Lầu Năm Góc mở nhà máy sản xuất đạn pháo để cung cấp cho Ukraine
Một nhà xưởng thuộc khu công nghiệp gần Dallas, ven đường cao tốc Lyndon B. Johnson, đang là nơi thể hiện tương lai của ngành sản xuất đạn dược Mỹ.
Đó là nhà máy sản xuất vũ khí đầu tiên của Lầu Năm Góc được xây dựng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong nhà máy, các công nhân Thổ Nhĩ Kỳ đội mũ cứng màu vàng đang bận rộn xếp dỡ những thùng gỗ in từ Repkon, tên công ty quốc phòng có trụ sở tại Istanbul.
Nhà máy này sẽ sớm xuất xưởng khoảng 30.000 tấm thép mỗi tháng, để phục vụ việc sản xuất đạn pháo 155mm, loại đạn đang đóng vai trò quan trọng trên chiến trường Ukraine.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, Ukraine bắn khoảng 4.000-7.000 quả đạn pháo mỗi ngày trong nhiều tháng của năm 2023, trước khi mâu thuẫn trong phe Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ khiến hoạt động viện trợ vũ khí cho Kiev bị gián đoạn. Việc bàn giao các lô đạn dược lớn được nối lại từ tháng 4 vừa qua, sau khi Quốc hội thông qua gói viện trợ gần 61 tỷ USD.
Sự gián đoạn đó gây ra tình trạng thiếu đạn dược đáng kể ở Ukraine, khiến lượng đạn mà quân đội nước này bắn ra chỉ bằng một phần nhỏ so với Nga.
Để duy trì nguồn cung đạn pháo cho Ukraine, năm 2023, Lầu Năm Góc đặt mục tiêu sản xuất 100.000 quả đạn mỗi năm cho đến năm 2025. Các nhà máy ở Scranton và Wilkes-Barre, bang Pennsylvania, sản xuất 30.000 quả đạn mỗi tháng sau khi hoạt động hết công suất.
Mục tiêu sản xuất 100.000 quả đạn nghĩa là Mỹ phải tăng 10 lần công suất so với cách đây vài năm.
Nhà máy quốc phòng IMT ở Ohio dự kiến sẽ tạo nên khác biệt.
Chưa đầy 1 năm trước, khu vực xung quanh Bắc Texas chỉ là bãi đất trống. Nhưng với hàng triệu đô la từ Quốc hội và sự giúp đỡ từ Repkon, công ty quốc phòng General Dynamics của Mỹ đã có thể mở nhà máy khoảng 10 tháng sau khi động thổ.
William A. LaPlante, quan chức mua sắm hàng đầu của Lầu Năm Góc, cho biết Mỹ đã cung cấp hơn 3 triệu quả đạn pháo 155 mm cho Kiev kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.
Tuy nhiên, liệu chỉ riêng việc tăng cường sản xuất đạn pháo có đủ để thay đổi kết quả trên chiến trường theo hướng có lợi cho Ukraine hay không vẫn là điều chưa rõ.
Michael Kofman, một chuyên gia về quân sự Nga và là thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế, cho biết: “Việc gia tăng sản xuất đạn pháo có ý nghĩa quan trọng đối với nhu cầu lâu dài của Mỹ và Ukraine. Tuy nhiên, kể cả trong kịch bản tốt nhất, tôi phải nói rằng sản xuất đạt được vào cuối năm 2025 vẫn là muộn so với cuộc xung đột, và có khả năng sản lượng pháo của Nga vẫn sẽ cao hơn Mỹ và châu Âu cộng lại vào thời điểm đó”.
“Giả sử sau 1 năm rưỡi nữa, cả Mỹ và châu Âu đều sản xuất hoặc mua hơn 1 triệu quả đạn pháo mỗi bên. Con số đó có lẽ vẫn còn ít hơn mức mà Nga sẽ sản xuất trong năm nay”, ông giải thích.
Nhà máy Mesquite sẽ bao gồm 3 dây chuyền sản xuất ở các tòa nhà khác nhau, 1 trong số đó sẽ chia sẻ không gian với trung tâm phân phối Frito-Lay.
Khi cả 3 dây chuyền hoàn thành, hầu hết công nhân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ về nước. Các lãnh đạo của công ty cho biết, nhà máy Mesquite sẽ bổ sung khoảng 350 việc làm cho nền kinh tế địa phương khi đạt công suất tối đa sản xuất vào năm tới.