Lễ phục tốt nghiệp ở ĐH Kinh tế ĐHQG Hà Nội: Tôi chẳng thấy có gì phải ầm ĩ
Sao lại lao vào 'ném đá' Trường ĐH Kinh tế vì bộ lễ phục tốt nghiệp, khi mà bộ trang phục đó không vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục hay các quy định pháp luật?
Bộ lễ phục của thầy trò Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trong lễ trao bằng tốt nghiệp trở thành chủ đề bàn tán trong mấy ngày qua với rất nhiều lời chê bai nặng nề, thậm chí có nhà văn còn gay gắt dùng từ “lai căng” để nói về nó. Cuộc tranh cãi ầm ĩ đến nỗi ĐH Quốc gia Hà Nội phải gửi công văn đến trường, đề nghị Hiệu trưởng báo cáo bằng văn bản.
Chuyện đâu có đáng để om sòm như vậy! Cái đáng nói ở đây là sự văn minh trong việc chỉ trích, phê phán trên mạng xã hội cũng như cách phản ứng đối với những “làn sóng” đó. Khen - chê là bình thường, còn phê phán, mắng mỏ thì phải dựa vào chuyện đúng - sai, xét trên các yếu tố: Pháp luật, đạo đức và thuần phong mỹ tục. Với việc sử dụng bộ lễ phục ấy, Trường Đại học Kinh tế có vi phạm pháp luật không, có vi phạm đạo đức hay thuần phong mỹ tục không? Rõ ràng là không. Vậy việc nhiều người lao vào “ném đá”, vùi dập họ bằng những lời mỉa mai, xúc phạm… liệu có đúng?
Có lẽ điều gây phản ứng ở bộ lễ phục chính là sự khác biệt của nó, mà người thích thì nói nó sang trọng, cầu kỳ hơn, người không thích thì bảo là “sến” và “diêm dúa” hơn. Nhưng “mắng mỏ” ai đó vì họ làm khác với thông thường là cách ứng xử đi ngược với sự phát triển.
Xã hội muốn phát triển được phải có sự xuất hiện của những cái khác biệt, sau đó thời gian và thực tế sẽ sàng lọc để giữ lại những gì cần thiết, có ích cho cuộc sống. Vì thế khi đứng trước sự vật, sự việc không giống với số đông, dù nó tốt hay không tốt, đẹp hay không đẹp trong quan điểm của mình, chúng ta cũng nên có cách đối xử văn minh với nó.
Đối với môi trường đào tạo kinh tế thì càng nên khuyến khích chuyện nghĩ khác, làm khác. Muốn làm kinh tế giỏi thì phải đi những con đường chưa hoặc ít ai đi, chọn những điều ít ai dám chọn. Việc thầy trò Trường Đại học Kinh tế mặc bộ lễ phục đặc biệt, khác lạ cũng cho thấy xu hướng thích tìm tòi cái mới mẻ, khác biệt của họ. Điều đó đáng được cổ vũ hơn là chỉ trích.
Còn chuyện bộ lễ phục đẹp hay xấu, có phù hợp về mặt văn hóa hay không, chỉ cần góp ý một cách lịch sự, nhẹ nhàng. Mà văn hóa giống như một thực thể sống, luôn có yếu tố tiếp nhận và hội nhập. Bộ lễ phục của Trường Đại học Kinh tế bị phê phán là lai căng, rằng lễ tốt nghiệp nên mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Nhưng chẳng phải lễ phục tốt nghiệp mà các trường từ tiểu học, trung học đến đại học ở Việt Nam vẫn sử dụng cũng đều theo phong cách phương Tây hay sao? Trang phục đi học, đi làm, đi sự kiện của hầu hết chúng ta như áo sơ mi, quần tây, suite, váy dạ hội… cũng đều là âu phục, và người mặc chúng được coi là trang trọng, lịch sự. Đừng quên rằng cho đến nay, chưa có bộ lễ phục tốt nghiệp nào “mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam” được đề xuất và được các chuyên gia, cơ quan quản lý công nhận để phổ biến, áp dụng.
Tôi nghĩ, với chuyện lễ phục tốt nghiệp của Trường Đại học Kinh tế hay các trường khác sau này, chúng ta nên cởi mở để nhìn vào nụ cười rạng rỡ của các tân cử nhân trong bộ đồ đó - nụ cười tự tin của những người trẻ tuổi sắp bước vào đời với tâm thế sẵn sàng vượt khó để tìm tòi, sáng tạo. Đừng bắt bẻ, xét nét như thế. Chính những phán xét nặng nề sẽ làm thui chột đi sự sáng tạo, cách nghĩ, cách làm mới mà chúng ta hay nói là "dám nghĩ, dám làm".