Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án vành đai 4 Tp.HCM

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký văn bản số 807/TTg về việc giao cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 4 Tp.HCM

Phó Thủ tướng giao UBND Tp.HCM làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định. Theo đó, UBND các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An có trách nhiệm phối hợp với UBND Tp.HCM trong quá trình hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và triển khai dự án.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để sớm tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng UBND Tp.HCM khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 Vành đai 4 Tp.HCM đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố.

Vành đai 4 Tp.HCM đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 Tp.HCM, tuyến đường này đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố: Bao gồm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (huyện Tân Thành); tỉnh Đồng Nai (3 huyện: Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu); tỉnh Bình Dương (2 huyện: Tân Uyên, Bến Cát); Tp.HCM (huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè); tỉnh Long An (4 huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc).

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND 5 tỉnh về công tác phối hợp, thực hiện các thủ tục triển khai siêu dự án liên tỉnh này. Tại buổi làm việc, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, cho biết hiện nay, các địa phương đang phối hợp để thực hiện nhanh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Với những vấn đề được Bộ Giao thông Vận tải góp ý, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI và các tư vấn thành phần đang phối hợp nghiên cứu, cụ thể là rà soát lại các nút giao; rà soát hướng tuyến, chi phí đầu tư, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chuẩn cao tốc.

Theo văn bản kiến nghị Thủ tướng vào đầu tháng 10/2024, UBND Tp.HCM sẽ báo cáo, trình cấp thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp chuyên đề cuối năm 2024.

 Dự án vành đai 4 Tp.HCM có chiều dài 207km với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 136.000 tỷ đồng.

Dự án vành đai 4 Tp.HCM có chiều dài 207km với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 136.000 tỷ đồng.

Dự án vành đai 4 Tp.HCM có chiều dài 207km sẽ thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 136.000 tỷ đồng. Theo đề xuất, dự án vành đai 4 Tp.HCM - giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh kèm làn dừng khẩn cấp rộng 3m trên toàn tuyến. Tuyến đường song hành và đường dân sinh hai bên tuyến cũng được đầu tư tùy theo nhu cầu giao thông tại từng đoạn, khu vực, đặc biệt ở những nơi có khu đô thị, khu dân cư. Các địa phương sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt (8 làn) nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng đường trong tương lai.

Vành đai 4 Tp.HCM là dự án trọng điểm quốc gia, đóng vai trò quan trọng đột phá hạ tầng liên vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Quy hoạch phát triển Tp.HCM gắn với các tỉnh trong vùng phụ, có các đô thị vệ tinh và chủ trương phát triển không gian mở phụ thuộc rất lớn vào việc khép kín mạng lưới đường vành đai, nhất là 2 tuyến Vành đai 3, Vành đai 4.

PGS-TS Vũ Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức) nhận xét: "Vành đai 4 cũng như hệ thống đường vành đai sau khi hoàn thiện không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương, mà còn giúp tăng tính kết nối liên vùng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, kết nối các TP vệ tinh của Tp.HCM. Đồng thời tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch, kết nối các tuyến cao tốc trong vùng, giảm ùn tắc. Khi hoàn thành, Vành đai 4 sẽ phát huy hiệu quả rất nhanh, thậm chí hiệu quả đầu tư còn mạnh mẽ hơn cả Vành đai 3 Tp.HCM, tạo sức bật kinh tế cho toàn vùng".

Xuân Nhi

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/lap-bao-cao-nghien-cuu-tien-kha-thi-du-an-vanh-dai-4-tphcm-d52987.html