là các đơn hàng từ Đài Loan (Trung Quốc), họ thường chuộng nhang màu, hoặc trắng. Nhưng anh thấy rất độc hại vì trong màu có hóa chất, đốt lên chất hóa học cháy ko tốt, nhất là nhang trắng, phải ngâm chất tẩy cho bột và tăm tre trắng tươi, thắp lên nghe thơm nhưng để ý kỹ, thấy mùi hăng hắc, còn cay mắt, cay mũi nữa không tốt.
"Thời nay làm nhang bằng máy thì nhanh và đỡ cơ cực hơn nhiều, thành phẩm đẹp, mẫu mã màu sắc đa dạng hấp dẫn khách mua mà người thợ đỡ cực hơn xưa, nhưng tụi nhỏ giờ ít chịu làm, thích vô KCN hơn, xung quanh đây chỉ có lứa vợ chồng già như tụi này còn bám nghề", nói xong anh Tín phá ra cười.
Làm cho xưởng, mình chỉ ngồi phóng nhang thì tính 4.000 đ/thiên. Làm gia công tại nhà thì 22.000 đ/thiên. Gồm công, bột nhang, keo, màu các loại. Thành phẩm cứ đếm đủ 1 ngàn cây là 1 thiên đem lên cân được nhiêu kí, sau cứ lấy mốc vậy mà cân theo rồi bó lại, 2 – 3 ngày có xe tới lấy.
Ngày nắng ráo, 2 vợ chồng anh làm khoảng 70 thiên. Trừ vật tư, điện nước khoảng hơn nửa, còn lại khoảng 150 – 200 ngàn đ/người; tính ra đỡ cực hơn làm hồ. Mà mình thích thì làm, nắng cũng làm, mưa nghỉ khỏe, anh Tín hài hước nói vui.
Kể ra bây giờ dàn máy cũng không quá đắt, ngày lại càng rẻ và dễ mua. Như bộ này, hồi đó phải vài chục triệu, nay trên dưới chục triệu là có rồi. Mà cũng đừng ham đồ rẻ quá lại hớ. Mua xài vài tháng, kẹt máy riết nản cũng bỏ xó, phí tiền. Máy tốt, mình làm cũng đỡ cực hơn.
Chị Oanh ngồi suốt nhang, thỉnh thoảng múc nhang bột đã trộn keo vào phểu, máy tự động đẩy chân nhang vào lỗ, xong phun (đùn) ra cây nhang hoàn chỉnh. “Mình chỉ việc gom lại rồi đem ra dàn phơi khô, tới chiều là đem vô được rồi", chị Oanh xởi lởi cho hay; chị nói: “Làm tuy cực nhưng có con gấu với con đen quanh quẩn dưới chân cũng vui, lâu lâu cũng ngó xuống nói chuyện vu vơ với tụi nó cũng thấy đỡ mỏi lưng, mỏi tay nữa”.
Tạm chia tay anh Tín, gấu và đen đại diện anh chị chủ dễ thương, vui tính tiễn chúng tôi ra tới đường cái, trực chỉ cơ sở chuyên làm nhang lâu đời và lớn nhất tại khu làng nghề truyền thống này. Cơ sở chị Nguyễn Thúy, đây là nơi sản xuất qui mô lớn với gần 100 nhân công. Tại phân xưởng, tiếng máy lạch xạch, rì rầm không ngớt.
Chị Thúy chia sẻ, nghề làm nhang truyền từ mẹ chị đến nay đã hơn 20 năm. Ngoài thuê nhân công, tui còn cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở nhỏ lẻ. Thợ làm ở đây thì ăn lương theo sản phẩm, còn muốn đem về nhà làm cho thoải mái thì tùy.
Những hộ khó khăn sẽ được hỗ trợ họ mua máy trả góp; đối với nhiều hộ thì đây là công việc chính, nhưng cũng không ít hộ đây chỉ là làm thêm, tranh thủ lúc rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập. Công việc này tuy thu nhập không nhiều nhưng cứ làm hoài, lúc nào cũng có hàng.
Ở làng nghề Lê Minh Xuân, tùy theo loại nhang, bột nhang chủ yếu từ mùn cưa của thân cây Dó Bầu hoặc cây Lồng Mức, hoặc mùn tạp thu gom từ các xưởng gỗ, vỏ trấu... Chú ba ngơi tay, quệt mồ hôi trán nhấp ngụm nước nói, nghề này lúc trộn bột là khó nhất; phải trộn sao cho mịn và đều keo, độ ẩm đạt yêu cầu để khi máy phóng nhang dễ kết dính và bám vào chân nhang. Ngoài ra, pha trộn không đúng cách, máy phóng nhang hay bị kẹt, nhang đốt lên sẽ cháy không đều và dễ tắt nửa chừng.
Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, bột và tăm nhang sẽ được cho vào từng bộ phận của máy. Máy hoàn toàn tự động, thợ chỉ việc cho bột vào phễu, sắp chân nhang vào khuôn, còn lại máy làm tất. Thợ quen tay có thể điều khiển 2- 3 máy 1 lúc được, chú ba cho hay.
Nhang “phóng” bột xong sắp thành hàng trên khung, thợ chỉ việc sắp gọn xe đẩy đem ra dàn phơi nếu trời nắng ráo, mưa hay âm u thì chất vào máy sấy khô. Các cơ sở sản xuất lớn thường dùng máy sấy nên không phải phụ thuộc vào thời tiết, sản xuất kiểu công nghiệp nên sản phẩm xuất xưởng đều đều, công nhân thu nhập cũng đỡ, chị Thúy mạnh dạn khoe.
Rời làng nhang khi nắng đã lên vài con sào, hai bên đường Mai Bá Hương, những bó chân nhang xòe bung khoe sắc vàng rực rỡ. Nắng trong veo, con đường đượm mùi hương nhang thoảng đưa trong gió giữa lúc giao thời, Hè đã cựa mình sang Thu và người làm nhang thu nhập cũng ổn và đỡ vất vả hơn xưa nhiều.
Làng nghề se nhang truyền thống tại huyện Bình Chánh thuộc tuyến điểm tham quan du lịch Sài Gòn - Bình Chánh với chủ đề “Huyền bí của vùng thiên nhiên tươi đẹp”. Chương trình nhằm tìm kiếm những điểm du lịch đặc trưng tại các quận, huyện; qua đó hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ du lịch để quảng bá, xúc tiến và khai thác các tuyến tour du lịch đặc trưng của Thành phố.
Nhạn Dung - Ảnh: Hữu Long