Lao đao theo… Covid-19

Dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (nCoV) không chỉ gây ảnh hưởng, thiệt hại nặng cho doanh nghiệp mà còn khiến cho nhiều nhà hàng, quán nhậu và các tiểu thương kinh doanh quầy, sạp tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng lao đao.

Dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (nCoV) không chỉ gây ảnh hưởng, thiệt hại nặng cho doanh nghiệp mà còn khiến cho nhiều nhà hàng, quán nhậu và các tiểu thương kinh doanh quầy, sạp tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng lao đao.

Một nhà hàng đìu hiu.

Một nhà hàng đìu hiu.

Hàng, quán đìu hiu

Trước đây khi chưa có Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 31-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt nặng người uống rượu, bia mà tham gia giao thông; và khi chưa xảy ra dịch nCoV, hàng ngày, tầm khoảng 17 giờ trở đi, các tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn TP Đà Nẵng như: Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Thăng Long, Lê Thanh Nghị, Xô Viết Nghệ Tĩnh, 30-4, 2-9… trở nên nhộn nhịp. Các nhà hàng, quán nhậu đồng loạt lên đèn rực rỡ sắc màu, khách khứa đông đúc, xô bồ ăn uống, càng về đêm càng náo nhiệt. Nhưng từ khi có Nghị định 100, đặc biệt là từ khi xảy ra dịch nCoV đến nay, các tuyến “phố nhậu” này bỗng vắng vẻ lạ thường.

19 giờ ngày 12-2, chạy dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành, chúng tôi nhận thấy nhiều nhà hàng, quán nhậu nằm dọc tuyến đìu hiu, ảm đạm. Anh Trần Thanh Dũng, chủ nhà hàng T.H ngao ngán: “Từ khi có Nghị định 100, người ta sợ bị phạt về nồng độ cồn nên không có nhậu nhiều như trước khiến lượng khách đến nhà hàng giảm đi một nửa. Nay, dịch nCoV “bồi” thêm phát nữa, nhà hàng chúng tôi vắng hoe. Tầm giờ này, trước Tết, nhà hàng còn được 9 – 10 bàn khách nay chỉ có đúng 2 bàn với 8 khách”. Anh Dũng cho biết thêm, nếu đại dịch này còn kéo dài, nhà hàng của anh buộc phải cho nhiều nhân viên nghỉ việc, cắt giảm các chi phí không cần thiết, đồng thời đàm phán với chủ đất chia sẻ cho giảm tiền thuê mặt bằng… để buôn bán cầm cự chờ qua dịch nCoV.

Tại quán nhậu D.C cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm tương tự khi chỉ có 1 bàn nhậu với 3 người khách, nhân viên, đầu bếp của quán thảnh thơi ngồi chơi game. Thậm chí có quán nhậu còn tệ hơn khi không có lấy một người khách nào. Chị Phạm Thị Châu, chủ quán nhậu D.C bộc bạch: “Quán ế ẩm nhưng buộc phải mở cửa vì tiền thuê mặt bằng đã trả trước cho chủ đất cả năm rồi. Còn nhân viên thì gắn bó với quán lâu rồi nay không nỡ cho nghỉ, hơn nữa, cho nghỉ rồi khi cần tìm lại nhân viên giúp việc rất khó. Để giảm thiệt hại bởi dịch, cuối tuần này, tôi sẽ mở bán thêm bánh cuốn buổi sáng, cơm bình dân buổi trưa để kiếm thêm thu nhập đặng duy trì hoạt động quán nhậu, trả lương cho nhân viên”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, có nhiều nhà hàng, quán nhậu khác chọn giải pháp nghỉ kinh doanh, treo bảng thông báo sang nhà hàng, quán nhậu để cắt lỗ, hạn chế thiệt hại do dịch nCoV gây ra. Nhưng anh Nguyễn Cư, người đang cần sang một nhà hàng, thở dài: “Thời buổi có đại dịch này, không biết có ai chịu sang không ?”.

Quầy , sạp ế ẩm

Để phòng tránh dịch nCoV, người dân và du khách được khuyến cáo hạn chế đi du lịch, đến những nơi đông người nên lượng người đến tham quan, mua sắm tại các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng giảm mạnh, đặc biệt là tại các chợ lớn phục vụ khách du lịch nhiều như: chợ Hàn, chợ Cồn. Trong những ngày này, tiểu thương ở các chợ lớn trên địa bàn TP Đà Nẵng nói chung, đặc biệt là chợ Hàn – chợ phục vụ khách du lịch nhiều nhất TP, ai cũng than thở vì tình hình kinh doanh ế ẩm chủ yếu bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV.

Chợ Hàn thưa vắng khách đến tham quan và mua sắm.

Chợ Hàn thưa vắng khách đến tham quan và mua sắm.

Chủ một quầy tạp hóa và hàng lưu niệm ở đây, chia sẻ: “Khi chưa có đại dịch này, hàng ngày, có rất nhiều khách du lịch, nhất là khách nước ngoài đến chợ mua sắm. Quầy tôi phải thuê thêm 2 nhân viên giúp việc nhưng nhiều lúc phục vụ không xuể do khách quá đông. Nay khách đến chợ thưa thớt, chỉ cần mình tôi đứng quầy, vậy mà nhàn rỗi suốt, chỉ biết lên face, lướt web cho hết ngày”. Tiểu thương này cho biết thêm: Với tình hình kinh doanh ế ẩm như hiện nay, tạm thời sẽ không lấy thêm nguồn hàng mới mà bán cho hết số hàng còn tồn trước Tết Canh Tý, chờ dịch qua rồi mới tính tiếp.

Tại chợ Cồn, từ sau Tết Canh Tý, tình hình kinh doanh cũng trầm lắng, sụt giảm mạnh lượng khách đến chợ. Tiểu thương Hà Thị Bích Loan, cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch nCoV nên lượng khách đến chợ tham quan, mua sắm giảm. Mọi năm, hàng ngày, ít thì cũng có 5 - 7 khách hỏi mua hàng, năm nay thì chỉ 1 - 2 người thôi, giảm nhiều lắm”.

Ông Đàm Văn Tẩu - quyền Giám đốc Cty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, cho biết thêm: Hiện tại, lượng khách đến tham quan và mua sắm các chợ lớn do Cty quản lý giảm khoảng 30% so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh nCoV. Riêng chợ Hàn, lượng khách giảm đến 70%. Do đó, doanh thu của các tiểu thương cũng giảm từ 20 - 30% so với trước đây khi chưa có dịch. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, làm cho tình hình kinh doanh của các tiểu thương tại các chợ thêm khó khăn, Cty sẽ kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét miễn giảm giá thuê mặt bằng kinh doanh, thuế… Mục đích góp phần hỗ trợ, giảm thiểu ảnh hưởng, thiệt hại cho tiểu thương do dịch bệnh gây ra.

Tuy gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh và mỗi người có mỗi cách hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại do dịch nCoV gây ra nhưng hầu hết người kinh doanh các nhà hàng, quán nhậu và tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng đều có chung ý thức về tác hại, hậu quả khó lường của dịch bệnh. Họ thường xuyên cập nhật về đại dịch này và tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện việc khử trùng, đeo khẩu trang khi kinh doanh, giao tiếp để không chỉ phòng dịch cho chính mình mà còn cho cả khách hàng. Nhưng hơn hết, tất cả các tiểu thương đều mong muốn dịch nCoV sớm được dập tắt để họ trở lại kinh doanh, buôn bán bình thường.

PHÚ NAM

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_220196_lao-dao-theo-covid-19.aspx