Lãnh đạo doanh nghiệp cần ứng biến linh hoạt, nhưng phải kiên định mục tiêu

Kiên định mục tiêu khi đưa ra các giải pháp ứng biến, tạm quên đi thành công trong quá khứ sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp không bị cản trở trong quá trình liên tục học hỏi và thử nghiệm.

Để đạt được mục tiêu, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng khâu quản trị doanh nghiệp. Ảnh: ĐT

Mục tiêu là bất biến

Hủy niêm yết tự nguyện, chuyển từ công ty đại chúng thành doanh nghiệp gia đình là một quyết định tạo bước ngoặt lớn trong cuộc đời doanh nhân của ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam.

Hàng loạt tranh cãi trong cộng đồng kinh doanh, thậm chí cả trong nội bộ Alphanam, nổ ra xung quanh quyết định này, bởi việc niêm yết cổ phiếu ALP từng là mơ ước của nhà sáng lập Tập đoàn.

Ánh hào quang hôm qua có thể che lối nhu cầu thay đổi, học hỏi của mỗi con người. Sự thành công của bạn sẽ được quyết định bởi khả năng bạn chuẩn bị cho hành trình trong tương lai, chứ không phải những gì trong quá khứ

.

Doanh nhân Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam

Ngẫm lại mọi việc, ông Hải đúc kết, dù có thể có nhiều cách làm khác nhau, nhưng ông và thế hệ nối nghiệp đều chỉ hướng đến một mục tiêu duy nhất là phải đóng góp tích cực cho xã hội, góp phần nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Thế nên, dù ở vị thế công ty đại chúng hay doanh nghiệp gia đình, thì toàn thể đội ngũ Alphanam đều phải bám sát mục tiêu trên. Điều này cũng trở thành động lực để giải quyết hàng loạt sự thay đổi sau đó.

“Giai đoạn ứng biến lớn nhất trong cuộc đời tôi kéo dài khoảng 10 năm, liên quan đến quá trình chuyển từ mô hình công ty đại chúng sang công ty gia đình. Tôi nhận ra, để giải quyết được sự thay đổi trong cuộc sống, thì phải có mục tiêu. Mọi hành động đều phải được thực hiện dựa trên sự kiên định về mục tiêu”, nhà sáng lập Alphanam nhấn mạnh.

Mục tiêu được đặt ở vị trí trọng tâm mà mọi giải pháp khi ứng biến đều phải xoay quanh. Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Hoành Tiến, CEO Seedcom cùng hơn 60 lãnh đạo của các công ty trực thuộc trong quá trình điều hành.

Sau 7 năm thành lập, với mục tiêu hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp, dẫn đầu xu hướng bán lẻ mới và đưa hàng Việt Nam xuất khẩu, Seedcom không đầu tư tài chính như các quỹ, mà tham gia vận hành, phát triển sản phẩm dịch vụ trong hệ sinh thái với các công ty trực thuộc.

Tạm chia các công ty trực thuộc này theo 2 nhóm, gồm nhóm phục vụ người dùng cuối (The Coffee House, Juno, Hnoss…) và nhóm doanh nghiệp công nghệ tạo giải pháp phục vụ khối bán lẻ (Haravan, Ipos, Kaipass...), có thể thấy, sự khác biệt về nhu cầu của khách hàng giữa 2 nhóm rất lớn.

Trong khi đó, với ông Nguyễn Hoành Tiến, một trong những nội dung quan trọng trong văn hóa của Seedcom là liên tục học hỏi nhằm thấu hiểu khách hàng đang cần gì, khi nào, ở đâu cũng như thấu hiểu nhân viên đang mong muốn điều gì.

“Dù luôn phải ứng biến cho sự thay đổi, nhưng mục tiêu là điều bất biến. Bất cứ khi nào đưa ra giải pháp mới hay làm việc với đối tác, chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi, việc đó có đạt mục tiêu góp phần giúp Việt Nam tốt đẹp hơn hay không”, ông Tiến nói. CEO Seedcom nhấn mạnh, cùng với việc kiên định mục tiêu, thì sự hỗ trợ nhân viên của các lãnh đạo sẽ giúp hình thành văn hóa linh hoạt ứng biến trong tổ chức.

Đừng tự “dán nhãn” người thành công

Trong hành trình duy trì truyền thống “dựng nghiệp từ đất, thủy chung từ đất và nhận vinh quang từ đất”, những nhà lãnh đạo Công ty Gốm sứ Minh Long luôn phải duy trì sự ứng biến. Bởi, chất lượng của nguyên liệu thô phụ thuộc vào sự thay đổi liên tục của môi trường tự nhiên.

Theo ông Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Minh Long, trong quy trình sản xuất, thiết kế sản phẩm, họ cũng phải thường xuyên thay đổi để phù hợp với yêu cầu, thị hiếu của khách hàng. Ví dụ, trước đây, Minh Long phải mất 4 - 5 năm để ra mắt một sản phẩm hoàn chỉnh, thì nay chỉ cần 5 - 6 tháng với sự hỗ trợ từ công nghệ kỹ thuật số như in 3D.

Với ông Lý Huy Sáng, ứng biến là dấu hiệu của sự sống. Cuộc sống luôn không ngừng thay đổi, vì vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần sẵn sàng tiếp thu những kiến thức mới, song đồng thời vẫn phải duy trì được tư duy logic.

“Tôi luôn khuyến khích con mình học lập trình, dù có thể đó không phải là sở thích, để có thể rèn luyện suy nghĩ logic. Khi tiếp nhận kiến thức mới, nếu không có tư duy logic, chính kiến, thì rất dễ rơi vào tình huống trong câu chuyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường”, ông Sáng chia sẻ.

Ngoài tư duy logic, theo ông Nguyễn Hoành Tiến, trong quá trình học hỏi, cần thực hiện nhanh các giải pháp, nhưng khúc mắc lớn nhất trong quá trình thực thi lại nằm ở vấn đề con người.

“Ở Seedcoom đang nảy sinh vấn đề là, một số anh em bắt đầu có thành công và họ nghĩ mình là người thành công. Nhưng, đó là hai điều hoàn toàn khác nhau”, ông Tiến nói.

Ông cho rằng, thành công có thể là rào cản lớn nhất của việc học và thay đổi. Bởi khi có thành công, không ít người sẽ “không làm việc này, không làm việc kia” vì lo thất bại.

Khả năng thất bại hoàn toàn có thể xảy ra khi thực hiện giải pháp mới. Nhưng nếu cứ sợ đối mặt với thất bại, thì không thể tìm ra giải pháp tối ưu nhất để đạt được mục tiêu mà tổ chức đã đặt ra và theo đuổi.

“Đừng bao giờ tự dán cho mình cái nhãn người thành công. Điều đó rất nguy hiểm”, CEO Seedcom chia sẻ.

Quên đi ánh hào quang hôm qua cũng là quan điểm được duy trì trong suốt hành trình sự nghiệp của bà Nguyễn Thị Bích Vân, nữ chủ tịch người Việt đầu tiên của Unilever Việt Nam.

Bà Vân gọi đó là sự quả cảm của lãnh đạo, khi bỏ qua cái tôi và vai vế để ngồi xuống, cùng đội ngũ học hỏi, đưa khả năng ứng biến vào tổ chức.

Hồng Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lanh-dao-doanh-nghiep-can-ung-bien-linh-hoat-nhung-phai-kien-dinh-muc-tieu-d141436.html