Lệnh ngừng bắn mong manh giữa Armenia và Azerbaijan
Những ngày vừa qua, tình hình căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan gia tăng nghiêm trọng, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.
Các cuộc xung đột tại khu vực biên giới giữa hai nước này chỉ trong 2 ngày 12 và 13/9 đã làm 170 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Đến ngày 14/9, Armenia và Azerbaijan đã ký một lệnh ngừng bắn, tuy nhiên sức nóng xung đột thì vẫn đang chực bùng lên bất kỳ lúc nào. Vậy đâu là nguyên nhân khiến bạo lực bùng phát trở lại tại biên giới Armenia - Azerbaijan và nó tác động như thế nào tới tình hình khu vực Kavkaz?
Lý do leo thang căng thẳng bất chấp thỏa thuận ngừng bắn của Nga
Căng thẳng vừa xảy ra không phải ở khu vực Nagorno-Karabakh, mà dọc theo biên giới chung giữa Azerbaijan và Armenia ở phía bắc. Yerevan tuyên bố rằng, các khu vực biên giới ở các vùng Gegharkunik, Vayots Dzor và Syunik đã bị pháo kích. Trong khi Baku khẳng định quân đội Armenia đã tấn công các vị trí của quân đội Azerbaijan ở biên giới. Trong các tuyên bố chính thức, hai bên chỉ nêu diễn biến mà không nhắc đến nguyên nhân.
Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban của Duma Quốc gia Nga về các vấn đề Quốc tế Alexei Chepa, cho rằng, leo thang xung đột trong khu vực là do các cơ quan tình báo phương Tây tạo ra. Ý kiến trong giới quan sát chia sẻ rằng, âm mưu can thiệp từ bên ngoài nhằm ngăn cản hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng hải ở Samarkand-Uzbekistan được tổ chức trong hai ngày 15-16/09. Trên thực tế, Thủ tướng Armenia N. Pashynian vào phút chót đã hủy chuyến đi dự hội nghị.
Một nền tảng xã hội khác nêu lý do xung đột có thể là việc xây dựng hành lang Zangezur dài 40km, đi qua khu vực Syunik của Armenia và cung cấp các liên kết giao thông giữa Azerbaijan và Nakhichevan, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ. Việc xây dựng đang được thực hiện với sự hỗ trợ tích cực của phía Thổ Nhĩ Kỳ. Armenia đã liên tục phản đối việc xây dựng hành lang, cho rằng nó trái với các thỏa thuận ngừng bắn ba bên đã ký vào năm 2020. Trong bài phát biểu vào sáng ngày 13/9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố, Armenia sẽ không cung cấp một hành lang qua lãnh thổ của mình, nhưng sẵn sàng mở đường cho các nước láng giềng, bao gồm cả những người từ Azerbaijan. Ông cũng tuyên bố rằng, Azerbaijan được cho là yêu cầu công nhận Nagorno-Karabakh trong biên giới của mình.
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính trị - Xã hội của Vùng Biển Đen-Caspian Vladimir Novikov giải thích rằng, lý do của tình trạng trầm trọng hơn có thể là Azerbaijan mong muốn phân định biên giới với Armenia. Và thứ hai là một hiệp ước hòa bình với Yerevan, điều này sẽ chỉ ra cơ chế của Karabakh, nơi Baku đang cố gắng để có được.
Vai trò trung gian của các nước
Mặc dù Armenia và Azerbaijan đã ký lại một lệnh ngừng bắn sau 2 ngày xảy ra xung đột, nhưng dư luận cho rằng lệnh ngừng bắn này hết sức mong manh. Hiện nay, các nước như Nga, Mỹ, Pháp, cũng như Liên hợp quốc đang tích cực tiến hành hoạt động ngoại giao con thoi nhằm ngăn chặn xung đột leo thang giữa Armenia và Azerbaijan.
Theo người đứng đầu Ủy ban Quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga Grigory Karasin, lệnh ngừng bắn đã đạt được nhờ nỗ lực của Nga, bao gồm sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Armenia Pashinyan. Tiếp đó, Hội đồng An ninh Tập thể của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã tổ chức cuộc họp bất thường trực tuyến với sự tham dự của Tổng thống Nga Putin và nhất trí cử một nhóm công tác đến Armenia để đánh giá tình hình căng thẳng ở biên giới với Azerbaijan và chuẩn bị một báo cáo chi tiết cho các nguyên thủ quốc gia tại phiên họp tiếp theo của Hội đồng An ninh Tập thể (dự kiến tổ chức tại Yerevan vào mùa thu).
Nhìn chung, Nga với tư cách dẫn dầu trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể CSTO, mà Armenia là thành viên, là một bên trong mối quan hệ hợp tác đồng minh với Azerbaijan, vẫn đóng vai trò trung gian hòa giải chính giữa Baku và Yerevan. Tuy nhiên, cũng do có quan hệ truyền thống hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với cả hai nước, nên Nga cũng ở vào thế khó, khi mà dư luận Armenia cho rằng, Hiệp ước về hỗ trợ thành viên trong CSTO đã không hoạt động. Nghĩa là phía Armenia muốn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ CSTO.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ở vào tình thế của Nga hiện nay, Moscow không muốn xảy ra “mặt trận thứ hai” ở Nam Kavkaz, nói cách khác là xung đột trực tiếp với Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tác động lên an ninh khu vực
Có thể thấy rằng, xung đột vừa diễn ra chỉ trong khoảng hai ngày nhưng đã khiến cả hai bên tổn thất tới hơn 170 người và nhiều người khác bị thương. Biểu tình đã nổ ra ở thủ đô Yerevan yêu cầu Thủ tướng Armenia từ chức, do lo ngại ông sẽ nhượng bộ Azerbaijan.
Nếu căng thẳng tiếp tục bùng phát thì chắc chắn sẽ dẫn đến mất an ninh, đe dọa tính mạng không chỉ của các lực lượng trong quân đội mà cả dân thường ở khu vực này.
Nhưng bản chất sự việc lần này đang được các chuyên gia cho là có liên quan với tình hình Ukraine. Theo nhà khoa học chính trị, giảng viên cao cấp tại Học viện Quan hệ Quốc tế - Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zudin, giao tranh trong khu vực phù hợp với khái niệm được các chuyên gia thảo luận, trên thực tế, đó là tạo ra các điểm nóng dọc theo biên giới của Nga để buộc Nga phải phân tán lực lượng và ngăn chặn việc tập trung lực lượng ở Ukraine.
Chuyên gia về xung đột sắc tộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Nam Kavkaz, nhà khoa học chính trị Yevgeny Mikhailov nhấn mạnh rằng, cả Armenia và Azerbaijan liên tục cáo buộc nhau leo thang - một sự phát triển của các sự kiện, mà theo ông, được dự báo khá nhiều cho cuộc xung đột này. Theo chuyên gia Mikhailov, “bây giờ không phải là lúc để thổi phồng tình hình ở phía nam Kavkaz” và ông nghĩ rằng, Nga sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Nhưng ông nghi ngờ rằng, tình hình hiện đang cố tình được rung lắc để gây bất ổn, trong bối cảnh Nga đang tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Mâu thuẫn cốt lõi giữa Armenia và Azerbaijan liên quan đến tranh chấp ở khu vực biên giới là vấn đề không dễ giải quyết. Vì thế, bất chấp các lệnh ngừng bắn từng đạt được, các cuộc xung đột tại điểm nóng này vẫn tái diễn. Cộng đồng quốc tế đều trông đợi hai nước cùng kiềm chế và tìm cách hạ nhiệt căng thẳng bằng giải pháp ngoại giao, không để bất ổn leo thang, gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực và toàn cầu./.