Lao động ngành gỗ chưa đồng đều giữa các doanh nghiệp

Trong khi nhiều doanh nghiệp khẳng định đã làm đúng pháp luật đối với người lao động thì các doanh nghiệp siêu nhỏ lại tỏ ra lo lắng.

“Thực hiện đúng các quy định đối với người lao động” là một trong những nguyên tắc để mặt hàng gỗ xuất khẩu vào thị trường EU khi Hiệp định đối tác tự nguyện về Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và EU có hiệu lực. Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) khẳng định “đã làm đúng pháp luật đối với người lao động từ lâu nay”, thì các DN siêu nhỏ lại lo lắng trước thực tế này.

Pháp luật với người lao động: “Không đáng ngại”

Nằm ở “thủ phủ” gỗ Bình Dương, Công ty Hiệp Long có trên 400 công nhân. Chị Hoàng Thị Hà công nhân của công ty cho biết, hai vợ chồng chị có mức thu nhập khá ổn định trên 10 triệu đồng/ tháng. Các chế độ bảo hiểm, nghỉ ngơi, khám chữa bệnh được đáp ứng đầy đủ. “Bây giờ hầu hết công nhân đều biết quyền lợi của mình, dù làm DN này hay DN khác”, chị Hà cho biết.

Anh Phan Đức Hiền, công nhân đã hơn 5 năm gắn bó với Hiệp Long cho hay, mọi người làm đủ 8 tiếng/ngày. Làm ngoài giờ hoặc tăng ca sẽ được hưởng tiền làm thêm. Lao động ngành gỗ thì hầu như không sợ thiếu việc.

Công ty Mifaco áp dụng 5S trong lao động.

Công ty Mifaco áp dụng 5S trong lao động.

Công ty Mifaco là DN khá lớn ở Bình Dương với 1.000 lao động. Trung bình mỗi năm DN này xuất khẩu khoảng 20 triệu USD. Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc công ty cho biết, DN này đã chi khoảng 200 triệu đồng để áp dụng tiêu chuẩn “5S” (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng - theo cách của người Nhật) để tạo môi trường làm việc một cách bài bản, hệ thống.

“Doanh nghiệp ban đầu làm việc theo sự phân công của tổ, đội. Sau thời gian áp dụng 5S, mọi người tự thấy mình phải đổi mới, sáng tạo và năng động hơn”, chị Hòa, công nhân Mifaco cho hay.

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, toàn tỉnh hiện có hơn 600 DN sản xuất kinh doanh về ngành gỗ, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, quy mô vừa và nhỏ. Các DN đều đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành đối với người lao động. Nhiều chủ DN khẳng định, tiêu chí về lao động đối với các DN ở Bình Dương theo các nguyên tắc của VPA-FLEGT chắc không có vấn đề gì.

Bài ca “thiếu lao động”

Là doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ, ông Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Công ty Tân Liên Thành (Lâm Đồng) cho rằng, các DN siêu nhỏ không dễ đáp ứng quy định “ký hợp đồng và đóng bảo hiểm cho người lao động”.

Ông Tân thẳng thắn cho biết, dù rất quan tâm đến người lao động, nhưng tính ổn định, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động với người sử dụng lao động khó gặp nhau. Lao động nào muốn gắn bó lâu dài sẽ được công ty ký hợp đồng và đóng các loại bảo hiểm. Nhưng trên thực tế, nhiều người cũng không muốn đóng mà hầu hết chỉ quan tâm số tiền lương mỗi tháng là bao nhiêu.

“Đặc thù khu vực Tây Nguyên có mùa cà phê. Khi nông nhàn, nhiều người xin đi làm DN nhưng một số người ý thức chưa cao. Đang nắng mà có trận mưa là họ tự nghỉ để bón phân cho cây. Khó nhất là thời điểm Tết, khi công ty cần lao động nhưng vẫn có nhóm lại nghỉ chơi Tết”, ông Tân nói.

Giờ nghỉ trưa của công nhân Công ty Hiệp Long.

Giờ nghỉ trưa của công nhân Công ty Hiệp Long.

Chia sẻ về việc thực hiện quy định lao động ngắn hạn cũng phải ký hợp đồng và đóng bảo hiểm, bà Sỳ Dầu Xiềm, Công ty TNHH Thảo Vân cho rằng, DN rất khó đáp ứng điều này. “Lao động không muốn ký hợp đồng, họ cũng không làm đủ cả tháng, phần nhiều là họ làm công nhật, khi có người thuê hái cà phê là họ nghỉ”.

Bà Xiềm cho hay, DN chỉ có thể trả mức lương cao nhất là 300.000 đồng/ngày/công nhân tay nghề cao, còn lao động phổ thông là 150.000 – 200.000 đồng/người/ngày. Vào mùa cà phê thì có khi được trả công hái tới 500.000-600.000 đồng/ngày nên họ sẵn sàng nghỉ việc ở DN.

Theo bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), đối với lao động không ký hợp đồng do thời gian làm việc không đồng đều hoặc mùa vụ thì DN siêu nhỏ, xưởng sản xuất, chế biến gỗ cần có danh sách trả tiền công hoặc có tên trong bảng lương theo hợp đồng thuê khoán công việc.

“DN siêu nhỏ nên tạo thói quen lưu giữ hồ sơ lao động hoặc yêu cầu phía cung ứng lao động phải đảm bảo các tiêu chuẩn đối với người lao động. Đầy đủ hồ sơ mới đáp ứng được một mắt xích trong dây chuyền gỗ hợp pháp”, bà Liên nói./.

Ngày 11/5/2017, Việt Nam và EU ký tắt VPA/FLEGT, kết thúc đàm phán giữa hai bên. Hai bên cam kết chỉ buôn bán sản phẩm gỗ hợp pháp trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất, cung ứng. Trong đó có nguyên tắc thứ VII của VPA-FLEGT “Nguyên tắc tuân thủ các quy định về thuế và người lao động”./.

CTV Mộ Thanh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/lao-dong-nganh-go-chua-dong-deu-giua-cac-doanh-nghiep-709174.vov