Lấy chồng ngoại để thoát nghèo nhưng… lại trở thành kẻ tiếp tay cho bọn buôn người

Nhà quá nghèo nên khi sang bên kia biên giới buôn bán, Nguyễn Thị Linh, SN 1986 ở Châu Bích, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) nung nấu ý định lấy chồng ngoại để thoát nghèo. Toại nguyện khi kiếm được tấm chồng sở tại nhưng Linh không ngờ hai mươi năm sau, chính mảnh đất đó cho chị ta biết thế nào là nhà tù khi chị ta cho bọn buôn người mượn nhà mình làm điểm giam giữ các cô gái bị lừa bán.

Đánh đổi 9 năm tuổi xuân lấy 3 triệu đồng

Mái tóc vàng sành điệu buộc gọn gàng và một gương mặt phúc hậu, chẳng ai nghĩ Linh lại là đồng phạm của một đường dây buôn người. Hỏi Linh có hay được người nhà thăm gặp không, Linh rụt rè cười: “Em vào đây được hai năm rồi nhưng trước đó thì cũng hơn chục năm lưu lạc đất người, chẳng biết ai còn, ai mất nữa”.

Vào tù rồi, ai mà chẳng nhớ nhà, nhớ người thân và mong được thăm gặp. Nhưng Linh lại có vẻ không nhớ gì tới gốc gác, người thân. Nói về sự cô đơn của mình, Linh bảo cuộc đời cô chìm nổi nhiều nên cũng không còn nước mắt để khóc mỗi khi chạnh lòng nữa.

Linh sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em. Cuộc sống ở vùng miền núi heo hút đã khiến cô không được học hành đầy đủ. Hết lớp 3, Linh ở nhà ai thuê gì làm nấy. Tuổi ấu thơ của Linh chỉ còn là những hoài niệm về những ngày đói ăn, thiếu thốn. “Tôi còn nhớ như in những ngày giáp hạt, đến rau cũng không được ăn no… Miếng rau nhai lạo xạo toàn hoa với hạt, chấm muối chanh mà đứa nào cũng lùa được mấy bát cơm độn”, Linh nhớ lại.

Đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự, em trai Linh nhập ngũ còn Linh xuôi về TP tìm việc rồi nghe theo sự rủ rê của chúng bạn, ra vùng biên giới tìm cơ hội đổi đời. Hỏi Linh ngày đó tiền không, nghề không, sao lại liều lĩnh thế, chị ta cười nhẹ bẫng: “Ngày đó có phong trào đi lấy chồng ngoại mà, người này rủ người kia, bí mật kéo nhau đi, thấy hay hay thì đi thôi”.

Theo lời nữ phạm nhân này kể thì ngày đó, sau khi theo bạn bè ra Quảng Ninh tìm việc, ban đầu là làm thuê cho những bãi than thổ phỉ sau đó dạt xuống Móng Cái bán buôn. Và chính tại mảnh đất này, Linh đã có cơ hội lấy chồng ngoại. Nói là chồng ngoại cho oai vì quốc tịch của anh ta không phải người Việt Nam chứ cuộc sống cũng lam lũ như vùng quê nghèo của Linh. Ngày được chồng dẫn về nhà, nhìn những vật dụng trong gia đình Linh mới biết nhưng lại không dám bỏ về vì sợ bị chê cười. Vậy là cô đành tặc lưỡi.

Từ ngày lấy chồng, Linh không buôn bán nữa mà ở nhà sinh con và làm ruộng với chồng. Cuộc sống cứ đắp đổi rồi cũng qua ngày. Nhà ở gần đường biên nhưng xa trung tâm buôn bán nên thi thoảng mới có người lỡ đường xin ngủ nhờ. Vợ chồng Linh đồng ý vì ít nhiều cũng được trả tiền. Vậy là kể từ đó, căn nhà của Linh trở thành quán trọ một đêm, cuộc sống của cô cũng vì thế mà có thêm chút thu nhập. Lâu dần thành quen, Linh không quan tâm xem khách trọ là ai, làm gì mà phải qua vùng heo hút này. Cô chỉ biết có người tới nhà xin ngủ qua đêm thì lấy tiền thuê trọ. Cô đâu ngờ trong số đó có một nhóm người đã 3 lần lừa phụ nữ từ trong nước qua biên giới, tới thuê trọ nhà cô để nghỉ qua đêm. Đáng nói là họ còn mượn nhà của Linh để nhốt các bị hại. “Họ thuê nhà tôi rồi nhờ tôi cơm nước cho những người ở trong đó. Tôi không quan tâm lắm đến việc họ là ai, quan hệ với nhau như thế nào vì nghĩ đấy không phải việc của mình”, Linh kể.

Theo bản án, ngôi nhà của Linh đã 3 lần được sử dụng để nhốt các cô gái là nạn nhân do một đường dây tội phạm đưa người từ Việt Nam sang. Những cô gái này bị nhốt trong buồng kín, có đầu gấu ở ngoài canh giữ. Nhiệm vụ của Linh là thu dọn căn buồng cho sạch sẽ, đóng chốt cửa cẩn thận và không được để những vật sắc nhọn, dễ hành hung, tẩu thoát như dao, gậy, dây… đề phòng các nạn nhân phá cửa bỏ trốn. Thời gian ở đây thường là 1 ngày và Linh được thuê lo cơm nước cho họ. Mỗi lần như thế, Linh được trả công 500 ngàn đồng/ngày/người. Tính ra số tiền mà cô nhận được từ nhóm tội phạm này là 3 triệu đồng. So với bản án 9 năm tù thật là một cái giá quá đắt.

Một góc bếp do phạm nhân Nguyễn Thị Linh chuẩn bị trong trại giam Thanh Phong. Ảnh: N.Vũ

Một góc bếp do phạm nhân Nguyễn Thị Linh chuẩn bị trong trại giam Thanh Phong. Ảnh: N.Vũ

Mong nhận được tin tức chồng con

Vào tù từ năm 2015, Linh đã được một lần giảm án nhưng ngày về vẫn còn xa. Nhắc đến gia đình, người đàn bà này rơi nước mắt: “Con tôi đứa lớn hơn 10 tuổi rồi còn đứa bé cũng lên 8”. Linh bảo ngày bị bắt, con nhỏ mới 3 tuổi và kể từ ngày vào trại tới nay, cô không hề nhận được bất cứ một tin tức nhỏ nào về chồng con cả. Với cô nỗi lo chồng lấy người khác không lớn bằng việc các con quên mất mẹ.

“Chồng tôi là người hiền lành, cục mịch, lấy vợ chỉ vì mong có cậu con trai chống gậy chứ nhà nghèo thế làm gì có tiền mà mua vợ khác. Tôi chỉ sợ chồng con tưởng tôi bỏ nhà đi theo ai đó chứ chưa chắc đã biết là tôi đi tù”, Linh kể. Hôm bị bắt, Linh đang ở chợ mua thức ăn thì được một người ghé tai bảo hình như chồng bị tai nạn nên vội vã chạy ra xem. Mãi khi bị bắt, Linh mới biết đó là vở kịch được dàn dựng để dụ chị ta về nước cho lực lượng chức năng bắt giữ.

Hỏi Linh nếu được ra tù trước thời hạn, có về thăm quê không, nữ phạm nhân này lưỡng lự một lúc rồi bảo muốn lắm vì nếu không về thăm quê lúc này, chẳng biết bao giờ mới có cơ hội quay trở lại nhưng đi lâu quá rồi, sợ không nhớ nổi đường về. “Ngày tôi đi, nhà cửa còn vắng vẻ, heo hút. Hơn chục năm rồi, không biết tôi còn nhớ nổi đường về quê mà nhận họ hàng nữa không”, Linh tâm sự. Cô ta bảo chỉ nhớ quê mình ở vùng đất có nhiều cánh rừng tự nhiên bạt ngàn, giờ không biết đã hết nghèo chưa, rồi đi lại còn khó khăn như ngày trước nữa không….

Hỏi Linh có nghi ngờ những cô gái bị nhốt trong thời gian thuê trọ ấy là bị lừa bán hay không, nữ phạm nhân này khẽ gật đầu. Linh bảo cũng có lúc thấy áy náy nhưng vì sợ bị trả thù và cũng một phần vì hám tiền nên đã nhắm mắt làm ngơ. “Tôi lo sợ tới sự an nguy của gia đình mình, với lại bên đó chủ chứa đi đâu cũng có bảo vệ, mình thì thân cô thế yếu, nhỡ có bề gì thì ảnh hưởng tới các con”, Linh nói như thanh minh. Chị ta còn cho rằng lúc đầu cũng không muốn dây dưa nhưng vì điều kiện hoàn cảnh, vì sợ bị liên lụy, sợ bị làm khó dễ nên nhắm mắt đưa chân.

Về trại giam Thanh Phong cải tạo ở đội bếp, công việc của Linh là ngày ngày cùng cả đội lo cơm canh cho khoảng 500 suất ăn. Công việc không đến nỗi vất vả vì giờ đã có nồi hơi, nồi cơm điện vậy mà mỗi khi chia cơm, hình ảnh gia đình lại hiện về trong đầu chị ta. Linh nhớ những bữa cơm vợ chồng quây quần bên nhau, dù còn đạm bạc nhưng vui vẻ. Rồi cô lại nhớ ngày còn ở quê với những bữa ăn nồi cơm vàng khè vì ngô khoai nhưng cứ thấy bưng mâm lên là mấy đứa em lại hát váng nhà… Linh bảo bây giờ tài sản duy nhất chị ta có chính là ký ức tuổi thơ và những ngày lam lũ bên chồng con, nếu mất những thứ đó, chị ta chẳng còn gì cả.

Nói đến chuyện cải tạo và việc giảm án, Linh bảo sẽ cố gắng chấp hành tốt để nhận được nhiều lần giảm án hơn nữa, sớm được ra tù, trở về đoàn tụ với gia đình.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lay-chong-ngoai-de-thoat-ngheo-nhung-lai-tro-thanh-ke-tiep-tay-cho-bon-buon-nguoi-171570.html