Lào sẽ xây đập thủy điện mới trên sông Mê Kông
Lào sẽ xây dựng trên sông Mê Kông một đập thủy điện mới do Trung Quốc khai thác, bất chấp những chỉ trích của các nhà sinh thái học và dân cư địa phương. Chính phủ Lào đã gửi kế hoạch xây dựng nhà máy thủy điện mới này tới Ủy ban sông Mê Kông (MRC), cơ quan quản lý liên chính phủ.
Đập Sanakham, cách thủ đô Viêng Chăn 150 km về phía bắc, sẽ bắt đầu được xây dựng trong năm nay, có công suất lắp đặt 684 megawatt điện khi đi vào hoạt động năm 2028, theo MRC. Với chi phí ước tính 1,92 tỷ euro, đập thủy điện này sẽ được vận hành bởi tập đoàn quốc gia Trung Quốc Datang Corporation.
Mục tiêu của Lào là xuất khẩu điện sang Thái Lan, nhưng "vương quốc này thặng dư điện lớn và do đó không cần phải nhập khẩu điện từ Lào để đảm bảo an ninh năng lượng", Pianyh Deetes thuộc Tổ chức phi chính phủ International Rivers nói với AFP.
Lào, một quốc gia nhỏ, nghèo và không giáp biển, dựa vào thủy điện để phát triển. Quốc gia này đang có tham vọng trở thành "cục pin điện của Đông Nam Á" và dành khoảng 20.000 megawatt cho xuất khẩu vào năm 2030.
Sanakham là đập thủy điện thứ 6 trong số 9 con đập được Lào lên kế hoạch xây dựng trên sông Mê Kông, hai trong số đó đã được đưa vào sử dụng trong những tháng gần đây trước sự thất vọng của các tổ chức môi trường. Các tổ chức này lo lắng về sự sụp đổ của nguồn cá và mực nước sông đặc biệt thấp ở một số đoạn, đồng thời cáo buộc Trung Quốc thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Mê Kông.
Theo một nghiên cứu được công bố vào giữa tháng 4/2020 bởi công ty Eyes on Earth của Mỹ, Trung Quốc đã giữ lại một lượng nước lớn vào năm ngoái nhờ 11 đập được xây dựng trên một phần của sông Mê Kông. Kết quả là, mực nước sông ở hạ lưu - Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam - đã giảm ở mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua.
Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc này và tuyên bố sẽ làm hết sức mình để đảm bảo việc xả nước hợp lý. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng này, việc xây dựng đập Sanakham lại càng khiến quan hệ giữa các nước dùng chung dòng Mê Kông thêm khó chịu.
Sông Mê Kông, dài gần 5.000 km, "ngay lập tức cần một lệnh cấm xây dựng đập thủy điện (...) và các công trình có lợi cho một số người nhưng làm hại đến người khác", ông Pianfly Deetes nói. Sông Mê Kông có đa dạng sinh học dưới nước quan trọng nhất trên thế giới (1.300 loài cá), rất quan trọng đối với 60 triệu người châu Á.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lao-se-xay-dap-thuy-dien-moi-tren-song-me-kong-570963.html