Lễ cúng rượu 7 của người Ê Đê
Cúng mừng sức khỏe là một nghi lễ không thể thiếu trong vòng đời của người Ê Đê. Lễ cúng được tiến hành vào thời gian rảnh rỗi, lúc nông nhàn và người được cúng phải đạt độ tuổi theo quy định.
Thầy cúng Oi Sưa tiến hành lễ cúng rượu 7. Ảnh: LÊ TRÂM
Theo đó, mỗi người sẽ được cúng sức khỏe 3 lần. Lần một khi đã ngoài 30 tuổi, lễ vật gồm 1 con heo đực, 3 ché rượu, gọi là rượu 3. Lần hai, khi đã ngoài 50 tuổi, gồm 2 con heo thiến, 5 ché rượu, gọi là rượu 5. Và cúng lần cuối cùng khi đã ngoài 60 tuổi, gồm 3 con heo thiến (hoặc 1 con trâu/bò), 7 ché rượu nên gọi là rượu 7.
Tôn kính người lớn tuổi
Trong 3 lần cúng mừng sức khỏe, cúng rượu 7 là quan trọng nhất. Đây là một nghi lễ thể hiện sự tôn kính, hiếu thảo của con cháu trong gia đình đối với ông bà, cha mẹ. Tập tục này được đồng bào Ê Đê tổ chức, mang tính cộng đồng và đậm bản sắc văn hóa truyền thống.
Mới đây, gia đình anh Kpă Y Ní ở thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa tổ chức lễ cúng mừng sức khỏe 60 tuổi cho ông Alê Y Ve. Anh Y Ní gọi ông Y Ve bằng bác theo phía vợ. Trong ngôi nhà sàn truyền thống, rượu cần và các lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ, người thân họ hàng của gia chủ và bà con trong buôn có mặt đông đủ.
Kpă Y Ní cho hay, để tổ chức lễ cúng rượu 7 mừng sức khỏe cho bác vợ Alê Y Ve, trước lễ cúng 1 ngày, đàn ông trong thôn tập trung lo chuẩn bị rượu cần, mổ heo, bò, vào rừng chặt củi, mời khách. Chị em phụ nữ đi đến các nhà quanh xóm huy động, mượn xoong nồi phục vụ việc nấu nướng.
Theo già làng của thôn Kiến Thiết Kpă Y Klo, lễ cúng mừng sức khỏe thường được tiến hành trong thời gian rảnh rỗi, nông nhàn và của cải trong gia đình đã chuẩn bị đầy đủ. “Lễ cúng rượu 7 này, người em cúng cho người anh và tổ chức tại nhà người em, còn con cháu cúng cho ông bà, cha mẹ tỏ lòng hiếu thảo, chứ không phải chủ nhân đứng ra cúng”, già làng Kpă Y Klo cho biết và giải thích: Cúng rượu 7, lễ vật là 1 con bò, 1 con heo và 7 ché rượu. Sau đó trên bàn cúng cái gì cũng theo con số 7, như một dĩa cơm sắp theo 7 chén cơm, 1 tô canh với 7 chén canh và 1 cây thịt lụi nướng dài thì có 7 cây lụi nhỏ… Tương tự, cúng rượu 5 thì sắm lễ 1 con heo và 5 ché rượu cần, tiếp theo các món đồ cúng cũng theo ra 5; cúng rượu 3 thì theo con số 3…
Ngay từ sáng sớm của ngày cúng rượu 7, không khí trong gia đình Kpă Y Ní và trong thôn nhộn nhịp hẳn. Mọi người không lên rẫy mà ở nhà mặc đồ đẹp cùng dự lễ. Tại ngôi nhà dài của gia chủ, 7 ché rượu đã được buộc vào thành một dãy dài ngay gian khách theo thứ tự từ lớn đến nhỏ tính từ ngoài cửa vào. Trong lễ cúng rượu 7 có 3 nhân vật chính, đó là chủ nhân buổi lễ, người giữ và thầy cúng. Bên góc trái ngôi nhà và phía trước mặt thầy cúng Oi Sưa, ông Alê Y Ve (chủ nhân buổi lễ) mặc trang phục truyền thống màu xanh đậm, còn Ma Quê (người giữ) mặc trang phục truyền thống màu đỏ nhạt và lúc nào cũng ngồi bên cạnh chủ nhân. Thầy cúng Oi Sưa giải thích: Trong lễ cúng rượu 7, chủ nhân buổi lễ được coi như ông tướng có tài, có sức mạnh đánh thắng giặc trở về được tôn vinh, nên có người canh giữ, hầu hạ.
Trong trang phục truyền thống màu đen, thầy cúng Oi Sưa bắt đầu tiến hành nghi lễ cúng, cầu mong thần linh phù hộ cho các thành viên gia đình sức khỏe dồi dào, chăn nuôi hay trồng cấy đều được mùa, con cái học hành đến nơi đến chốn, thành đạt trong cuộc sống... Chúng tôi để ý mâm cúng đặt trên chiếc chiếu bông, trải trên sàn nhà bao gồm các tô, chén từ lớn đến nhỏ đựng thịt heo được trộn với huyết heo. Còn dĩa lớn, dĩa trung thì bày tim, gan, cật... “Các món ăn đều do người trong thôn chế biến, sắp xếp để cúng. Lễ cúng rượu 3, rượu 5, rượu 7 được gọi theo số lượng ché rượu là bởi với đồng bào Ê Đê, ché được xem là một tài sản quý, được coi là vật dụng thể hiện sức mạnh của dòng tộc, có mặt vào dịp lễ giúp gắn kết cộng đồng, dòng họ”, thầy cúng Oi Sưa lý giải.
Đánh cồng chiêng lễ cúng rượu 7. Ảnh: LÊ TRÂM
Chan hòa niềm vui
Hôm cúng rượu 7 cho bác vợ Alê Y Ve, Kpă Y Ní mời một số người học cùng lớp trung cấp chính trị hệ không tập trung (Trường Chính trị tỉnh) với mình ở Phú Hòa, Tây Hòa và Tuy Hòa về dự. “Lễ cúng rượu 7 ở miền núi mà mời được người vùng đồng bằng, miền biển đến dự, bà con trong thôn rất quý”, Y Ní nói.
Sau phần lễ, tiếng chiêng vang lên thay cho lời cảm ơn của gia chủ tới họ hàng, bà con trong buôn làng và mọi người đến chung vui. Chủ lễ uống rượu cần rồi mời mẹ đẻ, cha đẻ. Tiếp đó chủ nhà, người thân trong gia đình và mọi người lần lượt nâng chén rượu cần cùng chung vui, chúc sức khỏe chủ nhân của buổi lễ.
Sau lễ cúng, dàn cồng chiêng cất lên rộn rã, âm thanh vang vọng khắp buôn làng, đến tận đỉnh núi, chân đồi, mọi người cùng ăn uống vui vẻ, náo nhiệt. “Lễ cúng rượu 7 thường kéo dài đến ngày hôm sau, sau phần lễ là phần hội, mọi người cùng ăn uống no say, nhảy múa theo nhịp cồng chiêng. Đây là tập tục lâu đời của đồng bào Ê Đê”, già làng Kpă Y Klo cho biết.
Được ngồi thưởng thức các món ăn dân dã, cùng uống rượu ché với bà con, chị Phạm Thị Tố Nga, công tác ở Sở Nội vụ tỉnh, cảm nhận: “Đến đây, tôi tận mắt chứng kiến nghi lễ và lần đầu tiên được thưởng thức món ăn như canh bồi, thịt bò kho chuối, nấu cà... không dầu, không mỡ vừa ngon vừa lạ. Cách nấu dân dã mà rất ngon này rất hợp với những người sợ tăng cân. Uống ly rượu nghĩa, rượu tình rồi gắp miếng thịt lụi nướng bằng than củi cho vào miệng, tôi cảm giác ngon ngọt ngay từ đầu lưỡi”.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Băng Sâm, công tác ở Bệnh viện Mắt Phú Yên, nhớ lại: Hôm đó thứ bảy, kết thúc ca trực, tôi cùng một số anh chị em của lớp trung cấp chính trị lần đầu tiên đến dự lễ cúng rượu 7 tại nhà anh Y Ní. Đến nơi, chủ nhân và bà con thôn đón tiếp rất nhiệt tình. Bữa đó trời nắng chang chang nhưng tận mắt thấy những ché rượu nghĩa tình đặt dãy dài nơi nhà sàn, tiếng cồng chiêng rộn rã ngân vang, sau đó chúng tôi đi vài nơi nữa, cảm giác như đang dạo mát ở nơi đại ngàn.
Nói về lễ cúng rượu 7 của người Ê Đê ở Ea Chà Rang, họa sĩ Trần Đăng Bảo, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Phú Hòa, cho rằng nét độc đáo của lễ cúng rượu 7 là gắn kết quá khứ và hiện tại. Đây là nét văn hóa đặc sắc cần được gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, phần lễ vật có thể gia giảm, chỉ nên mang tính tượng trưng, không nên bắt buộc phải có đủ. Việc tổ chức ăn uống kéo dài cũng nên hạn chế, dành thời gian để nghỉ ngơi và làm việc hiệu quả hơn sau lễ cúng…
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/298802/le-cung-ruou-7-cua-nguoi-e-de.html