Lãnh đạo Vinatex: Xuất khẩu dệt may có thể giảm 15,3% so với năm 2019
Do đại dịch COVD-19, nhiều doanh nghiệp dệt may trong tập đoàn Dệt may Việt Nam đã chứng kiến ngay mức doanh thu giảm 20% trong quý 1/2020 và tiếp tục trượt giảm ở quý 2/2020.
Từ đầu năm đến nay, phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may đều chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19. Không chỉ chuỗi cung nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn mà nhiều đơn hàng xuất khẩu bị tạm dừng, hoãn do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.
Điều này cũng ảnh hưởng tới doanh thu và kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành nhất là mục tiêu tăng trưởng của ngành.
Trao đổi với VietnamPlus, ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 9 tháng vừa qua các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, xuất khẩu đều chỉ đạt dưới 60% kế hoạch năm và dưới 85% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, những tín hiệu chưa khả quan ở một số thị trường lớn do tác động của COVID-19 cũng tác động trực tiếp tới mục tiêu đề ra trong năm nay.
- Xin ông cho biết kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng vừa qua?
Ông Cao Hữu Hiếu: Tính đến hết tháng 9/2020, xuất khẩu của tập đoàn đạt 1.394,3 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 47,9% kế hoạch năm.
Về doanh thu ước đạt 29.505,8 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước và đạt 59,4% kế hoạch năm. Cùng với đó, lợi nhuận ước đạt 657,2 tỷ đồng, giảm 39,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 71,4% kế hoạch tập đoàn giao.
Có thể khẳng định đại dịch COVID-19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến cả hai phía cung và cầu của nền kinh tế. Nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi các hoạt động dự trữ, giãn cách xã hội, tâm lý không chắc chắn về diễn biến tương lai, cũng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình cũng như hành động dè dặt trong đầu tư, chi tiêu của các doanh nghiệp.
Về phía cung, COVID-19 cũng tác động đến nguồn cung khi gây nên sự đứt gẫy, gián đoạn chuỗi cung ứng, buộc nhiều nhà máy phải tạm thời đóng cửa, hạn chế mở cửa các cửa hàng ở một số quốc gia, gây nên tâm lý dự trữ của người tiêu dùng.
Với ngành Dệt may Việt Nam, nhất là đối với ngành may mặc, tình trạng hủy đơn hàng, giãn đơn hàng rất nghiêm trọng đã diễn ra trong quý 1/2020. Nhiều doanh nghiệp dệt may trong tập đoàn đã chứng kiến ngay mức doanh thu giảm 20% trong quý 1/2020 và tiếp tục trượt giảm ở quý 2/2020.
Bên cạnh đó, thời gian mở LC cũng kéo dài, trước kia là 60 ngày thì nay là 120 ngày. Cùng với tình trạng hủy đơn hàng là tình trạng giãn đơn hàng, với các đơn hàng giao trong tháng 3 đều bị lùi xuống tháng 4, tháng 5. Với tình trạng hủy đơn hàng ngày càng lan rộng, áp lực về tài chính và lao động là rất lớn đối với doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020.
Nhiều doanh nghiệp chuyển sang may khẩu trang trong nỗ lực duy trì được việc làm cho công nhân, hạn chế tổn thất do dịch bệnh, tuy nhiên hiện nay khi thị trường trong nước đã bão hòa, các doanh nghiệp phải tìm cách xuất khẩu sang nước ngoài dẫn tới cạnh tranh ở mức cao.
Tuy thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp có các đơn hàng khẩu trang đến hết quý 3/2020, có thể giúp duy trì tạo công ăn việc làm cho công nhân trong thời điểm khó khăn do COVID 19 gây ra nhưng biên lợi nhuận chưa được cao do có tới 80% các đơn hàng làm khẩu trang theo hình thức gia công, chưa tạo được nhiều giá trị thặng dư như đơn hàng FOB, ODM.
Bắt đầu từ quý 3/2020,hoạt động xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động suy giảm do các quốc gia cạnh tranh truyền thống như Trung Quốc, Ấn Độ, Băngladesh… bắt đầu tung ra các sản phẩn tương tự với giá rẻ hơn nhiều thì việc xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ không còn hấp dẫn nữa.
Về phía cầu, tập đoàn có thực hiện các giải pháp làm việc chặt chẽ với khách hàng, để cùng chung tay gỡ những áp lực cho doanh nghiệp xuất khẩu. Về giải pháp nguồn cung, khi NPL vẫn phụ thuộc nhập khẩu phần lớn Trung Quốc, Hàn Quốc, vẫn là giải pháp về liên kết chuỗi, giải pháp thúc đẩy chủ động nguồn cung ứng.
- Để tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển công nghiệp phụ trợ của ngành dệt may theo ông cần những giải pháp gì?
Ông Cao Hữu Hiếu:Năm 2019 nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may cả nước là 22,36 tỷ USD, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là vải đạt 12,37 tỷ USD. Vấn đề thắt cổ chai của ngành dệt may nằm trong khâu sản xuất dệt, nhuộm hoàn tất là vấn đề đã được nhắc đến từ lâu, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng này.
Đầu tư vào các dự án dệt nhuộm hoàn tất không phải là bài toán dễ giải, vì vốn đầu tư cao cũng như đòi hỏi trình độ cán bộ kỹ thuật vận hành quản lý tốt. Hơn thế nữa cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi phải đầu tư trong dài hạn, trong khi đó đầu tư vào sợi, vào may gia công vừa đòi hỏi ít vốn lại vòng quay thu hồi vốn nhanh.
Do đó nhiều doanh nghiệp Việt không mấy mặn mà khi đầu tư vào lĩnh vục nguyên phụ liệu. Hơn thế nữa, hiện tại chúng ta chưa thể cạnh tranh về giá và quy mô so với các doanh nghiệp Trung Quốc hay các doanh nghiệp FDI.
Nguyên phụ liệu trong ngành dệt may là xơ, sợi, vải và nguyên phụ liệu khác như cúc, chỉ... Về phát triển bông thì thổ nhưỡng không thích hợp để phát triển các cây trồng như bông do đó phần lớn bông xơ ta đều nhập khẩu từ Mỹ, Ấn Độ, Australia, Uzberkistan...
Về sợi thì hiện tại phần lớn sản xuất sợi ở Việt Nam đều tập trung vào các loại sợi chi số thấp và trung bình, chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc. Công nghệ, máy móc, trình độ nguồn nhân lực đều chưa đạt để cho phép nhiều doanh nghiệp có thể làm được các loại sợi chi số cao.
Về vải, dệt nhuộm thì có những lý do khó khăn do vốn, do công nghệ, do trình độ nhân lực. Nghị định 111/CP và các văn bản khác của Chính phủ có hướng tới phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng chưa có chương trình phát triển hành động cụ thể.
Dù vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo từ nhiều năm trước, nhưng việc tiến hành vẫn còn chậm chạm, khiến tốc độ phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ dệt may Việt Nam vẫn chưa theo kịp nhu cầu.
Nếu làm phép so sánh với các quốc gia mạnh về xuất khẩu dệt may như Ấn Độ, Bangladesh, sự hỗ trợ trong phát triển chính sách riêng biệt dành cho xuất khẩu, cho phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn hạn chế.
Ví dụ như với Bangladesh có chính sách cụ thể dành cho xuất khẩu giai đoạn 2015-2018 trong đó ưu tiên xuất khẩu dệt may. Những doanh nghiệp xuất khẩu dệt may sẽ được hưởng ưu đãi về thuế vay xuất khẩu thấp hơn, hoàn thuế thu nhập, hỗ trợ tiếp cận thị trường nước ngoài, tiếp cận giá các dịch vụ ga, nước, điện rẻ hơn...
Hay như Ấn Độ có riêng một Bộ Dệt may, có rất nhiều quỹ và chương trình phát triển riêng biệt cho ngành dệt may như các quỹ như quỹ hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu EPF, quỹ đào tạo nguồn nhân lực Smarth, các quỹ để hỗ trợ khuyến khích xây dựng khu công nghiệp dệt may, hỗ trợ xây dựng mạng lưới marketing và bán hàng ở nước ngoài…
- Kim ngạch xuất nhập khẩu tính đủ nguyên phụ liệu sau 9 tháng của Vinatex:
Việt Nam chưa có các chính sách cụ thể dành cho hỗ trợ phát triển cho ngành dệt may như các nước này, chính sách ở các địa phương nhiều khi còn chung chung chưa cụ thể, chỉ ưu đãi nhiều cho khối FDI, nhiều địa phương thậm chí còn hạn chế các dự án dệt nhuộm do quan ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.
Do đó, với ngành dệt may từ nhiều năm qua chúng tôi vẫn kỳ vọng nhà nước sẽ tạo điều kiện có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho ngành dệt may, từ chính sách cụ thể khuyến khích công nghiệp phụ trợ, đến chính sách quy hoạch tổng thể phân bổ thu hút đầu tư, cùng các chính sách hỗ trợ khác cho doanh nghiệp như các quỹ khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ tài chính… để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trong tương quan với các doanh nghiệp ở các quốc gia khác.
- Ông dự báo kết quả sản xuất kinh doanh và xuất khẩu năm 2020 của ngành sẽ như thế nào? và ngành đang tập trung các giải pháp gì để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra?
Ông Cao Hữu Hiếu: Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế sơ bộ tháng 9/2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm 4,5% trong năm 2020.
Với tình trạng nhu cầu nhập khẩu các thị trường yếu kém bởi các tác động do COVID-19 lên thu nhập và tâm lý người tiêu dùng, áp lực về đơn hàng tiếp tục sẽ khiến doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải quan ngại trong 3 tháng cuối năm 2020 và năm 2021.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam bắt đầu từ cuối quý 2 và quý 3/2020 sang các thị trường chính giảm không nhanh và mạnh như 6 tháng đầu năm. Mức độ suy giảm cũng không nhiều như các đối thủ cạnh tranh, cho thấy thị trường đang dần hồi phục trở lại.
Vì vậy, theo tôi ước kim ngạch xuất khẩu dệt may 2020 vào khoảng 33 tỷ USD, giảm 15,3% so với 2019.
- Xin cảm ơn ông./.