Lập trường của phương Tây khi Ukraine thách thức lằn ranh đỏ của Nga

Các quan chức Mỹ cho biết họ không tin rằng việc cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sẽ mang đến lợi thế đáng kể trên chiến trường vì quân đội Nga đã di chuyển 90% máy bay chiến đấu của mình ra khỏi tầm bắn của tên lửa tầm xa phương Tây.

Lập trường của phương Tây

Cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng vào 26/9 sẽ đánh dấu nỗ lực gần đây nhất của nhà lãnh đạo Ukraine nhằm thuyết phục chính quyền Mỹ cho phép sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, phương Tây đã nhiều lần được Kiev thuyết phục và trấn an rằng, việc đưa vũ khí mới vào Ukraine là đáng để mạo hiểm và Moscow sẽ không thực hiện các lời đe dọa trả đũa họ.

Tên lửa ATACMS. Ảnh: Getty

Tên lửa ATACMS. Ảnh: Getty

Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa để tấn công các căn cứ đặt chiến đấu cơ Nga, được sử dụng để thả bom lượn và phóng tên lửa nhằm vào các thành phố của nước này. Kiev cho rằng các vũ khí trên sẽ cho phép họ tấn công các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, trung tâm hậu cần, căn cứ hải quân và nhiều cơ sở quân sự khác của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov thậm chí còn cung cấp danh sách một số mục tiêu như vậy cho chính quyền Tổng thống Biden vào đầu tháng này. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn thận trọng trong việc bật đèn xanh cho yêu cầu trên bất chấp sự ủng hộ ngày càng gia tăng từ nhiều đồng minh phương Tây và sự thúc đẩy mạnh mẽ của Anh.

Yêu cầu của Kiev đã trở nên cấp thiết hơn sau khi các cơ quan tình báo phương Tây xác nhận Iran đã cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo - điều mà phương Tây cũng coi là một sự leo thang.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc cho phép sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga sẽ đồng nghĩa với sự "tham gia trực tiếp" của NATO vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Các quan chức phương Tây khẳng định vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra về tên lửa. Tuy nhiên, các quan chức Nga tin rằng Washington đã quyết định cho phép các đồng minh cung cấp tên lửa Storm Shadow của Anh và Scalp của Pháp cho Ukraine.

Điều gì sẽ khiến Nga leo thang và thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân đã thúc đẩy một cuộc tranh luận gay gắt ở phương Tây. Nhiều nhà phân tích nói rằng các lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin ngày càng trở nên kém tin cậy hơn khi nhà lãnh đạo Nga vạch ra nhưng lại không hành động.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lo ngại, Nga có thể leo thang xung đột trên những mặt trận khác, chẳng hạn như ở Trung Đông, nơi Moscow đang cân nhắc cung cấp cho Houthi tên lửa chống hạm.

Các quan chức Mỹ cho biết họ không tin rằng việc cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sẽ mang đến lợi thế đáng kể trên chiến trường vì quân đội Nga đã di chuyển 90% máy bay chiến đấu của mình ra khỏi tầm bắn của tên lửa tầm xa phương Tây. Kiev đã phản ứng bằng việc đưa ra một danh sách những mục tiêu quân sự ở Nga mà họ cho là vẫn nằm trong tầm bắn.

Một lập luận khác khiến Washington không cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào các mục tiêu ở Nga là Mỹ chỉ có số lượng hạn chế những hệ thống này, có thể sẽ sử dụng ở những nơi khác tại Ukraine, trong đó có việc tấn công các căn cứ Nga ở Bán đảo Crimea. Tuy nhiên, các quan chức phương Tây cho biết, Mỹ thường nói rằng họ sẽ không cung cấp một loại vũ khí nào đó nhưng trước áp lực từ Ukraine và các đồng minh châu Âu, Washington thường đảo ngược quyết định của mình.

Trên thực tế, Mỹ đã nhượng bộ và cung cấp cho Ukraine các xe tăng chiến đấu, tiêm kích F-16 và tên lửa ATACMS dù trước đó công khai tuyên bố họ sẽ không làm như vậy. Tại châu Âu, Đức cũng có lập trường do dự tương tự Mỹ khi nước này phản đối việc trang bị cho Ukraine tên lửa tầm xa Taurus do lo ngại leo thang. Kể từ năm 2022, tuy ban đầu phản đối nhưng sau đó Đức đã cho phép xe tăng cũng như các thiết bị quân sự khác của mình vận chuyển đến Kiev.

Phản ứng của Nga và nguy cơ leo thang xung đột Ukraine

Bản thân Tổng thống Putin từng nói về các lằn ranh đỏ thay đổi nhanh chóng của Nga, ám chỉ rằng chúng thực sự tồn tại nhưng chỉ ông mới biết chúng thực sự ở đâu.

"Đối với những lằn ranh đỏ này, hãy để tôi giữ nó cho riêng mình", nhà lãnh đạo Nga cho hay hồi tháng 6/2022.

“Tôi không nghĩ ông Putin lo lắng về uy tín của mình trong mắt công chúng phương Tây", Dmitri Trenin - Giáo sư tại Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow cho hay.

Để đối phó với các lằn ranh đỏ mơ hồ của Nga, các nhà phân tích cho rằng, phương Tây sẽ leo thang từng bước và sử dụng chiến thuật "cắt lát salami".

"Chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện một cách tiếp cận rất thận trọng đối với rủi ro", chuyên gia Alexander Gabuev thuộc tổ chức nghiên cứu Carnegie Russia Eurasia Center có trụ sở tại Berlin nhận định.

Tuy nhiên, theo ông, Nga “lo ngại rằng nếu cho phép những bước đi nhỏ này diễn ra thì sau đó, họ sẽ thấy các cuộc tấn công tên lửa trực tiếp vào Điện Kremlin nếu không tìm ra cách để đẩy lùi".

"Nga sẽ tìm cách khiến phương Tây phải trả giá vì quyết định leo thang của mình", ông Gabuev nói. Ông cho rằng, Moscow có cả một bộ công cụ để sử dụng như: hành động quân sự, đe dọa hạt nhân, cũng như các mối đe dọa hỗn hợp từ những hoạt động tấn công mạng và gây ảnh hưởng để phá hoại hoạt động chuyển giao vũ khí của phương Tây cho Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây nói rằng Nga đang "chia sẻ công nghệ mà Iran tìm kiếm", trong đó có công nghệ hạt nhân. Tổng thống Putin đã thảo luận công khai về vấn đề này tại Diễn đàn Kinh tế St Petersburg vào tháng 6/2024 rằng: "Nếu họ gửi vũ khí đến khu vực giao tranh và thúc giục Ukraine sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, tại sao chúng tôi không thể làm như vậy? Tại sao chúng tôi không thể đáp trả tương tự?"

Các học giả nghiên cứu về động lực đối đầu giữa các siêu cường hạt nhân cho biết nguy cơ mắc sai lầm là rất lớn và những lập luận hiện nay phần lớn mang tính lý thuyết.

Nhà nghiên cứu Janice Stein thuộc Đại học Toronto nhận định, có một mối nguy hiểm là giới lãnh đạo phương Tây "học quá nhiều" từ các cuộc leo thang gia tăng khi họ không vấp phải sự kháng cự nào. Tuy nhiên, cái giá của việc không hành động cũng cần phải cân nhắc.

Năm ngoái, Anh, Đức và Mỹ đã đồng ý cung cấp xe tăng cho Ukraine bất chấp đe dọa từ Nga. Lô chiến đấu cơ F-16 đầu tiên đã đến Ukraine vào tháng 6 và Moscow tuyên bố sẽ tấn công các sân bay của NATO để đáp trả. Mỗi lần như vậy, những người theo quan điểm cứng rắn lại lập luận rằng họ đã đúng khi sự trả đũa của Nga không thành hiện thực. Đối với nhiều người, tên lửa tầm xa dường như cũng là cuộc cá cược một chiều tương tự.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Janice Stein, các nhà lãnh đạo có lợi ích trong việc duy trì sự mơ hồ nhất định về ý định của họ. Theo bà: "Quá rõ ràng không phải là một lợi thế. Nếu bạn đi vào cụ thể, bạn có thể tự bẫy mình và loại trừ các lựa chọn của mình".

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Financial Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lap-truong-cua-phuong-tay-khi-ukraine-thach-thuc-lan-ranh-do-cua-nga-post1123966.vov