Lên núi Báo Đông, học ý chí cách mạng của Bác

Mỗi dấu chân Bác đi qua, mỗi nơi rừng sâu núi thẳm Bác đến là một bài học giáo dục, nhắc nhớ chúng ta là phải luôn sâu sát với thực tiễn, gắn bó với cuộc sống lao động, chiến đấu gian khổ của bộ đội và nhân dân.

Tôi trở lại xã Đức Long, một trong những địa chỉ đỏ trên quê hương cách mạng huyện Thạch An (Cao Bằng) vào một ngày giữa thu. Buổi sáng, trời trong veo, nắng nhạt dịu nhẹ làm cho núi rừng, đồng lúa, nương ngô trở nên mướt mát như một bức tranh thiên nhiên óng ánh. Đầu giờ chiều, nắng vàng rực rỡ hơn làm không gian vùng biên viễn càng thêm tươi tắn và tràn trề sức sống. Lòng vui phơi phới với thời tiết như “chiều lòng người” tưởng kéo dài bất tận, bỗng nhiên đến khoảng ba giờ chiều, bất chợt xuất hiện những đám mây đen lơ lửng trên đầu.

Núi rừng Đức Long lúc đó trở nên loang loáng vì lúc nắng, lúc râm thoắt ẩn thoắt hiện. Tôi đang háo hức những bước chân đầu tiên lên núi Báo Đông, tâm trạng như chùng xuống bởi tiếng sấm chớp đột ngột vang lên. Đúng lúc ấy, chị Ngô Thị Cẩm Châu, cán bộ Bảo tàng tỉnh Cao Bằng đi bên cạnh, cười nhỏ nhẹ: “Đã đến chân núi Báo Đông mà không lên thăm “Cụ”, chúng ta không xứng đáng với con cháu “Cụ” đâu”. Từ “Cụ” mà chị Cẩm Châu nói chính là Cụ Hồ, người đã quên cả tuổi tác, không nề gian khó, hiểm nguy, ra tận trận địa để động viên bộ đội đánh giặc, cứu nước.

Lời nói của chị Cẩm Châu như khích lệ tôi có thêm tinh thần phấn chấn để bước lên từng bậc đá trên núi Báo Đông. Mặc cho sấm chớp ùng oàng, mưa rơi xối xả trên đầu, chân phải cẩn thận từng bước đi bởi sự trơn trượt suýt ngã mấy lần, nhưng lòng tự nhủ không được chùn chân trong cuộc leo núi này. Giọng xúc động, chị Cẩm Châu kể lại, vào trung tuần tháng 9-1950, dù tuổi cao, sức khỏe có hạn, Bác Hồ vẫn luồn qua khe rừng, vách đá, lau lách chằng chịt để lên tận đỉnh núi Báo Đông trực tiếp theo dõi diễn biến trận đánh Đông Khê, mở màn chiến dịch Biên giới năm 1950. Con đường Bác leo lên núi Báo Đông năm xưa giờ đã được mô phỏng lại bằng 846 bậc đá được chia thành 79 cung bậc, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác.

 Tác giả thăm bia di tích khắc ghi bài thơ “Lên núi” của Bác Hồ trên đỉnh núi Báo Đông, tháng 10-2017. Ảnh: CẨM CHÂU.

Tác giả thăm bia di tích khắc ghi bài thơ “Lên núi” của Bác Hồ trên đỉnh núi Báo Đông, tháng 10-2017. Ảnh: CẨM CHÂU.

Đi bên cạnh tôi, chị Cẩm Châu bộc bạch từ tâm can mà cũng đầy triết lý rằng, càng leo lên đỉnh núi Báo Đông, càng thương nhớ và biết ơn công lao trời biển của Bác. Mỗi dấu chân Bác đi qua, mỗi nơi rừng sâu núi thẳm Bác đến là một bài học giáo dục, nhắc nhở chúng ta phải luôn sâu sát với thực tiễn, gắn bó với cuộc sống lao động, chiến đấu gian khổ của bộ đội và nhân dân. Hình ảnh vị lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc đích thân ra tận trận địa quan sát chiến dịch, không chỉ nói lên tinh thần dấn thân hết mình, cống hiến vì nước, vì dân của Bác, mà còn kế thừa, phát huy truyền thống “tướng sĩ một lòng phụ tử”, trên dưới đồng cam cộng khổ-một nét đẹp văn hóa quân sự của ông cha ta.

Sau khoảng ba mươi phút, chúng tôi đã leo lên đỉnh núi Báo Đông cao 500 mét so với mực nước biển. Thật may mắn, sau những trận mưa rào xối xả, khi đặt chân lên đỉnh núi cũng là lúc trời ngớt mưa dần rồi tạnh hẳn. Lần đầu tiên có mặt trên đỉnh núi Báo Đông, bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết, thay vào đó là cảm xúc trào dâng khi tôi được tận mắt ngắm nhìn tấm bia đá khắc ghi bài thơ bằng hai loại chữ Hán-Việt. Trên bia nổi bật màu chữ vàng: “Ngày 16-9-1950, trên đường lên đài quan sát theo dõi mặt trận Đông Khê, Bác Hồ đã làm một bài thơ chữ Hán”.

Bài thơ “Lên núi” được dịch sang thể thơ tiếng Việt: “Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu/Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”. Bất chợt đọc câu thơ “Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây”, tôi liếc mắt nhìn ra xung quanh thấy một cảnh đẹp trác tuyệt hiện ra ngay trước mặt mình: Những ngọn núi biếc xanh như những làn sóng trập trùng, trập trùng kéo dài bất tận trong những làn sương trắng bồng bềnh huyền ảo… Rồi lòng thầm nghĩ, thời chiến muôn vàn gian khó, ở nơi rừng sâu núi thẳm heo hút, từ lãnh tụ Hồ Chí Minh đã toát lên một tình yêu thiên nhiên, một tinh thần lạc quan cách mạng để trao truyền cảm hứng, niềm tin cho bộ đội ta luôn vững chí, bền gan trên tiền tuyến đánh giặc ngoại xâm. Thần thái vĩ đại của Hồ Chí Minh, sức mạnh bất tử của Hồ Chí Minh là ở chỗ đó.

Đi lên chừng vài mét nữa, chúng tôi đến thắp hương tại cụm Tượng đài Bác Hồ ngồi quan sát trận đánh Đông Khê. Cụm tượng mô phỏng theo bức ảnh của nghệ sĩ Vũ Năng An chụp, gồm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số chiến sĩ ngồi bên cạnh. Từ trên núi cao, ngẫm về con đường cách mạng của Bác, nghĩ về những ngày tháng leo đồi lội suối, băng rừng vất vả của Người, trước anh linh tượng Bác, chúng tôi thầm hứa với Người sẽ rèn luyện ý chí bền bỉ, không chùn bước trước gian khổ và luôn khắc ghi lời Bác dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

Một buổi chiều lên thăm núi Báo Đông, tuy đôi lúc mỏi gối chồn chân khi đi dưới những cơn mưa rừng tơi tả, nhưng chưa khi nào tôi có tâm thế vừa lắng đọng cảm xúc, vừa phấn chấn như chuyến hành trình về nguồn, về với Bác như vậy. Và trong lòng như muốn ngân nga những câu thơ: “Bác để lại cho chúng ta tất cả/ Hiện tại, tương lai, quá khứ-cuộc đời/ Tổ quốc, non sông, đất trời, hoa lá/ Bác đi rồi vẫn thấy Bác ở khắp nơi” (Tế Hanh).

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/len-nui-bao-dong-hoc-y-chi-cach-mang-cua-bac-618053