Len trâu mùa nước nổi

Ở các tỉnh biên giới miền Tây Nam Bộ như An Giang, Đồng Tháp, Long An cứ vào mùa nước nổi hằng năm, người nông dân lại đưa đàn trâu vượt qua các cánh đồng ngập nước đi tìm những vùng đất cao ráo, còn sót lại ít vạt cỏ xanh, đây là nơi cho những đàn trâu di trú suốt mùa nước lũ về ngập đồng. Người và trâu cứ thế đi mãi, từ cánh đồng ngập nước này sang cánh đồng khác, đến khi nước rút cạn khô mới trở về. Mùa len trâu là bức tranh thiên nhiên vô cùng đặc biệt của mùa nước nổi miền Tây Nam Bộ.

Đàn trâu vượt qua cánh đồng ngập nước vùng trũng Đồng Tháp. Ảnh: Thủy Lê

Đàn trâu vượt qua cánh đồng ngập nước vùng trũng Đồng Tháp. Ảnh: Thủy Lê

Độc lạ mùa len trâu

Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các tỉnh biên giới miền Tây Nam Bộ nói riêng, mỗi năm có 2 mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa thường kéo dài khoảng 4 tháng (từ khoảng tháng 7 - 10 âm lịch hằng năm), thời điểm này, nước mưa cùng với nước lũ trên thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, dâng lên làm nhà cửa, ruộng vườn, đường giao thông bị ngập lụt. Khắp nơi trải rộng một màu trắng xóa mênh mông, cỏ cây chết úng tới nỗi không còn cỏ cho trâu ăn, không còn chỗ cho trâu ngủ.

Để bày tỏ tấm chân tình của mình với con vật trung thành, quanh năm cực khổ giúp nông dân làm ra hạt lúa, người nông dân đã đưa đàn trâu vượt qua những cánh đồng ngập nước, đi tìm những miền đất cao với những vạt cỏ xanh còn sót lại để cho những đàn trâu di trú suốt mùa nước ngập đồng. Vì thế, mùa len trâu chính là sự hóa giải của con người trước bức tranh choáng ngợp, hà khắc của thiên nhiên để giành lại sự sống cho “người bạn” trung thành của mình.

Chúng tôi ghé thăm gia đình vợ chồng ông Trần Văn Năm (người dân trong vùng hay gọi là Năm Thới), năm nay đã ngoài 80 tuổi, trú tại xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Dẫu tuổi đã cao, sức khỏe có phần hạn chế, nhưng ông Lực vẫn mải miết với nghề nuôi trâu chạy đồng nước nổi. Ông Năm Thới cho biết, theo tiếng của đồng bào dân tộc Khmer, "len" có nghĩa là đi tự do, "len trâu" tức là cho trâu đi tự do. Cho tới bây giờ, người ta không biết nghề len trâu có từ khi nào. Chỉ biết rằng, mỗi khi con nước nhảy bờ thì mùa len trâu cũng bắt đầu.

Mùa lũ về, nước dâng cao từ 1 đến 4m suốt mấy tháng liền, khắp nơi ngập trong một màu nước nâu ngầu đục, cả cánh đồng này không còn một chỗ nào khô, cỏ lút đọt chết ráo ngoài đồng. Không có cỏ cho trâu ăn, người nông dân phải lùa trâu đến những vùng đất cao hơn tìm cỏ, đồng thời cũng là để trâu nghỉ ngơi, lấy lại sức chờ nước rút. Không chỉ trâu nhà mà còn là trâu làng xóm, mỗi đàn lùa đi từ vài chục đến vài trăm con, đi hết cánh đồng này ngập nước hết cỏ, rồi lại kéo nhau sang cánh đồng khác, có khi đến 3-4 tháng mới về.

Những năm nước lớn như năm 2000, 2011, dân len trâu phải đưa trâu qua tận miệt Tân Hưng của tỉnh Long An để cầm trâu suốt mấy tháng ròng, chờ nước rút. Ở thời điểm ấy, khắp vùng, nhà nhà đều có trâu. Có người tự len trâu nhà mình, cũng có người được thuê đi. “Người ta nói, len trâu là nghề hạ bạc, rong ruổi khắp xứ, vất vả lắm. Trong mấy tháng mùa nước nổi, người đi len trâu ở suốt ngoài đồng. Ấy vậy mà không ai chịu bỏ nghề đâu, bởi cái nghề này không phụ người, cũng đem đến một nguồn thu nhập ổn định” - ông Năm Thới tâm tình.

Tuy cuộc sống của những người len trâu khó khăn trăm bề nhưng rồi cứ đến độ con nước đổ về miền Tây Nam Bộ là ông Năm Thới lại khăn gói cùng đoàn người và hàng trăm con trâu băng qua đồng nước, tới đâu thì dựng tạm chiếc chòi ngay trên gò đất, dưới tán một cây me tây cổ thụ để có chỗ ngả lưng, ăn ngủ giữa đồng. Mọi người từ khắp nơi tụ lại cùng một chỗ, đi thành đoàn để tương trợ lẫn nhau. Đêm đến, họ lại xúm xít cùng ăn uống, hát hò cho vơi đi cái cơ cực. Có những mối kết duyên vợ chồng cũng nên từ cái nghiệp len trâu ấy mà ra.

Thương trâu hơn thương vợ

Nghề len trâu không thể muốn là tự nhiên làm được và không phải bỗng dưng một người đàn ông bé nhỏ có thể thuần phục cả một đàn trâu to khỏe mà không để lạc mất con nào. Len trâu được cha truyền con nối từ đời này qua đời khác và đặc biệt là phải yêu trâu, thương trâu như con thì mới đeo đuổi được cái nghiệp này. Thêm nữa là phải có kỹ năng, kinh nghiệm, chịu khó và cần cù nữa. Bởi thế, từ tấm bé, nhiều đứa trẻ đã bỏ học theo nghề len trâu, theo người lớn đi khắp những cánh đồng từ vùng đất trũng như Đồng Tháp Mười mênh mông cho đến Tân Châu, Châu Đốc, Thoại Sơn của An Giang, Hà Tiên của Kiên Giang rồi đến cả tận cùng đất mũi Cà Mau.

Người dân chọn một gò đất cao để đưa trâu đến trong mùa nước lũ. Ảnh: Thủy Lê

Người dân chọn một gò đất cao để đưa trâu đến trong mùa nước lũ. Ảnh: Thủy Lê

“Con trâu luôn là tài sản quý nhất của người nông dân Việt Nam nói chung và đặc biệt của người dân miệt vườn miền Tây Nam Bộ, bởi có trâu mới có đất cày, có trồng lúa, người ta mới có cái ăn, cái no từ ngày xửa ngày xưa. Những chú trâu luôn được người dân đối đãi và chăm sóc vô cùng chu đáo và tử tế. Dân len trâu tụi tui thương trâu hơn thương vợ. Buổi tối, người ngủ sao cũng được chứ trâu là phải được đốt rơm hun khói, mắc mùng, muỗi vùng này to như ruồi, sau một đêm hút máu có khi trâu lại gầy nhom. Ở nhà với vợ chẳng được mấy hôm, còn đi thả lang cùng bầy trâu thì 3-4 tháng cũng chưa muốn về" - Ông Năm Thới cười hóm hỉnh cho biết.

Ông Năm Thới, quê gốc tận miệt Hòn Đất của tỉnh Kiên Giang, hơn 40 năm làm nghề chăn thả trâu, ông đã lang bạt qua khắp các cánh đồng ngập nước. Với nửa đời người phiêu bạt nơi đồng xa đầy nắng gió, mùa len trâu đã trở thành nỗi nhớ vơi đầy trong ông mỗi năm vào mùa nước nổi. Dẫu phải ăn ngủ trên đồng, khó khăn, vất vả, nhưng năm nào nước nổi không về, ông lại xôn xao nhớ và mong chờ mùa len trâu trở lại. Có điều, mấy năm gần đây, nước lũ về thấp, một phần do làm đê bao 3 vụ, phần do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên số người còn gắn bó với nghề len trâu rất ít. Hơn nữa, bây giờ cuộc sống đã khác xưa, máy móc làm thay con người và trâu hết rồi nên nhiều nơi mùa len trâu đã không còn tồn tại.

Hình ảnh len trâu mỗi dịp vào mùa nước nổi được xem như một bức họa đồng quê ở xứ miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Hiện nay, muốn đi tìm hình ảnh len trâu phải đi vào tận đồng sâu, ngóc ngách. Bởi những đoàn len trâu giờ đây chỉ hiếm hoi còn ở các vùng biên như: Bình Phú, huyện Tân Hồng, hoặc ở Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, hay các xã vùng biên giới thuộc các huyện Tịnh Biên, Châu Phú, hay thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/len-trau-mua-nuoc-noi-post482144.html