Lễ vinh danh những người hiến giác mạc năm 2020, Ninh Bình dẫn đầu phong trào có 398 người hiến giác mạc

Bệnh viện Mắt Trung ương (Bộ Y tế), Ngân hàng Mắt T.Ư vừa phối hợp UBND huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình tổ chức vinh danh những người đã hiến giác mạc năm 2020. Và Ninh Bình vẫn là tỉnh có số lượng người hiến giác mạc dẫn đầu trong cả nước với số lượng 398 người,chỉ riêng huyện Kim Sơn đã có 380 người hiến giác mạc.

Đây là buổi lễ tri ân của xã hội đối với những người đã khuất cũng như thân nhân của họ khi đã gửi tặng lại cho cuộc sống những món quà quý giá giúp cho những người bị mù do bệnh lý giác mạc có cơ hội tìm lại ánh sáng.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS.BS.Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, kỹ thuật ghép giác mạc giúp cho những người không may bị mù do các bệnh lý giác mạc tìm lại được ánh sáng đã được thực hiện từ rất lâu trên thế giới cũng như Việt Nam, tuy nhiên vấn đề gặp nhiều khó khăn nhất đó là nguồn giác mạc để phẫu thuật. Số lượng giác mạc hàng năm Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận được vẫn không đủ nhu cầu so với số lượng bệnh nhân chờ ghép . Đó cũng là khó khăn chung trên thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam – nơi từ ngàn đời nay tư tưởng định kiến chết toàn thây đã ăn sâu vào tiềm thức, tư tưởng.

Hiện nay ở nước ta đang có hàng chục nghìn người còn phải sống trong cảnh mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra. Những người không may mắn đó sẽ phải sống trong cảnh mù lòa như vậy nếu không có giác mạc để thay thế khi đó họ sẽ phải sống trong cảnh tăm tối không nhìn thấy ánh sáng và vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội. Giải pháp cho những người bị bệnh này có thể tìm lại được ánh sáng đó là phải có giác mạc từ những người hiến để các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ghép, BS Đông nhấn mạnh.

PGS.TS.BS.Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương phát biểu tại buổi lễ

Cũng tại buổi lễ, PGS.TS.BS.Phạm Ngọc Đông xúc động chia sẻ; Hôm nay tôi thay mặt cho lãnh đạo bệnh viện xin tri ân 56 ca hiến giác mạc từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 11/2020. Trong những ca hiến này có những ca hiến thuộc cùng gia đình đã có 2, 3 người hiến giác mạc từ trước đến nay. Và cũng rất đặc biệt trong những người hiến này có cả than nhân của những người làm trong ngành Y như trường hợp của hiến tặng của ông Phạm Minh Sơn một cán bộ ngành ngân hàng trú tại thành phố Ninh Bình không may mắc căn bệnh hiểm nghèo, trước khi qua đời ông đã bàn với vợ con hiến tặng lại giác mạc của mình. Nguyện vọng đó của ông đã được bà Phạm Thị Phương Hạnh hiện là phó giám đốc sở Y tế tỉnh Ninh Bình cùng các con thực hiện. Đặc biệt hơn giác mạc đó lại được ghép cho 1 bệnh nhân là công dân thuộc tỉnh nhà, giúp cho bệnh nhân có thể trở lại lao động sinh hoạt bình thường.

Đến dự một trong những người được nhận giác mạc, chị T. T. Thắm (Ở Yên Khánh, Ninh Bình) xúc động chia sẻ niềm hạnh phúc khi tìm lại được ánh sáng sau khi được ghép giác mạc cho cả hai mắt. Chị tâm sự, trước đó sau lớp 7 chị buộc phải thôi học vì cả hai mặt bỗng dần không nhìn thấy gì, mọi thứ chỉ mờ ảo và không thể theo học được nữa. Chị ở nhà cũng chỉ giúp được bố mẹ trông nhà và làm những việc vặt. Sau nhiều lần thăm khám với chẩn đoán giác mạc chóp, chị phải dần chấp nhận thực tại hai mắt mờ chỉ có khả năng nhìn gần cách mắt chỉ gang tay. May mắn đã đến khi cách đây chừng 1 tháng chị được các bác sĩ BV Mắt TW gọi điện báo có giác mạc hiến phù hợp để ghép. Và chị là bệnh nhân rất đặc biệt do cả hai mắt cùng hỏng nên được ưu tiên lựa chọn. Sau 2 lần ghép mắt chị giờ đây nhìn thấy mọi thứ, công việc đồng áng có thể làm được để phụ giúp chồng. "Không có lời nào diễn đạt được niềm hạnh phúc lớn lao đó. Tôi vô cùng cảm ơn người đã hiến giác mạc sau mất cùng các y bác sĩ đã ghép thành công để những bệnh nhân mù lòa như chúng tôi đc thấy lại ánh sáng", chị Thắm bộc bệch. Và, trong niềm vui hạnh phúc ấy, tại đây chị Thắm được hội ngộ cùng gia đình người đã hiến giác mạc. Níu chặt tay người con của người hiến giác mạc chị Thắm dưng dưng "tôi như được tái sinh vì thấy được ánh sáng và thêm cơ hội sống thật ý nghĩa. Cảm ơn hành động đầy nhân văn đó".

Trao tặng kỷ niệm chương cho các gia đình có người thân hiến giác mạc sau khi mất

Trao tặng kỷ niệm chương cho các gia đình có người thân hiến giác mạc sau khi mất

Tính đến nay, kể từ ngày 5/4/2007 đến nay khi người Việt Nam đầu tiên hiến giác mạc sau khi qua đời và cũng là người dân của huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình thì sau hơn 10 năm thực hiện tuyên truyền vận động hiến tặng giác mạc Ngân hàng Mắt – Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận dược 841 người hiến giác mạc từ 17 tỉnh thành trong cả nước, trong đó tỉnh Ninh Bình vẫn là tỉnh có số lượng người hiến dẫn đầu trong cả nước với số lượng 398 người đã hiến, chỉ riêng huyện Kim Sơn đã có 380 người hiến. Tính từ đầu năm 2020 đến nay Ngân hàng Mắt đã thu nhận giác mạc được từ 154 người hiến trong đó riêng Ninh Bình đã có 47 người hiến.

Phong trào hiến tặng giác mạc cũng đã giúp cho việc hiến tặng mô, tạng được phát triển hơn trong những năm gần đây. Nghĩa cử cao đẹp của những người hiến giác mạc và gia đình họ luôn được bệnh viện Mắt trung ương, ngành Y tế và toàn thể xã hội Ghi nhận, Trân trọng và coi đây như những Món quà vô giá để lại cho những người còn sống.

Nhân dịp này, 56 gia đình có người hiến tặng giác mạc đem lại ánh sáng cho người mù được tôn vinh; Ban Tổ chức cũng tặng giấy khen cho các tình nguyện viên Chữ thập đỏ có thành tích xuất sắc trong phong trào vận động hiến tặng giác mạc trong thời gian qua.

Khánh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/le-vinh-danh-nhung-nguoi-hien-giac-mac-nam-2020-n183751.html