Lấy chất lượng nhân sự ứng cử đại biểu HĐND làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn

Chiều 10-12, tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải bảo đảm việc giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; có kế thừa và đổi mới; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Vấn đề tiêu chuẩn đại biểu HĐND có tầm quan trọng, không chỉ quyết định chất lượng hoạt động của đại biểu dân cử ở địa phương mà còn là yếu tố nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Các tiêu chuẩn đối với đại biểu HĐND được quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tiêu chuẩn đại biểu HĐND có liên quan chặt chẽ với vấn đề cơ cấu đại biểu.

"Trên cơ sở tiêu chuẩn, cần phải có cơ cấu hợp lý để bảo đảm tính đại diện trong cơ quan dân cử, tiêu biểu cho trí tuệ và sự đoàn kết của toàn dân tộc, phù hợp với sự phân bố dân cư, dân tộc, giới tính, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương. Do đó, việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND các cấp có vai trò quan trọng trong công tác tổ chức cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Đáng chú ý, riêng đối với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở các thành phố này để góp phần tạo điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp thành phố, nhưng không làm tăng số lượng tổng biên chế được giao của địa phương.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 đã có những quy định mới về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh.

 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị trong văn bản hướng dẫn của UBTVQH cần có những lưu ý cụ thể về khâu lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải rất thận trọng, chặt chẽ và duy trì trong trọn một nhiệm kỳ bởi nếu có thay đổi thì sẽ ảnh hưởng đến việc bố trí, giải quyết chế độ, chính sách đối với người đảm nhận vị trí cấp phó.

Đồng thời, qua rà soát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định về số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại HĐND TP Đà Nẵng và chỉnh lý lại quy định về số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại HĐND TP Hồ Chí Minh để bảo đảm tính thống nhất với các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 2 địa phương này.

Riêng mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, mô hình này được Quốc hội cho thực hiện thí điểm khác với mô hình tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, trước mắt chưa nên tăng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở cấp thành phố mà nếu có thì chỉ nên tăng ở các quận, thị xã thuộc TP Hà Nội và phải bảo đảm việc tăng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhưng không làm tăng số lượng biên chế được giao của địa phương.

“Tuy nhiên, nếu vận dụng theo cách này thì chưa thật sự bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và việc tăng đại biểu hoạt động chuyên trách ở HĐND quận, thị xã cũng chưa được Chính phủ xem xét, xác định rõ tăng ở vị trí nào”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ và đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung này trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết để UBTVQH có cơ sở xem xét, quyết định.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/lay-chat-luong-nhan-su-ung-cu-dai-bieu-hdnd-lam-trong-tam-khong-vi-co-cau-ma-ha-thap-tieu-chuan-646231