Lấy ý kiến sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012

Ngày 21.9, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức hội nghị đánh giá sơ kết 3 năm thực thi Bộ Luật Lao động 2012, lấy ý kiến doanh nghiệp tại 4 tỉnh miền Bắc: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam và Bắc Ninh.

Đây là lần thứ tư Bộ LĐTBXH tổ chức sơ kết thi hành Bộ Luật này, là cơ sở thực tiễn kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân, Bộ Luật Lao động 2012 ra đời đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề quan hệ lao động (LĐ), tiêu chuẩn LĐ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều quy định của Bộ Luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số Luật mới ban hành gần đây đã làm ảnh hưởng đến kết cấu và nội dung của Bộ Luật Lao động. Bên cạnh đó, so với các tiêu chuẩn lao động quốc tế đó, Bộ Luật Lao động 2012 và các văn bản quy định chi tiết còn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động là hết sức cần thiết để tạo hành lang pháp lý vững chắc, tuân thủ các tiêu chuẩn LĐ quốc tế, điều chỉnh và xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người LĐ...

Theo đó, một số nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung lần này là: Tăng giới hạn làm thêm giờ; tăng tuổi nghỉ hưu; xem xét lại trình tự thủ tục đình công; giải quyết chế độ cho người bị nợ bảo hiểm xã hội; ưu tiên doanh nghiệp sử dụng nhiều LĐ nữ.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi sửa đổi, các bộ ngành liên quan cần quy định bao quát đầy đủ các nội dung ngay trong Luật, tránh nhiều trường hợp phải đợi Nghị định và Thông tư hướng dẫn mới thực hiện được, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Dự kiến, dự án sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động sẽ được trình Quốc hội khóa XIV thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, thông qua vào Kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2017).

L.N

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lay-y-kien-sua-doi-bo-luat-lao-dong-nam-2012-42636.html