Lấp lánh 'sao Khuê'

Trong văn hóa phương Đông, sao Khuê còn tượng trưng cho văn chương, học thuật và vẻ đẹp trí tuệ. Trên mảnh đất thượng nguồn Bát Xát, chúng tôi cũng đã gặp những ngôi sao Khuê lấp lánh. Có điều, đó không phải là sao Khuê trên bầu trời mà là những học sinh người dân tộc thiểu số sáng ngời ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn và vươn lên học giỏi, những gia đình học tập tiêu biểu của bản.

Sáng ngời ý chí vươn lên

Lao Chải là thôn cao nhất và xa nhất của xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát), sương mù bao phủ quanh năm. Bên trong ngôi nhà mái cỏ rêu xanh của một gia đình người Hà Nhì, sáng nhất là những tấm giấy khen được treo trang trọng. Lý Gì Gơ, cô bé người Hà Nhì đang miệt mài giúp mẹ bóc lạc để mang bán ở chợ phiên. Gia đình Gơ có hoàn cảnh khó khăn nhất thôn: bố luôn đau yếu, mẹ em phải tần tảo nuôi các con ăn học. Tuy vậy, vượt lên số phận, 2 năm học gần đây, Gơ luôn đạt học sinh xuất sắc, thậm chí đoạt giải Ba cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện và được Hội Khuyến học huyện Bát Xát tặng Giấy khen. Còn Lý Gì Xuy, anh trai của Gơ, đang học lớp 10 cũng là “cây thể thao” của trường. Năm 2019, Xuy đoạt giải Ba tại Giải Việt dã truyền thống Báo Lào Cai. Trò chuyện với chúng tôi, Gơ nói em mơ ước trở thành cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ trong thôn, còn Xuy thì phấn đấu trở thành vận động viên điền kinh chuyên nghiệp.

Xã Trịnh Tường có nhiều tấm gương học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Xã Trịnh Tường có nhiều tấm gương học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Đến bản Dao cách trung tâm xã Trịnh Tường không xa, chúng tôi tìm vào nhà em Chảo Hồng Mai, học sinh lớp 9A4, Trường PTDT bán trú THCS Trịnh Tường. Nhắc đến tên Mai, bà con trong thôn ai cũng tự hào nhưng cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến gia cảnh khó khăn của em. Gia đình Mai thuộc diện hộ nghèo, tài sản không có gì ngoài ngôi nhà đơn sơ. Mai là cô bé nghị lực, luôn cố gắng vươn lên trong học tập và rèn luyện. Mai là học sinh giỏi toàn diện, đoạt giải Ba cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện môn tiếng Trung Quốc và giải Nhất môn đá cầu nữ tại Hội khỏe Phù Đổng huyện Bát Xát năm 2019.

Lý Gì Gơ, Lý Gì Xuy và Chảo Hồng Mai chỉ là 3 trong số nhiều học sinh tiêu biểu của xã Trịnh Tường nỗ lực vươn lên đạt những thành tích xuất sắc trong học tập. Nhớ lại trong chuyến công tác tại xã Trịnh Tường cách đây 3 tháng, chúng tôi vô cùng xúc động khi tận mắt thấy những học sinh của xã trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19 đã dựng lều, lán và bắt “sóng rơi” trên đồi để học bài trực tuyến. 2 trong số đó là Tẩn Thị Dung, dân tộc Dao, ở thôn Ná Đoong và Vù A Dũng, dân tộc Mông, ở thôn San Hồ. Cả 2 em đều học lớp 12, là học sinh khá, giỏi của Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bát Xát. Tấm gương về nghị lực vượt khó và tinh thần hiếu học của các em như những ngôi sao Khuê lấp lánh trên đỉnh núi cao.

Chuyện về những gia đình học tập

Tiếp nối câu chuyện về những học sinh nghèo hiếu học là câu chuyện ấn tượng về những gia đình học tập ở vùng cao Trịnh Tường. Khi trò chuyện với ông Vù A Páo là bố em Vù A Dũng (thôn San Hồ), chúng tôi được nghe ông chia sẻ những suy nghĩ của bản thân. Là Bí thư Chi bộ San Hồ, ông Páo cho biết: Thế hệ chúng tôi sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học hành tử tế nên chịu nhiều thiệt thòi. Giờ đây, dù tốn kém bao nhiêu thì gia đình tôi cũng đầu tư cho các con ăn học để có tương lai tươi sáng.

Ông Vù A Páo dựng lán trên đồi giúp con ôn thi trực tuyến trong mùa dịch.

Ông Vù A Páo dựng lán trên đồi giúp con ôn thi trực tuyến trong mùa dịch.

Suy nghĩ như vậy, ông Páo đã không nuối tiếc khi bán con trâu to lấy tiền nuôi các con ăn học. Ông cũng chính là người vất vả 3 ngày lên đồi giúp con dựng lán “bắt sóng” học bài và ngủ cùng tại lán để con yên tâm ôn thi. Không phụ sự lo lắng của bố, các con ông Páo đều đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Dũng là học sinh tiêu biểu của Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bát Xát, còn em gái Dũng đang học lớp 11 chuyên tiếng Trung Quốc tại Trường THPT Chuyên Lào Cai.

Cùng suy nghĩ với ông Páo, ông Sùng A Dùa (thôn Nà Lặc) tâm sự: Để các con có tương lai tốt đẹp thì mỗi gia đình phải tạo điều kiện cho con được học hành đầy đủ và bố mẹ cũng phải là tấm gương về tinh thần học tập để các con noi theo. Không chỉ học kiến thức trong sách vở mà còn phải học từ thực tế cuộc sống, người lớn trong gia đình tham gia các buổi tập huấn, học cách trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có cuộc sống ấm no.

Minh chứng cho những gì mình nói, ông Dùa đưa chúng tôi đi xem mô hình VACR (vườn, ao, chuồng, rừng) của gia đình. Nhờ trồng rừng, nuôi trâu, lợn, nuôi cá… mà gia đình ông đã thoát nghèo. Thu nhập trung bình mỗi người trong gia đình ông hiện là 2,7 triệu đồng/tháng. Các con của ông Dùa cũng từng bước trưởng thành. Con trai cả là Sùng A Phong đã học xong chuyên nghiệp và đang làm trong ngành du lịch tại Sa Pa. Con gái thứ 2 là Sùng Thị Minh đang học chuyên nghiệp. Còn con gái út là Sùng Thị Dung đang học tại Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bát Xát. Từ năm 2015 tới nay, gia đình ông Dùa luôn được công nhận là “Gia đình học tập”.

Ông Lý Văn Sỉn, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho biết: Trên mảnh đất gian khó nơi đầu nguồn biên giới này có rất nhiều tấm gương về nghị lực vượt khó, học giỏi của học sinh cũng như những “Gia đình học tập”. Vừa qua, tỉnh có 6 cá nhân, gia đình được nhận học bổng từ chương trình “Học không bao giờ cùng” do Phó Chủ tịch nước trao tặng, trong đó xã Trịnh Tường vinh dự có 2 đại biểu. Xã cũng thuộc số ít xã vùng cao có tỷ lệ huy động học sinh học hết THCS đi học THPT và học nghề cao nhất huyện Bát Xát. Xã phấn đấu có nhiều hơn nữa những “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Thôn, bản học tập” và xây dựng “Xã hội học tập” theo lời Bác Hồ dạy: “Học không bao giờ cùng”.

Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/lap-lanh-sao-khue-z5n20200728080741412.htm