Lao động trị liệu trong cai nghiện ma túy

Lao động trị liệu là yếu tố quan trọng trong quy trình điều trị nghiện ma túy với mục đích phục hồi sức khỏe và kỹ năng lao động cho người cai nghiện. Chính vì thế, thời gian qua, công tác này luôn được các cơ sở cai nghiện ma túy chú trọng.

Các học viên Cơ sở cai nghiện ma túy thành phố Lào Cai tại xưởng đan bèo.

Các học viên Cơ sở cai nghiện ma túy thành phố Lào Cai tại xưởng đan bèo.

Ngay từ sáng sớm, tại khu vực xưởng đan lát và làm mi giả của cơ sở cai nghiện ma túy thành phố Lào Cai, không khí lao động rất sôi nổi. Học viên Phạm Thái H., xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai) vào điều trị tại cơ sở được hơn 5 tháng. Vừa thoăn thoắt đan những chiếc giỏ bằng bèo, anh H. vừa tâm sự: Được đi cai nghiện và học nghề đan bèo, tôi thấy sức khỏe hồi phục tốt, tinh thần lạc quan hơn. Mỗi học viên chỉ cần 1 ngày học nghề theo hướng dẫn của kỹ thuật viên là có thể đan thành thạo sản phẩm theo yêu cầu. 1 ngày, mỗi học viên có thể làm được 3 sản phẩm.

Còn nghề làm mi giả đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao hơn, nên để học được nghề phải mất khoảng 15 ngày. Học viên Nguyễn Việt C., tỉnh Phú Thọ cho biết: Tại đây, tôi được cơ sở hỗ trợ cai nghiện, sau khi dứt cơn thì được cho đi học nghề làm mi giả. Các thầy cô và cán bộ của cơ sở phân công công việc tùy theo lứa tuổi, trình độ nhận thức, khả năng làm việc và sức khỏe của từng người.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy thành phố Lào Cai cho biết: Cơ sở hiện có 340 học viên, trong đó 270 học viên đủ điều kiện tham gia lao động trị liệu. Cơ sở đang ký kết hợp đồng với đối tác là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh đưa nguyên - vật liệu, sản phẩm thô vào gia công nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị.

Ông Sơn cho biết thêm: Dù là lao động trị liệu nhưng tất cả học viên đều được chấm công và trả lương theo quy định. Nếu như học viên chịu khó làm việc thì đến hết 12 tháng cai nghiện sẽ có khoảng 7 triệu đồng.

Học viên tham gia lao động trị liệu.

Học viên tham gia lao động trị liệu.

Bên cạnh việc tiếp nhận, chữa trị, cai nghiện phục hồi cũng như tư vấn, giáo dục, trị liệu tâm lý, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy số 1 thành phố Lào Cai còn quan tâm đến công tác dạy nghề, lao động trị liệu cho học viên. Hiện nay, 60% học viên sau cắt cơn đang được tham gia lao động trị liệu, trong đó một số hoạt động lao động chính gồm chăm sóc chè, rừng, làm ván bóc, xây dựng cơ bản… Trong năm 2020, cơ sở đã tổ chức 2 lớp dạy nghề sơ cấp dưới 3 tháng (mỗi lớp hơn 70 học viên) với 2 ngành nghề: Cơ khí và chế biến nấu ăn. Thông qua các công việc do cơ sở tổ chức, học viên được rèn luyện, phục hồi sức khỏe và các kỹ năng lao động, từ đó giúp thay đổi hành vi, nhân cách, có suy nghĩ tích cực trong tham gia các hoạt động ở cộng đồng. Ngoài ra, cơ sở còn đẩy mạnh chăn nuôi, trồng các loại cây ăn quả, rau, củ theo mùa, tạo nguồn thực phẩm an toàn, tạo môi trường điều trị cai nghiện thân thiện, thoải mái cho học viên.

Trên địa bàn tỉnh đang duy trì việc quản lý, điều trị, chữa bệnh cho hơn 1.300 người nghiện ma túy. Các cơ sở cai nghiện đã tổ chức nhiều hoạt động lao động trị liệu phù hợp với độ tuổi, giới tính, năng lực và tình trạng sức khỏe các đối tượng khác nhau như nấu ăn, trồng và chăm sóc cây cảnh, chăn nuôi gia cầm, cắt chỉ quần áo... giúp học viên hiểu giá trị của sức lao động, đồng thời trang bị cho học viên những kỹ năng cơ bản để sau khi về địa phương có thể tham gia sản xuất, có nghề, việc làm.

Việc dạy nghề gắn với lao động trị liệu sẽ giúp học viên đang cai nghiện tăng cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là giải pháp thiết thực nhất giúp học viên có niềm tin vững chắc, có nghị lực bỏ qua mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống và phòng, chống tái nghiện ma túy.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/346235-lao-dong-tri-lieu-trong-cai-nghien-ma-tuy