Lãnh đạo nhiều trường THPT khuyên học sinh sớm đổi tổ hợp nếu có nhu cầu
Nhà trường khuyên học sinh lựa chọn tổ hợp có những môn đã đạt điểm số tốt ở cấp trung học cơ sở để giúp quá trình học tập của các em ít bị xáo trộn.
Theo kế hoạch giảng dạy của chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ lớp 10 đến lớp 12 là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo đó, hệ thống môn học bắt buộc có sự thay đổi so với chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Học sinh sẽ học 6 môn bắt buộc là Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục thể chất.
Ngoài ra, 2 hoạt động giáo dục bắt buộc được bổ sung là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương.
Phụ thuộc vào định hướng nghề nghiệp, học sinh sẽ lựa chọn 4 trong 9 môn học là: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.
Trước khi bước vào năm học mới, học sinh lớp 10 sẽ được lựa chọn tổ hợp môn học.
Mặc dù, việc tiến hành chọn tổ hợp môn học đã thực hiện được 2 năm nhưng vấn đề này vẫn chưa thôi khiến các bậc phụ huynh, các em học sinh phải băn khoăn và tiếp tục cần sự tư vấn từ phía nhà trường.
Phụ huynh lo con chưa thực sự tìm được định hướng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, chị Vũ Thị Thu, phụ huynh có con năm nay học lớp 10 tại Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ:
"Bản thân tôi không tránh khỏi những hoang mang trước việc chọn tổ hợp môn học cho con. Chắc hẳn nhiều phụ huynh khác cũng giống như tôi, đã tham khảo nhiều thông tin trên mạng, nghe tư vấn từ các chương trình trên truyền hình, chương trình trực tuyến về việc chọn lựa tổ hợp sao cho phù hợp với mong muốn hướng nghiệp của con sau này.
Như trường hợp của con gái tôi, cháu học đều các môn nên tôi muốn cháu học tổ hợp Xã hội và theo 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Ban đầu, cháu chọn lựa tổ hợp Xã hội vì nghe theo lời khuyên của mẹ nhưng sau đó cô giáo của trường trung học phổ thông đã gọi điện tư vấn chi tiết dựa trên học bạ của cháu.
Vì cháu vốn thích tổ hợp Tự nhiên, lại từng đạt giải học sinh giỏi môn Toán nên sau khi nhận điện thoại của cô, cháu đã quyết định thay đổi so với dự định ban đầu".
Một số ý kiến cho rằng, với học sinh lớp 10, ở độ tuổi 15 chưa thể thực sự hiểu rõ việc mình thích gì, muốn gì, định hướng công việc tương lai ra sao.
Mặc dù, các em vẫn sẽ được chuyển đổi tổ hợp môn học nếu thấy không phù hợp, tuy nhiên, phía phụ huynh cũng lo lắng việc phải học các môn mới từ đầu sẽ gây khó khăn cho các con.
Bởi vậy, việc lựa chọn tổ hợp môn học ngay từ lớp 10 rất cần cân nhắc dựa trên năng lực, xu hướng sở thích của các em học sinh cũng như sự tư vấn từ phía cha mẹ, giáo viên, nhà trường.
Chị Thu nói thêm: "Hiện tại, con gái tôi vẫn được chuyển đổi tổ hợp môn học nhưng nếu tới cuối năm học, bước sang lớp 11 mới đổi sẽ rất nan giải. Vì 2 tổ hợp khác nhau, có những môn thuộc tổ hợp Xã hội không được học ở tổ hợp Tự nhiên. Đổi tổ hợp đồng nghĩa với việc phải học môn mới từ đầu sẽ không dễ để cháu theo kịp các bạn.
Ngoài ra, con gái tôi cũng như nhiều bạn đồng trang lứa chưa thể thực sự xác định được định hướng nghề nghiệp tương lai vì vậy rất cần sự tư vấn từ phía thầy cô, nhà trường.
Nếu các thầy, cô giáo nào cũng kỹ lưỡng, cẩn thận và nhiệt tình xem xét học bạ của từng em học sinh để đưa ra lời khuyên phù hợp, theo tôi sẽ hạn chế được những lựa chọn chưa phù hợp".
Em Đặng Nhi Quỳnh, con gái chị Vũ Thị Thu bày tỏ: "Khi bước vào lớp 10 em có nhiều bỡ ngỡ cũng như băn khoăn trong việc chọn tổ hợp môn học.
Em phân vân giữa tổ hợp Tự nhiên và tổ hợp Xã hội. Theo lời khuyên từ mọi người trong gia đình, ban đầu em định chọn học tổ hợp Xã hội. Còn với nguyện vọng cá nhân, em muốn học tổ hợp Tự nhiên vì vốn đã sẵn có năng khiếu, thành tích tốt trong môn Toán.
Quan trọng nhất, việc chọn tổ hợp môn còn phụ thuộc vào định hướng nghề nghiệp tương lai. Mục tiêu em đặt ra cho bản thân là được làm công việc liên quan đến khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin hoặc tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh. Vì vậy, tổ hợp A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) rất phù hợp.
Nếu cảm thấy mình không phù hợp với tổ hợp môn học hiện tại, học sinh vẫn có cơ hội thay đổi nhưng sẽ thiệt thòi khi phải tự học lại các môn trong tổ hợp mới. Vì vậy em xác định bản thân phải tăng cường niềm yêu thích, cố gắng theo đuổi lâu dài với tổ hợp đã chọn”.
Nhà trường khuyên học sinh chọn tổ hợp môn học theo năng lực
Chia sẻ với phóng viên, thầy Lưu Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang cho hay, việc thực hiện chọn tổ hợp cho học sinh lớp 10 tại trường được thực hiện dựa trên tình hình đội ngũ giáo viên, nhà trường sẽ đưa ra các tổ hợp/nhóm môn học, chuyên đề tự chọn; sau đó tập trung học sinh để tư vấn.
Với các thầy cô, việc xem xét học bạ của học sinh các năm học ở cấp trung học cơ sở để đưa ra lời khuyên rất cần thiết. Nhà trường cũng dựa vào đó để tổ chức tư vấn cho học sinh, định hướng các em lựa chọn các nhóm môn từng đạt điểm số tốt ở lớp 8, lớp 9.
Phụ huynh, học sinh băn khoăn lựa chọn tổ hợp môn học còn phía nhà trường gặp khó khăn khi xây dựng tổ hợp vì mỗi trường có đội ngũ nhân sự khác nhau.
Thầy Lưu Văn Xuân nói: "Do đội ngũ giáo viên của mỗi trường mỗi khác nên không thể áp đặt đồng bộ tổ hợp môn của trường này cho trường khác mà phải căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi đơn vị và giáo viên từng bộ môn.
Điều này cũng kéo theo trở ngại khi các em muốn chuyển trường. Học sinh và phụ huynh phải tìm hiểu những trường trên cùng địa bàn huyện/thành phố có tổ hợp môn tự chọn phù hợp để đăng ký xin chuyển trường; đồng thời phải thực hiện theo hướng dẫn của của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, với các môn như Mỹ thuật, Âm nhạc nhà trường có đề nghị với Sở Giáo dục và Đào tạo để điều động giáo viên, nhưng do chưa có giáo viên hai môn trên nên đơn vị không thể xây dựng tổ hợp có hai môn học này. Những học sinh có sở thích liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật không có cơ hội được học.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cố gắng cân bằng sĩ số các lớp theo tổ hợp. Nếu học sinh đăng ký tổ hợp chưa phù hợp với đội ngũ của nhà trường, khi đó đơn vị sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo để định hướng các em chọn lớp phù hợp tương ứng với sĩ số theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo.
Không thể một lớp 46 học sinh một lớp chỉ có 20 sẽ không đủ phòng đủ lớp và đội ngũ giáo viên".
Thầy Nguyễn Bá Hảo, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thái Phiên, Đà Nẵng thông tin, trong hai năm học vừa qua nhà trường không có học sinh nào chuyển tổ hợp môn học.
Trước khi bắt đầu năm học mới, nhà trường sẽ lên kế hoạch xây dựng tổ hợp, lấy chỉ tiêu số lớp sau đó tổ chức gặp mặt học sinh, phụ huynh để tư vấn.
Được biết, học sinh của Trường Trung học phổ thông Thái Phiên được lựa chọn 3 nhóm tổ hợp môn gồm: nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 trong 6 nhóm tổ hợp (Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội).
Nếu số lượng học sinh đăng ký vào các nhóm tổ hợp lựa chọn vượt quá số lớp dự kiến thì tiêu chí ưu tiên để xếp lớp là tổng điểm thi tuyển sinh lớp 10 hoặc số lượng ít, không đủ sĩ số học sinh trên một lớp theo quy định, tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn nhà trường sẽ bố trí vào 1 trong 3 nhóm tổ hợp môn mà học sinh đã lựa chọn.
Thầy Nguyễn Bá Hảo cho biết, học sinh của nhà trường chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên là 70%, Khoa học xã hội là 30%. Hiện tại, đơn vị chưa có kế hoạch xây dựng tổ hợp môn học có hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật do thiếu giáo viên.
Đưa ra tư vấn lựa chọn tổ hợp cho học sinh, thầy Lưu Văn Xuân chia sẻ: "Để có sự lựa chọn chuẩn xác thực ra khá khó nói vì khi các em học ở cấp trung học cơ sở có thể giỏi các môn này nhưng khi lên cấp trung học phổ thông phương pháp, kiến thức, thời lượng tiết học khác biệt cũng có thể ra gây trở ngại cho các em.
Mặc dù vậy, phần lớn là học sinh có kết quả học tập ở những môn trung học cơ sở thực sự tốt vẫn nên tiếp tục theo đuổi. Từ đó tìm cho mình phương pháp học tập hiệu quả để ít bị xáo trộn trong quá trình các em chọn lựa.
Nhà trường tuyên truyền, khuyên học sinh nên chọn tổ hợp môn học theo năng lực để có thể phát huy sở trường của mình một cách tốt nhất. Các em nên tham khảo, nghiên cứu, cân nhắc kỹ trước khi đăng ký học nhóm môn tổ hợp".
Theo thầy Nguyễn Bá Hảo: "Để lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp, thứ nhất các em học sinh phải quan tâm đến năng lực, sở trường, sở thích của bản thân cũng như định hướng nghề nghiệp tương lai. Thứ hai là căn cứ vào kế hoạch của nhà trường để được theo học tổ hợp môn học đúng với nguyện vọng.
Nếu phụ huynh có nhu cầu nhà trường xem xét học bạ của con em để đưa ra tư vấn phù hợp, nhà trường sẵn lòng hỗ trợ. Tuy nhiên, để kiểm tra chi tiết học bạ của từng em là rất khó vì năm nay Trường Trung học phổ thông Thái Phiên có 2400 học sinh lớp 10 nhập học, đơn vị không có nhân lực để thực hiện công việc trên".
Nhà trường khuyên học sinh sớm đổi tổ hợp nếu có nhu cầu
Thực tế, học sinh vẫn được phép chuyển đổi tổ hợp môn học. Phía nhà trường cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, nếu các em thay đổi tổ hợp quá muộn có thể gây ra nhiều khó khăn cho cả phía cơ sở giáo dục và học sinh.
Thầy Nguyễn Bá Hảo chia sẻ: "Trong trường hợp học sinh muốn chuyển đổi tổ hợp môn học, trước hết nhà trường sẽ tư vấn cho các em, trừ trường hợp bất khả kháng, còn lại việc thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập của chính học sinh.
Nếu các em vẫn muốn thay đổi, nhà trường tiếp tục hỗ trợ các em chọn tổ hợp như thế nào để ít xáo trộn môn học nhất để vừa đảm bảo được khả năng theo kịp chương trình vừa giúp các em thực hiện được mục tiêu nghề nghiệp sau này.
Ví dụ, học sinh nên chuyển giữa các nhóm môn học trong cùng tổ hợp Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Còn khi các em xác định đổi hẳn từ Khoa học Tự nhiên sang Khoa học Xã hội và ngược lại thì rất cần cân nhắc kỹ càng.
Còn về phía nhà trường sẽ tạo điều kiện tối đa, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm hỗ trợ học sinh".
Thầy Nguyễn Bá Hảo nói thêm: "Đầu năm học lớp 10 là thời điểm thích hợp nếu các em có ý định chuyển đổi tổ hợp, nếu muộn quá sẽ gây khó khăn cho cả nhà trường và học sinh.
Nhà trường cần sắp xếp lại lớp cho phù hợp còn học sinh khi đã học được lưng chừng mà thay đổi sẽ không thuận lợi, phải bổ sung thêm kiến thức của môn học mới. Bởi vậy, các em nên xác định từ đầu năm học để có sự chủ động".
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thái Phiên cũng đồng ý rằng việc mỗi trường xây dựng những tổ hợp môn học khác nhau sẽ là rào cản cho các học sinh chuyển trường. Các em phải lựa chọn trường có tổ hợp môn học phù hợp.
Nếu không khớp hoàn toàn sẽ cần tính toán để không xáo trộn quá nhiều tổ hợp môn học nhằm nhanh chóng bắt nhịp học tập với các bạn.
Thầy Lưu Văn Xuân cho hay, ở Trường Trung học phổ thông Ngô Sĩ Liên, số lượng học sinh chuyển đổi tổ hợp không đáng kể vì nhà trường đã làm tốt khâu định hướng từ đầu năm học bằng việc tư vấn cho học sinh kỹ càng trước khi lựa chọn, cho các em và gia đình thời gian tham khảo, suy nghĩ, nghiên cứu sau đó mới đăng ký.
Sau 1, 2 tuần học đầu lớp 10, nếu các em cảm thấy tổ hợp mình chọn không phù hợp với khả năng và nếu có nguyện vọng thay đổi nhà trường đều hết sức hỗ trợ.
Kết thúc năm học, các em muốn chuyển đổi nhóm môn tự chọn, chuyên đề học tập, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch, phân công thầy cô dạy bồi dưỡng trong thời gian hè sau đó tổ chức kiểm tra.
Nếu kết quả thi đảm bảo yêu cầu sẽ tạo điều kiện để các em chuyển sang lớp khác có nhóm môn lựa chọn phù hợp.