Lệnh trừng phạt Nga phản tác dụng, Moscow dùng khí đốt trả đũa, EU loay hoay chống đỡ

Giới chuyên gia nhận định, các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa Nga-EU gây ra nhiều thiệt hại cho châu Âu hơn cho Moscow và suy thoái là điều khó tránh khỏi. Ngân khố của cả nước phát triển và đang phát triển đều đang bị rút cạn.

EU đang đối mặt nhiều thách thức khi lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái khi nguồn cung năng lượng từ Nga sụt giảm. (Nguồn: Wikipedia)

EU đang đối mặt nhiều thách thức khi lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái khi nguồn cung năng lượng từ Nga sụt giảm. (Nguồn: Wikipedia)

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine đã khiến Moscow phải chịu vô số lệnh trừng phạt từ phương Tây. Để trả đũa, Tổng thống Nga Vladimir Putin cắt nguồn cung cấp khí đốt cho những quốc gia bị liệt vào danh sách "các nước không thân thiện".

Thực tế cho thấy, dường như châu Âu đang chịu nhiều thiệt hại hơn từ động thái trả đũa của Nga. Nếu tình hình không được cải thiện, châu lục này có thể trải qua cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong lịch sử.

Trả đũa lẫn nhau

Do tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga phải đối mặt với loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). EU đã áp tổng cộng 7 gói trừng phạt nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga và buộc nước này phải kết thúc chiến dịch quân sự.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin vẫn tỏ rõ kiên quyết với chiến dịch và đang thực hiện những bước đi nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt của EU, trong đó, cắt nguồn cung khí đốt là một đòn mạnh tay.

EU tuyên bố rằng quyết định trên có "động cơ chính trị". Nguồn cung cấp khí đốt của Nga chảy vào châu Âu thông qua Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) nhanh chóng giảm xuống chỉ còn 1/5 khối lượng công suất.

Giá năng lượng tăng cao góp phần khiến lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng lên 8,9% vào tháng Bảy từ 8,6% một tháng trước đó. Lần đầu tiên sau 2 thập niên, đồng Euro giảm mạnh, xuống mức gần bằng với USD vào đầu tháng 7.

Charles-Henri Gallois, Chủ tịch chiến dịch Thế hệ Frexit ở Pháp nhận định: “Một số quốc gia châu Âu, chẳng hạn như Đức và Italy, phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga và khó tìm nguồn cung thay thế”.

Theo ông, các nước châu Âu khác, bao gồm cả Pháp, cũng sẽ bị ảnh hưởng vì Nga là nhà cung cấp dầu quan trọng. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đang gây nhiều thiệt hại cho châu Âu hơn là cho Nga và suy thoái là điều hiển nhiên.

Khu vực này đang đối mặt nhiều thách thức khi lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái khi nguồn cung năng lượng từ Nga sụt giảm. Tuy nhiên, bất chấp lợi thế, Đức - nền kinh tế hàng đầu của châu Âu vẫn chưa có động tĩnh nào đáng kể.

Lạm phát tại Eurozone tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại. Thực trạng này khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) buộc phải thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2011.

Trong khi đó, niềm tin của các doanh nghiệp Đức giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng lạm phát cao và nguồn cung cấp năng lượng ở mức tối thiểu từ Nga sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu lao dốc.

Thêm một nước bị cắt nguồn cung khí đốt

Cuối tuần qua, tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Latvia, cáo buộc nước này vi phạm các điều kiện mua hàng. Tuy nhiên, tập đoàn năng lượng thuộc sở hữu nhà nước này không cung cấp bất kỳ chi tiết nào liên quan đến vi phạm của Riga.

Latvia phụ thuộc vào Nga về khí đốt tự nhiên, nhưng chính phủ nước này tuyên bố, họ không cho rằng động thái mới nhất của Gazprom sẽ có tác động lớn.

Các quốc gia thành viên EU lên án Nga vì các động thái nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt.

Khí đốt chiếm 27% năng lượng tiêu thụ của Latvia. Trước đó, vào ngày 27/7, Gazprom đã cắt giảm 20% nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.

EU từ chối yêu cầu của Nga thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble, cho rằng trong hợp đồng không có thỏa thuận nào quy định điều này. Công ty khí đốt Latvijas Gaze của Latvia tuyên bố họ đang mua khí đốt từ Nga nhưng sẽ thanh toán bằng đồng Euro.

Hiện tại, Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Bulgaria và Ba Lan vì không thanh toán bằng đồng Ruble. Tập đoàn này cũng cảnh báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho công ty Shell Energy Europe của Đức.

Khí đốt Nigeria sẽ cứu châu Âu khỏi khủng hoảng năng lượng?

Hơn một tuần trước, EU có kế hoạch tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nigeria nhằm thay thế dòng nhiên liệu đang giảm dần từ Nga.

Ông Matthew Baldwin, Phó Tổng giám đốc Ban Năng lượng của Ủy ban châu Âu phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Abuja của Nigeria rằng, EU sẽ gặp gỡ các quan chức chính phủ hàng đầu của nước này và các công ty tư nhân, bao gồm các bên liên quan chính trong ngành năng lượng để tìm ra các phương thức hợp tác.

Cơ quan điều hành của EU cũng kêu gọi các quốc gia thành viên cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt xuống 15% với cảnh báo rằng việc đóng cửa hoàn toàn nguồn cung cấp của Nga là "có thể xảy ra".

Trong những năm qua, EU phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Moscow với khoảng 40% khí đốt ở châu lục này đến từ Nga. Tuy nhiên, sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, khối này đã phải vật lộn để ứng phó với sự thiếu hụt nguồn cung.

Chiến dịch của Nga ở Ukraine và hậu quả là cuộc chiến địa kinh tế giữa Điện Kremlin và phương Tây đã làm gián đoạn thị trường khí đốt toàn cầu ở quy mô chưa từng có trong lịch sử gần đây. (Nguồn: Glov Live Media)

Chiến dịch của Nga ở Ukraine và hậu quả là cuộc chiến địa kinh tế giữa Điện Kremlin và phương Tây đã làm gián đoạn thị trường khí đốt toàn cầu ở quy mô chưa từng có trong lịch sử gần đây. (Nguồn: Glov Live Media)

Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi giờ đây EU phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng trong mùa Đông này khi Nga đang tìm cách “vũ khí hóa” khí đốt.

“Vì vậy, chúng tôi lập ra lực lượng đặc trách về năng lượng với mục tiêu chính là tiếp cận các đối tác đáng tin cậy như Nigeria để thay thế khí đốt Nga bằng khí đốt từ các đối tác đáng tin cậy", ông Baldwin nói.

Phó Tổng giám đốc Ban Năng lượng của Ủy ban châu Âu nói thêm: “Để rõ ràng hơn, chúng tôi cần quản lý nguồn cung và đó là lý do tại sao chúng tôi muốn mở rộng thị phần LNG nhập khẩu từ Nigeria, hiện chiếm 14%”.

Là khách hàng lớn nhất của Nigieria, EU hiện nhập khẩu 60% tổng lượng LNG của quốc gia châu Phi. Các quốc gia châu Âu kỳ vọng nâng tỷ lệ này hơn nữa.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sự hợp tác giữa hai bên sẽ hoạt động dựa trên những phương thức nào để khiến Nigeria bị hấp dẫn trước lợi ích nhận được từ thương vụ này?

Ông Baldwin tỏ ra lạc quan rằng quan hệ đối tác với Nigeria về cung cấp khí đốt sẽ bắt đầu vào cuối tháng 8, đồng thời nói thêm rằng việc này sẽ tạo ra mối quan hệ đối tác lâu dài với Nigeria.

Trong một bài phát biểu, bà Samuela Isopi, Trưởng phái đoàn EU tại Nigeria và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cho biết, khối đang nỗ lực đóng góp vào lĩnh vực năng lượng thông qua các hợp tác khác nhau với chính phủ Nigeria.

Theo bà, “hiện tại, đóng góp của EU là 400 triệu Euro”.

Bà nói thêm rằng EU, với tư cách là một đối tác thương mại lớn nhất của Nigeria, chiếm hơn 20% thương mại của Nigeria với thế giới.

Theo số liệu hiện tại, năm 2021, kim ngạch thương mại EU-Nigeria đạt 28,7 tỷ Euro (tăng hơn 25% so với năm 2020) với cán cân thương mại 6,4 tỷ Euro nghiêng về Nigeria.

Theo nhà phân tích năng lượng Maximilian Hess, chiến dịch của Nga ở Ukraine và hậu quả là cuộc chiến địa kinh tế giữa Điện Kremlin và phương Tây đã làm gián đoạn thị trường khí đốt toàn cầu ở quy mô chưa từng có trong lịch sử gần đây.

Ông nói: “Việc Điện Kremlin sử dụng quyền lực của mình đối với các thị trường năng lượng làm đòn bẩy - và những nỗ lực của châu Âu nhằm loại bỏ khí đốt của Nga - đang kích hoạt tăng giá và định tuyến lại các dòng chảy năng lượng trên khắp thế giới.

Ngân khố của các nước phát triển và đang phát triển đang bị rút cạn”.

Theo chuyên gia Hess: “Việc giảm nhu cầu do xung đột có nghĩa là một cuộc suy thoái, vốn đã có khả năng xảy ra, lại càng trở nên hiện hữu hơn.

Sau những đợt cắt giảm nguồn cung mới nhất của Gazprom, các nhà phân tích dự đoán EU sẽ không thể đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt lên 80% vào mùa Đông tới”.

Châu lục này hiện đã sẵn sàng thực hiện các bước để cắt giảm nhu cầu khí đốt bằng bất cứ giá nào, trong khi Điện Kremlin sẽ làm mọi thứ có thể để gây ra khó khăn tối đa cho châu Âu trong ngắn hạn.

Giờ đây, châu Âu cần giải quyết vấn đề nguồn cung năng lượng để thúc đẩy nền kinh tế, đó là lý do tại sao họ cần khí đốt từ Nigeria và các đối tác khác.

Nhưng liệu giải pháp thay thế mang tên Nigeria có giúp ích cho châu lục này trong thời điểm khó khăn hiện nay? Câu trả lời vẫn đang ở phía trước.

(theo european-views.com, leadership.ng)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lenh-trung-phat-nga-phan-tac-dung-moscow-dung-khi-dot-tra-dua-eu-loay-hoay-chong-do-192740.html