Lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2024 có thể đạt 130.000 người

Ước cả năm 2024, Việt Nam sẽ đưa khoảng 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 104% kế hoạch.

Bảo đảm an sinh xã hội

Với mức thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở lên, thậm chí 50 triệu đồng nếu tăng ca, nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn giàu có, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Văn Song (thôn Ruồng, xã Thượng Lan, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là ví dụ điển hình. Năm 2018, con trai ông đi lao động tại Nhật Bản. Khi việc làm và thu nhập ổn định, năm 2021, con dâu ông sang và làm việc cùng công ty chồng. Ông Song cho biết, thu nhập của vợ chồng người con đạt gần 100 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca tiền lương cao hơn. Hàng tháng, các con đều gửi tiền về phụng dưỡng cha mẹ, ngoài ra còn mua được mảnh đất trị giá gần 2 tỷ đồng để làm nhà riêng.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Việt Yên, gia đình ông Song chỉ là một trong số hàng trăm gia đình có con, em lao động ở nước ngoài thu nhập cao, giúp gia đình thoát nghèo, thậm chí làm giàu.

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: ĐVCC

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: ĐVCC

Tại hội nghị đánh giá công tác hỗ trợ người lao động tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã nhấn mạnh: Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là biện pháp thực hiện chủ trương giải quyết vấn đề an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ lao động, tác phong làm việc.... Chúng ta đã đưa hàng trăm ngàn người lao động mỗi năm đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường lớn và truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... Nhờ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho cộng đồng, vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào công tác phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Theo báo cáo từ các doanh nghiệp, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9/2024 là 12.369 lao động. Với số lượng lớn người lao động đi làm việc trong tháng 9/2024 đã nâng tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài 9 tháng của năm 2024 là 113.896 người, đạt 91,11% kế hoạch năm 2024. Trong đó thị trường Nhật Bản vẫn chiếm số lượng lớn nhất (56.566 lao động), tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 43.690 lao động, Hàn Quốc 6.276 lao động…

Nâng cao chất lượng lao động; lựa chọn thị trường uy tín

Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, thời gian qua, công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được cơ quan chức năng tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn. Tính riêng trong 9 tháng qua, cơ quan chức năng liên tiếp tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu. Hiện nay, các nước thuộc Liên minh châu Âu có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực chủ yếu ở các ngành cơ khí, đóng tàu, ô tô, y tế, dịch vụ nhà hàng khách sạn, nông nghiệp. Trong đó, 6 quốc gia đang cần nhiều lao động từ Việt Nam là Đức, Hy Lạp, Phần Lan, Rumania, Hungary và Ba Lan với khoảng 50.000 lao động mỗi năm.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp cung ứng nhân lực, hợp tác lao động với châu Âu đang gặp một số khó khăn như: Chưa có đầy đủ thông tin về thị trường lao động, chuyên môn, kỹ năng của lao động Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cao về lao động của các nước, sự cạnh tranh gay gắt về nguồn cung ứng lao động từ các quốc gia khác...

Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần phối hợp thúc đẩy ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực nhằm tạo cơ sở pháp lý và thực hiện tốt chính sách đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở châu Âu; duy trì và phát triển hợp tác bền vững, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Đặc biệt, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tiếp tục cảnh báo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình lao động thời vụ diện visa E8.

Một lần nữa, Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, Chương trình lao động thời vụ diện visa E8 là chương trình hợp tác trực tiếp giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc trên cơ sở bản Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa địa phương hai nước để tuyển chọn đưa người lao động cư trú tại địa phương sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo chương trình này.

Đến nay, có 17 địa phương của Việt Nam ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ đi làm việc tại Hàn Quốc theo diện visa E8, gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Nam Định, Đăk Lăk, Yên Bái, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Phú Yên.

Tại các địa phương triển khai chương trình này, việc tuyển chọn, làm hồ sơ, thủ tục và đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện.

Để tránh bị lừa đảo, người lao động có nhu cầu đi làm việc chỉ liên hệ trực tiếp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi cư trú để tìm hiểu thông tin liên quan và làm các thủ tục cần thiết. Tuyệt đối không nghe theo các thông tin quảng cáo không chính thống và không liên hệ với các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nhiều địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền định hướng cho người dân chọn lựa các thị trường lao động có uy tín. Ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang, năm 2024 địa phương này đặt mục tiêu đưa 1,8 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bắc Giang một mặt tuyên truyền định hướng cho người dân về các thị trường lao động có uy tín, thu nhập cao, ổn định... mặt khác, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tư vấn, tuyển chọn, thu tiền môi giới đi làm việc ở nước ngoài trái quy định pháp luật; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Nhật Bản về nước.

Ngoài ra, địa phương cũng tiếp tục cải tiến thủ tục cho vay vốn nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động thuộc đối tượng vay vốn và đủ điều kiện vay vốn khi đã có hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài.

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và hiện nay có khoảng 700 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-nam-2024-co-the-dat-130000-nguoi-355081.html