Lấy lý do bão lũ để tăng giá bất hợp lý là vi phạm!

Tăng giá bất hợp lý và trục lợi giá sau bão số 3 sẽ bị xử lý nghiêm trong quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ khắc phục thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống của người dân, khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội trên các địa bàn.

Bộ Tài chính vừa ban hành công điện đề nghị đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão Yagi. Theo đó, Bộ trưởng Tài chính đề nghị các cơ quan, đơn vị có biện pháp quản lý, điều hành giá, theo sát diễn biến thị trường, kịp thời cân đối cung cầu, ổn định giá cả, không để xảy ra thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Các đơn vị phải giám sát kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá. Các hành vi vi phạm pháp luật về giá sẽ bị xử lý nghiêm, theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Theo dõi công tác điều hành giá, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý

Công điện nêu rõ, do ảnh hưởng bởi bão Yagi nên ngành nông nghiệp ở một số địa phương bị thiệt hại nặng nề và làm đứt gẫy giao thông vận chuyển hàng hóa một số nơi, một số thời điểm đã xuất hiện việc khan hiếm một số mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm, nước uống... cũng như dẫn đến tăng giá cục bộ tại một số địa bàn dẫn đến khó khăn cho sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Công điện cũng chỉ đạo các đơn vị cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Công điện nhấn mạnh về công tác thông tin, tuyên truyền cần đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ.

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả, cần có sự tham gia của các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ chủ động trong công tác tham mưu cho Chính phủ đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, bị đứt gãy, hạn chế nguồn cung sau bão lũ; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp; chuẩn bị và tính toán kỹ các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường để tránh tác động cộng hưởng lên CPI trong thời điểm thị trường giá cả bị tác động do bão lũ.

Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá đã quy định các mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các biện pháp điều hành phù hợp với thực tế tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá. Các bộ, ngành theo phạm vi, lĩnh vực ngành hàng quản lý, UBND các địa phương cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành trong công tác điều hành giá cả

Bộ Tài chính cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm bắt sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa trên địa bàn nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân, giám sát thị trường hàng hóa tại các chợ đầu mối, trung tâm mua sắm, siêu thị không để xảy ra tình trạng tạo khan hiếm, đầu cơ nâng giá, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi; đảm bảo và tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa nhất là đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng chịu thiệt hại của bão lũ; tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và báo cáo giá thị trường trên địa bàn theo đúng quy định.

Sở Tài chính chủ động phối hợp với các Sở, Ban, ngành để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương để xem xét quyết định việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn khi có biến động bất thường xảy ra theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Dự trữ Nhà nước chỉ đạo các Cục Dự trữ nhà nước khu vực bố trí lực lượng 24/24h; tổ chức xuất cấp gạo, các phương tiện, vật tư cứu nạn, cứu hộ… kịp thời từ các kho dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lay-ly-do-bao-lu-de-tang-gia-bat-hop-ly-la-vi-pham-179240917074918879.htm