Lập quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô, quy mô ra sao?
Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng, việc lập quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô không chỉ đơn thuần là dự án sân bay mà phải hình thành tổng thể một dự án đô thị sân bay.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về đề xuất quy hoạch cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030.
Theo Bộ GTVT, do tính chất quan trọng của sân bay này cũng như yêu cầu cao về kỹ thuật vì thế, công tác lập quy hoạch nên được thực hiện bởi tư vấn nước ngoài có nhiều kinh nghiệm.
Trước đó, Hà Nội đề xuất, sân bay thứ 2 vùng thủ đô Hà Nội nằm ở phía Nam Hà Nội, dự kiến có công suất 30 - 50 triệu khách/năm, diện tích 1.300 - 1.500ha, sẽ triển khai sau năm 2030.
Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam đánh giá cao việc Bộ GTVT khuyến cáo Hà Nội nên thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.
Dù chưa được tiếp cận chi tiết về dự án này nhưng với thông tin được đăng tải trên báo chí, chuyên gia Hoài Nam nêu những “băn khoăn” nhất định.
“Hà Nội đưa ra 2 phương án về vị trí dự kiến làm sân bay và quy mô cho sân bay thứ 2 vùng Thủ đô dự kiến từ 1.300- 1.700ha. Tôi đang hiểu rằng trong 1.300- 1.700ha đó chỉ là diện tích cho sân bay với những công năng của nó thì đó chưa phải là cách tiếp cận quy hoạch đô thị sân bay. Đây là điều tôi băn khoăn.
Bởi theo tôi, đối với dự án mới này nên có cách tiếp cận: Đây không chỉ đơn thuần là dự án sân bay mà phải hình thành quy hoạch tổng thể một dự án đô thị sân bay", chuyên gia Lương Hoài Nam nhìn nhận.
Theo đó, quy hoạch nên đi theo concept đô thị sân bay (Airport city) gồm có: Sân bay, đô thị cạnh sân bay.
Trong đó, đô thị cạnh sân bay bao gồm nhiều hạng mục công trình đô thị, bất động sản ở đó như: Nhà ở cho các đối tượng làm việc ở sân bay, các hoạt động thương mại, du lịch, hàng hóa… nằm trong tổng thể quy hoạch để gắn liền với sân bay”.
Ông Lương Hoài Nam cho rằng, thông thường ở các nước, sân bay gắn với khu công nghiệp. Việt Nam cũng nên tiếp cận dưới góc độ không chỉ quy hoạch một sân bay mà là đô thị sân bay. Trong đó sân bay là một yếu tố cấu thành của quy hoạch đó.
“Tránh trường hợp chỉ làm nhỏ, chỉ có sân bay còn xung quanh không có quy hoạch gì, ông Nam nhấn mạnh.
Chuyên gia Lương Hoài Nam thông tin thêm, hiện Hải Phòng có cách tiếp cận về quy hoạch khá hiện đại. Theo đó, địa phương này quy hoạch sân bay Tiên Lãng nằm trong tổng thể gồm: Sân bay, đô thị cạnh sân bay và khu công nghiệp cạnh sân bay.
“Đấy là cách làm quy hoạch hiện đại, tôi nghĩ Hà Nội cũng nên tiếp cận vấn đề quy hoạch sân bay thứ 2 như thế. Còn nếu chúng ta chỉ quy hoạch trong phạm vi 1.300- 1.700ha mà không quan tâm xung quanh là gì thì sẽ không hiệu quả”, chuyên gia Lương Hoài Nam nhìn nhận.
Tại văn bản UBND TP Hà Nội gửi Bộ GTVT nêu rõ định hướng quy hoạch sân bay thứ 2 của Thủ đô, dự kiến hai phương án trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung.
Phương án 1, sân bay đặt tại địa điểm tại xã Tân Ước và xã Thanh Vân (huyện Thanh Oai), xã Tiền Phong và Tân Minh (huyện Thường Tín). Diện tích chiếm đất của sân bay khoảng 1.300ha.
Phương án 2, sân bay dự kiến đặt tại địa điểm xã Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Dường, Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa). Khu vực dự kiến xây dựng sân bay thứ 2 nằm ở địa bàn 7 xã của huyện Ứng Hòa, diện tích chiếm đất khoảng 1.700ha.
Trước đề xuất này, Bộ GTVT cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch cho cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô, bảo đảm tối ưu phương án tổ chức vùng trời, phương thức bay và an toàn khai thác đối các cảng hàng không lân cận.
Về đề nghị xác định sân bay thứ 2 vùng thủ đô là sân bay quốc tế, Bộ Giao thông vận tải cho biết, quá trình triển khai sẽ căn cứ kết quả nghiên cứu về vùng trời, đường bay, phương thức bay để đề xuất vai trò của sân bay thứ 2 vùng Thủ đô cho phù hợp.
Ngoài ra, quy hoạch hệ thống sân bay được phê duyệt đã có định hướng sân bay quốc nội được khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ.
Khi các hãng hàng không có nhu cầu mở các chuyến bay quốc tế thường lệ và có cơ sở hạ tầng đảm bảo, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép chuyển thành sân bay quốc tế.