Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo

Nghị quyết 02/NQ-CP (NQ 02) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 được Chính phủ ban hành ngày 1/1/2020. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết về cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp (từ 2014-2018 là NQ19; 2019-2020 là NQ02).

Năm 2020, chính quyền phải tích cực, chủ động và nỗ lực nhiều hơn để thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Ảnh: L.Hoa

Năm 2020, chính quyền phải tích cực, chủ động và nỗ lực nhiều hơn để thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Ảnh: L.Hoa

Quyết tâm cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh

Năm 2019, hầu hết các chỉ số xếp hạng chung của Việt Nam được cải thiện: Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 3,5 điểm và 10 bậc, với 8/12 trụ cột tăng điểm và tăng nhiều bậc; Chỉ số Đổi mới sáng tạo tăng 3 bậc với 6/7 trụ cột tăng điểm; Chỉ số môi trường kinh doanh cải thiện 1,2 điểm, giảm 1 bậc; Năng lực cạnh tranh ngành Du lịch cải thiện 4 bậc, nhưng chỉ tăng 0,12 điểm. Tuy nhiên, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh 4.0, Việt Nam đứng thứ 5 và thứ 7 trong khối ASEAN. Do đó, Chính phủ yêu cầu phải nỗ lực cải cách mạnh mẽ để Việt Nam đứng vào trong Top 4 ASEAN.

Vì vậy, NQ 02 đưa ra các mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể đối với từng chỉ số để nâng hạng từ 5-15 bậc.

Nghị quyết yêu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa, hoàn thành trong tháng 1/2020. Đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt…

NQ 02 cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với từng bộ, ngành và địa phương để tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh. Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp tăng cường chất lượng thẩm định trong các dự thảo luật, nghị định, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư và các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh; đồng thời, các địa phương thực thi đúng, đầy đủ những quy định điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức…

Yêu cầu sự đồng bộ của cả hệ thống

Nhiều cải cách trong NQ02 yêu cầu phải có sự phối hợp tích cực, chủ động và nỗ lực giữa các cơ quan liên quan để thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Chẳng hạn, về khởi sự kinh doanh, NQ02 yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi quy định về lệ phí môn bài theo hướng lùi thời hạn khai, nộp phí môn bài vào ngày 30/1 của năm kế tiếp; giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục đặt in/tự in hóa đơn và thông báo phát hành đảm bảo đúng thời hạn 4 ngày…;

Bộ Lao động và Thương binh xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Hệ thống thông tin khai trình lao động trực tuyến kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, không phù hợp, nhằm rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường…

Về cấp phép xây dựng, NQ 02 yêu cầu Bộ Xây dựng rút ngắn thời gian cấp phép và thanh tra, kiểm tra xây dựng không quá 50 ngày. Về tiếp cận tín dụng, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về giao dịch bảo đảm; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc giao dịch điện tử về đất đai; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao hoàn thiện pháp luật về phá sản…

Về đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp: NQ02 yêu cầu Bộ TN-MT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Tòa án và các cơ quan liên quan thực thi các giải pháp đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và giảm chi phí trong thực hiện các thủ tục… Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; cũng như phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202001/nghi-quyet-02-cua-chinh-phu-lay-su-hai-long-cua-doanh-nghiep-lam-thuoc-do-2984075/