Lênh đênh mưu sinh ở hồ Thủy điện Đồng Nai 3

Không còn trông chờ vào nguồn lợi thủy sản tự nhiên, một số hộ dân vẫn còn bám trụ ở hồ Thủy điện Đồng Nai 3 đang tìm hướng làm ăn mới để phần nào ổn định cuộc sống.

Chỉ còn cá tạp, tôm ốc nhỏ

Chiếc thuyền máy của Vườn Quốc gia Tà Đùng rẽ nước, đưa chúng tôi về phía căn nhà nổi của những hộ dân đang sinh sống trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, xã Đắk Som (Đắk Glong). Trên vùng mặt nước rộng cả ngàn hecta, chỉ còn thấp thoáng 3-4 nóc nhà xập xệ đang nép mình trong một góc nhỏ.

 Gia đình chị Trần Thị Nên sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3

Gia đình chị Trần Thị Nên sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3

Người cán bộ kiểm lâm dẫn đường kể, chỉ hơn 5 năm trước, lòng hồ có cả trăm căn nhà của người dân làm nghề đánh bắt thủy sản. Nhưng rồi, mỗi năm các hộ dân rời đi một ít, đến thời điểm hiện tại, cả lòng hồ chỉ còn khoảng hơn chục nóc nhà.

“Những người bám trụ với lòng hồ, một là họ đã có tuổi, không đủ sức để di cư; hai là những gia đình có lồng bè nuôi cá ở đây, cuộc sống đã tạm ổn định”, người dẫn đường vừa nói, vừa chỉ tay về phía những lồng nuôi cá.

Căn nhà đầu tiên chúng tôi ghé vào là của gia đình chị Trần Thị Nên (45 tuổi, gốc Campuchia). Chị đang tranh thủ ngồi vá lại chiếc lưới đánh cá để kịp cho đêm nay hai vợ chồng đi thả.

8 năm trước, chị Nên cùng chồng con di cư từ Campuchia về lòng hồ sinh sống. Ban đầu chỉ dự định ở vài năm rồi đi, nhưng đến thời điểm này, khi sức khỏe không còn như trước, đứa con gái đầu đã lấy chồng, vợ chồng chị Nên quyết định ở lại, gắn bó với hồ Thủy điện Đồng Nai 3.

“Vợ chồng tôi có 2 đứa con gái, đứa đầu theo nhà chồng về Bình Phước để làm rẫy. Bây giờ chuyển đi cũng không biết đi đâu nên vợ chồng tôi chọn cách ở lại, kiếm ít tôm cá, sống qua ngày, nuôi đứa nhỏ”, chị Nên mở đầu câu chuyện về gia đình mình.

Cuộc sống gia đình lênh đênh trên mặt nước, mọi sinh hoạt của 3 con người đều gói trọn trên chiếc nhà bè rộng chưa đến 30 m2, dựng bằng gỗ tạp, xung quanh quây kín bằng tấm bạt lỗ chỗ những vết thủng.

 Phần lớn sinh hoạt diễn ra trên bè, nên chị Nên tận dụng để nuôi gà và trồng thêm rau

Phần lớn sinh hoạt diễn ra trên bè, nên chị Nên tận dụng để nuôi gà và trồng thêm rau

Hàng ngày, chồng và đứa con gái đi đặt lờ bắt cá, chị Nên ở nhà nội trợ và nhận may vá những tấm lưới rách. Ngày trước nhiều cá tôm, có hôm bắt được cả nửa tạ, nhưng bây giờ nếu may mắn lắm thì được chục ký. Đứa con gái thứ 2 cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ.

Người phụ nữ đưa mắt nhìn về vùng nước rộng lớn, trải lòng: “Bây giờ cá lớn không còn, chỉ còn cá tạp, tôm ốc nhỏ, vài ngày, chúng tôi mới gom đi bán một lần. Mỗi lần được khoảng 500.000 đồng, ngần ấy dùng vào “việc lớn, việc bé” trong nhà”.

Để không còn chật vật và lênh đênh

Để hiểu hơn về cuộc sống “xóm chài lưới”, người cán bộ kiểm lâm dẫn chúng tôi sang một xóm chài khác. Mất 15 phút đi thuyền để ra vùng nước mới, xóm chài nằm trơ trọi giữa lòng hồ dần hiện ra. Cả một vùng nước mênh mông, rộng lớn, chỉ có 3 căn nhà, mỗi nhà cách xa nhau vài chục mét.

Theo người cán bộ kiểm lâm, khi nguồn lợi tự nhiên không còn dồi dào như trước, những hộ dân trong làng chài đã chuyển dần sang nghề nuôi trồng thủy sản, thay vì di cư tìm bến đỗ mới. Từ 1-2 lồng nuôi cá lăng, cá trắm, một số hộ đã phát triển lên quy mô lớn, cuộc sống không còn phụ thuộc vào nguồn cá tự nhiên.

Được coi là hộ gia đình khá giả nhất trong xóm chài, hàng ngày anh Trần Văn Hà (50 tuổi) thu gom cá của các hộ dân trong vùng rồi đưa lên bờ bán. Gia đình anh Hà còn nuôi thêm 8 bè cá bống, cá lăng và cá thát lát, trở thành người “giàu” của vùng sông nước Tà Đùng.

 Gia đình anh Trần Văn Hà bám trụ, nuôi 8 lồng cá

Gia đình anh Trần Văn Hà bám trụ, nuôi 8 lồng cá

Người đàn ông gốc miền Tây tâm sự, so với những năm đầu thì cuộc sống bây giờ chật vật hơn nhiều. Cá ít, cuộc sống trên mặt nước khó khăn nên người ta bỏ đi nơi khác là lẽ thường. Anh cùng mấy hộ khác, phần lớn là anh em họ hàng, bám trụ trên lòng hồ này, buộc phải tìm kế mưu sinh.

“Mùa mưa nên cá đánh được cũng khá hơn. Mỗi ngày, tôi mua gom được gần 2 tạ cá, mang lên bờ bỏ sỉ cho người ta, lời lãi được vài trăm ngàn về đầu tư lại cho mấy lồng cá. Bây giờ không còn cá tự nhiên thì phải tự tìm cách để làm ăn trên lòng hồ này”, anh Hà nói.

 Vợ anh Trần Văn Hà còn tranh thủ mở một tiệm tạp hóa nhỏ ngay trên lòng hồ

Vợ anh Trần Văn Hà còn tranh thủ mở một tiệm tạp hóa nhỏ ngay trên lòng hồ

Chia sẻ thêm về nghề nuôi cá bè trên hồ Tà Đùng, anh Hà bảo khá vất vả, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn thức ăn cho cá. Được năm thời tiết thuận thì có cá bán, năm không thuận, chỉ mấy trận gió lớn là mất hết cả lồng.

“Năm ngoái, tôi chỉ thu được vài tấn cá, đủ lấy lại vốn. Năm nay, nếu thuận lợi thì được 15 tấn cá, trừ hết chi phí cũng được vài chục triệu đồng. Hai vợ chồng tính rồi, gia đình sẽ dần dần lên bờ mua đất làm ăn, chứ không thể sống mãi dưới này được”, anh Hà cho hay.

Theo ông Bùi Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Đắk Som (Đắk Glong), hiện nay trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 còn 12 hộ gia đình sinh sống, với 27 nhân khẩu. Phần lớn những hộ dân này từ Campuchia về đây mưu sinh từ những ngày chặn dòng, tích nước làm thủy điện. So với những ngày đầu, bây giờ số lượng các hộ dân đã giảm đáng kể, nguyên nhân là nguồn thủy sản đã cạn kiệt. Những người còn bám trụ thì đang nỗ lực tìm hướng làm ăn mới để ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Dương Phong

852

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/lenh-denh-muu-sinh-o-ho-thuy-dien-dong-nai-3-86565.html