Leo thang khủng hoảng ngoại giao Nga và các đầu tàu châu Âu
Khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và các đầu tàu châu Âu như Anh và Đức ngày càng nghiêm trọng khi các bên liên tục đáp trả nhau.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022, quan hệ ngoại giao giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là các nước châu Âu ngày càng xấu. Thời gian qua, hòng làm suy yếu Moscow, nhiều nước châu Âu liên tục trừng phạt Nga. Nga cũng thực hiện nhiều biện pháp trả đũa, trong đó có dùng đến con bài năng lượng với châu Âu khiến nhiều nước khu vực này điêu đứng.
Loạt ăn miếng trả miếng
Dù từng là đối tác thân thiết trong các giao dịch về năng lượng trong nhiều thập niên, quan hệ ngoại giao Nga - Đức đi xuống rất nhanh kể từ khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, theo hãng tin AFP.
Tính từ tháng 8-2022 đến nay, đã có khoảng 400 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi 28 quốc gia trên toàn thế giới. Moscow sẽ coi hành động trục xuất này là không thân thiện và sẽ có biện pháp trả đũa cho tất cả động thái trên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga MARIA ZAKHAROVA
Tháng 4, Đức trục xuất 20 nhà ngoại giao Nga với lý do lo ngại họ thu thập bất hợp pháp những thông tin quan trọng của Berlin về chính trị, kinh tế, quân sự và khoa học nhằm phục vụ hành động phá hoại và lan truyền thông tin sai lệch. Đáp trả động thái này của Đức, Bộ Ngoại giao Nga lúc bấy giờ cũng tuyên bố trục xuất 20 nhà ngoại giao Berlin, bất chấp hành động này sẽ “hủy hoại trầm trọng quan hệ ngoại giao song phương”.
Cuối tháng 5, quan hệ Nga - Đức chứng kiến thêm bước lùi nghiêm trọng khi giới chức Berlin tuyên bố rằng họ muốn đóng cửa ba lãnh sự quán Đức tại Nga và buộc 4/5 lãnh sự quán Nga tại Đức phải đóng cửa trước cuối năm nay. Bước đi này của Đức nhằm đáp trả việc Moscow đặt ra hạn chế “chỉ cho phép tối đa 350 nhà ngoại giao và nhân viên chính phủ Đức hiện diện tại Nga”. Trước đó, ngày 27-5, Moscow buộc Berlin đến đầu tháng 6 phải cắt giảm số nhân viên ngoại giao và công dân làm việc tại các tổ chức văn hóa và giáo dục của Đức tại Nga, như Viện Goethe.
Bộ Ngoại giao Đức cảnh báo rằng động thái “phi lý” của Moscow sẽ khiến các chương trình hợp tác, trao đổi văn hóa song phương có khả năng suy giảm trầm trọng, hoặc thậm chí đóng băng khi làm suy giảm sự hiện diện của các cơ quan ngoại giao Đức tại Nga.
Ở diễn biến khác, quan hệ ngoại giao giữa Nga và Anh cũng rơi vào tình trạng căng thẳng đáng ngại khi cuối tháng 5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo khả năng Moscow sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với London. Bà Zakharova thừa nhận đây là “một biện pháp cực đoan” và Nga không hề muốn nó xảy ra nhưng có thể bắt buộc phải làm nhằm đáp trả việc Anh can dự quá nhiều vào khủng hoảng tại Ukraine.
Cần giải quyết, tránh nguy hiểm
AFP dẫn cảnh báo của GS Charles Kupchan về các vấn đề quốc tế tại ĐH Georgetown (Mỹ) rằng các diễn biến xấu đi trong quan hệ ngoại giao giữa Nga và các đầu tàu châu Âu sẽ khiến thế đối đầu giữa các bên càng thêm gay gắt và nguy hiểm. Các vấn đề mang tính toàn cầu sẽ khó được giải quyết một cách triệt để, bởi các bên không muốn nhượng bộ, tìm biện pháp giải quyết chung.
Nhiều lãnh đạo châu Âu nhận ra nguy cơ này cũng như nghĩ tới hướng cứu vãn quan hệ. Trao đổi với đài DW cuối tháng 5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắn đến khả năng đàm phán để giải quyết những bất đồng trong ngoại giao giữa các nước châu Âu và Nga.
“Tôi nhận thấy các nước phương Tây vẫn còn cơ hội dùng ngoại giao để giải quyết những căng thẳng trong quan hệ với Nga” - ông Scholz nhận xét, đồng thời để mở khả năng sẵn sàng nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi có thời điểm thích hợp.
Tại Nga, cũng có nhiều ý kiến quan ngại về các diễn biến xấu đi trong quan hệ giữa Nga với các đầu tàu châu Âu và cho rằng cần thiết phải tháo gỡ ngay.
“Bản chất xung đột Nga - Ukraine là tàn dư của Chiến tranh lạnh. Vậy nên để ngăn chặn nguy cơ nổ ra một cuộc Chiến tranh lạnh thứ hai, hay thậm chí một cuộc chiến tranh nóng thì Nga và châu Âu cần nỗ lực tháo gỡ những khúc mắc trong quan hệ ngoại giao bằng cách khởi động những cuộc đàm phán nghiêm túc và thẳng thắn” - GS Sergei Karaganov, Chủ nhiệm khoa Kinh tế và Chính trị thế giới tại ĐH Kinh tế cấp cao (Nga), trao đổi với tờ The PetroTimes.
Ông Karaganov đề xuất một số giải pháp mà ông cho là “thiết thực”, theo đó Moscow và châu Âu có thể đàm phán và xây dựng một hiệp ước an ninh tập thể cho toàn châu Âu, hoặc xây dựng thỏa thuận thiết lập một không gian kinh tế chung mà ở đó các bên không có sự cạnh tranh ảnh hưởng lẫn nhau.
Tuy thế, ông Karaganov cũng lưu ý rằng khả năng các cuộc đàm phán như vậy diễn ra không cao, bởi với tình hình căng thẳng như hiện tại, rất khó để Nga và các nước châu Âu “sát lại gần nhau”.•
Thúc đẩy ngoại giao nên là ưu tiên hàng đầu
Theo ông Abiodun Williams, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu công lý quốc tế The Hague (Hà Lan), việc thúc đẩy ngoại giao thông qua các kênh đàm phán là biện pháp giúp ngăn ngừa xung đột và duy trì hòa bình một cách hiệu quả.
Thứ nhất, thông qua các kênh đàm phán, các quốc gia đang mâu thuẫn sẽ có cơ hội cùng trao đổi về quan điểm, mục tiêu và lợi ích của mình. Điều này giúp các bên tăng cường sự hiểu biết, tăng cường lòng tin lẫn nhau, rồi từ đó tìm ra những điểm chung và xây dựng các thỏa thuận giải quyết mâu thuẫn, sau đó là tiến tới hợp tác lâu dài.
Thứ hai, đàm phán sẽ giúp các bên giải quyết những mâu thuẫn một cách hòa bình, thỏa đáng. Thay vì sử dụng bạo lực thì thông qua các kênh đàm phán, các bên có thể thảo luận, thương lượng nhằm sớm đạt được sự đồng thuận và chấm dứt xung đột.
Thứ ba, cộng đồng quốc tế có thể dùng các kênh đàm phán để giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, an ninh, quân sự... Các kênh này sẽ giúp tăng độ uy tín của các thỏa thuận và đề ra nhiều phương án để giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả.