Lãnh đạo Công ty Capel ôm tiền tỷ của nhà đầu tư rồi… 'mất tích'!?
Với cam kết về lợi nhuận hấp dẫn cùng lãi suất 'trên trời' của Công ty cổ phần Tập đoàn Capel (Công ty Capel), hàng nghìn nhà đầu tư đã không ngần ngại 'rút hầu bao' để đầu tư, thậm chí mang cả sổ đỏ đi thế chấp để lấy tiền 'góp vốn'. Thế nhưng, sau những nghi ngờ về hoạt động của Công ty Capel, nhiều nhà đầu tư đã vội tìm mọi cách để đòi lại tiền.
Tuy nhiên, khi họ tìm đến lãnh đạo Công ty Capel thì người đứng đầu đã “biến” mất. Các trụ sở và văn phòng đại diện của Công ty Capel cũng đã đóng cửa không còn hoạt động. Thậm chí, Công ty Capel còn được “thay tên đổi họ” một mặt để né khách hàng, mặt khác vẫn hoạt động huy động vốn dưới vỏ bọc khác với hình thức tương tự một cách rầm rộ…
Nhà đầu tư điêu đứng!
Trước những hoài nghi bị Công ty Capel lừa tiền, nhiều nhà đầu tư đã không còn giữ được bình tĩnh và yêu cầu Công ty Capel thanh khoản số tiền các nhà đầu tư rót vào những dự án “ma” mà Công ty Capel “quảng cáo” để huy động vốn. Đại diện Công ty Capel đã không đứng ra giải quyết những yêu cầu chính đáng cho khách hàng mà còn tháo chạy bằng cách “thay tên đổi họ” công ty khiến cho nhiều nhà đầu tư điêu đứng.
Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Văn D. (ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) hay ông Đặng Đình H. (trú tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) và bà Phạm Thị T.N. (ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Năm 2022, những nhà đầu tư này thấy chương trình huy động vốn hưởng lãi suất cao với những cam kết hấp dẫn của Công ty Capel, ông D., ông H. và bà N. đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình, thậm chí mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng để lấy tiền góp vốn vào Công ty Capel. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng được trả tiền lãi và gốc thì Công ty Capel bỗng có thông báo tạm dừng chi trả 2 tháng với lý do “đưa dự án lớn về công ty”. Đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, dù các nhà đầu tư này liên tục yêu cầu Công ty Capel hoàn trả lại khoản tiền đã đầu tư nhưng đại diện Công ty Capel luôn né tránh, không có động thái phản hồi.
Theo những nhà đầu tư này, từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2022, các nhà đầu tư chuyển tiền vào Công ty Capel để tham gia chương trình huy động vốn mà công ty này chào mời với lãi suất 12,5%/tháng, theo hình thức chuyển trực tiếp vào tài khoản mỗi tháng 20 lệnh tương đương 20 ngày làm việc; thời hạn hợp đồng là 24 tháng, tương đương 480 lệnh. Ngoài việc hứa hẹn sẽ phân chia lợi nhuận đúng như cam kết, Công ty Capel còn cam kết trả đất có giá trị từ 600 triệu đồng đến 800 triệu đồng ở các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, TP Hà Nội… Thậm chí, có lập thành biên bản về việc nhận bất động sản nếu khách hàng đầu tư từ 1,2 tỷ đồng trở lên.
“Do tin tưởng vào những thông tin từ Công ty Capel đưa ra, chúng tôi đã dùng hết tiền tiết kiệm, vay người thân và thậm chí mang cả sổ đỏ của gia đình đi thế chấp vay ngân hàng để có được hơn 9,3 tỷ đồng đầu tư. Thế nhưng, Công ty Capel chỉ thanh toán số tiền gốc và lãi trong hơn 1 tháng rồi dừng hẳn. Chúng tôi cũng không hề nhận được mảnh đất nào như cam kết. Chúng tôi liên tục liên hệ với ông Lã Quốc Trưởng và người giới thiệu nhưng không thể liên lạc được. Khi tìm đến trụ sở chi nhánh công ty tại phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) thì các nhân viên luôn trốn tránh. Vỡ mộng làm giàu, các nhà đầu tư chúng tôi dù nhiều lần đội nắng, đội mưa đến Công ty Capel yêu cầu hoàn trả số tiền gốc và lãi theo hợp đồng nhưng đến nay vẫn không được giải quyết”, ông H. bức xúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ ngày 20/4/2022, Công ty Capel liên tục gửi thư ngỏ, thông báo tới nhà đầu tư thay đổi cách phân chia lợi nhuận, cam kết trả tiền chậm thanh toán cũng như kêu gọi các nhà đầu tư thông cảm và tiếp tục đồng hành. Cụ thể, theo thông báo, Công ty Capel tạm ngừng chuyển tiền phân chia lợi nhuận theo ngày trong thời gian 2 tháng và thay bằng việc chuyển sang chế độ phân chia lợi nhuận theo tháng. Tuy nhiên, những thông báo này gặp phải sự phản đối dữ dội của các nhà đầu tư. Đáng chú ý, theo nội dung bạn đọc cung cấp, sau nhiều lần trì hoãn, đến ngày 25/8/2022, trước sự bức xúc của rất nhiều nhà đầu tư, Công ty Capel đã cử đại diện là bà Hà Thị Nga – được cho là Tổng Giám đốc Công ty Capel gặp gỡ để trả lời những thắc mắc. Tuy nhiên, bà Nga không gặp trực tiếp các nhà đầu tư mà chuyển sang hình thức gặp qua zoom (trực tuyến).
“Ve sầu thoát xác”
Tại buổi gặp gỡ này, bà Nga thanh minh: “Sau 20/4, tài chính công ty không về kịp nên bắt buộc phải đưa ra thông báo khẩn cấp. Thời điểm đó đáng lẽ làm tốt công tác trả đều như 2021, nhưng vì truyền thông vào cuộc, chúng tôi bị ngân hàng gác lại. Chúng tôi bị dịch chuyển tài sản ra, chúng tôi đã có thể thực hiện được khoảng 500 - 1.000 tỷ đồng nhưng vì truyền thông vào cuộc nên không thể làm được”.
Để tìm hiểu mô hình hoạt động của Công ty Capel, cũng như xác minh các nội dung theo đơn thư của bạn đọc, phóng viên đã liên hệ với ông Lã Quốc Trưởng và bà Hà Thị Nga đặt lịch làm việc nhưng không nhận được phản hồi. Gần đây nhất, ngày 9/1/2024, khi phóng viên Báo CAND đến trụ sở chi nhánh Công ty Capel tại Hà Nội (Lô A2/D21, KĐT mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì văn phòng này đã ngừng hoạt động từ lâu. Vậy ông Lã Quốc Trưởng và bà Hà Thị Nga đang ở đâu?
Khi phóng viên lần theo các thông tin thì được biết, trong khi cả nghìn nhà đầu tư rơi vào cảnh khốn đốn vì ông Lã Quốc Trưởng đã “biến mất” khỏi Công ty Capel nhưng ngay sau đó, ông Trưởng đã đi thành lập thêm một doanh nghiệp mới với tên gọi Công ty cổ phần Đầu tư TM&DV Phúc Khang (viết tắt là Công ty Phúc Khang), có trụ sở chính tại số 39 đường Nguyễn Quốc Trị (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) do ông Lã Quốc Trưởng làm Tổng giám đốc và cũng là người đại diện pháp luật.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Phúc Khang được thành lập ngày 27/2/2023. Tuy nhiên, ngày 6/1/2024, phóng viên Báo CAND có mặt tại địa chỉ này thì được quản lý tòa nhà trên khẳng định: “Tôi làm ở đây đã được 4 – 5 năm, không có công ty nào mang tên Phúc Khang”. Còn trước đó, cơ quan Thuế quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cũng ra thông báo, Công ty Phúc Khang đã bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Tiếp tục lần theo các thông tin, phóng viên đã phát hiện dù đăng ký thành lập công ty tại địa chỉ số 39 đường Nguyễn Quốc Trị, phường Trung Hòa nhưng sau đó Công ty Phúc Khang đã bỏ địa chỉ kinh doanh, chuyển về địa chỉ: K3 TT1 SH16 KĐT Ngoại giao Đoàn, phường Xuân Tảo, quận Tây Hồ hoạt động mà không hề thông báo cho cơ quan chức năng. Thế nhưng, cũng giống như Công ty Capel, hoạt động của Công ty Phúc Khang là đi kêu gọi người dân bỏ tiền đầu tư vào Công ty Phúc Khang với hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các nhà đầu tư sẽ được Công ty Phúc Khang trả lãi suất khủng (102%/năm). Chiêu trò này chính là bản sao của Công ty Capel.
Đáng nói, tại thời điểm Công ty Phúc Khang chuyển về địa chỉ nêu trên hoạt động, các môi giới và lãnh đạo Công ty Phúc Khang vẫn mời chào các nhà đầu tư đến để ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đặc biệt, các bản hợp đồng được lãnh đạo Công ty Phúc Khang mang ra cho nhà đầu tư ký kết thể hiện, người đại diện trong hợp đồng của Công ty Phúc Khang cũng do ông Lã Quốc Trưởng đứng ra và trong nội dung hợp đồng của Công ty Phúc Khang và Công ty Capel giống nhau đến từng chữ. Đối với phần hợp tác và phân chia lợi nhuận, Công ty Phúc Khang cũng phân chia giống như Công ty Capel. Mức lợi nhuận cũng được phân chia theo ngày và có khác với Công ty Capel một chút về lãi suất. Cụ thể, đối với Capel trả lãi suất cho nhà đầu tư là 150%/năm thì Công ty Phúc Khang chỉ trả 102%/năm nhưng lại tặng miễn phí cổ phiếu.
Có thể thấy, với phương thức “thay tên đổi họ” công ty rồi vẫn diễn bài cũ là huy động vốn của nhà đầu tư vào các dự án “ma” mà Công ty Capel hay Công ty Phúc Khang vẽ ra, nhiều người không biết vẫn bị sức hấp dẫn của lãi suất “khủng” mà Công ty Capel, Công ty Phúc Khang đưa ra đã dính phải vố lừa cay đắng. Trước sự viêc này, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để quyền lợi của các nhà đầu tư được bảo vệ kịp thời, tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.