Lịch sử chữ Quốc ngữ gắn với những câu chuyện li kỳ

TS Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, cho biết lịch sử chữ Quốc ngữ gắn với những câu chuyện li kỳ.

Ngày 12-10 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, NXB Kim Đồng tổ chức buổi tọa đàm Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt.

Tại tọa đàm, TS Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, cho biết lịch sử chữ Quốc ngữ gắn với những câu chuyện li kỳ và hành trình truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây.

Ban đầu, đây chỉ là một công cụ để học tiếng Việt nhằm trao đổi với người Việt và thuận tiện trong việc truyền giáo. Sau đó, nó được sử dụng như một thứ mật mã và chỉ được dạy trong các chủng viện.

Dần dần, chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các văn bản hành chính của đất nước, nắm vai trò khai dân trí và trở thành chữ viết chính thức của nước ta.

Các diễn giả cũng khẳng định, chữ viết chính là một trong những thành tựu văn hóa nổi bật nhất của nền văn minh nhân loại.

 Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Với câu hỏi: Nghiên cứu về ngôn ngữ chữ viết để làm gì, hành trình ấy có gì thú vị? Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly nhận định: Ngày nay có nhiều hỗ trợ về ngôn ngữ nhưng nó cũng lấy đi năng lực tri thức cảm xúc của chúng ta với ngôn ngữ.

Cách đây 400 năm, các nhà truyền giáo không có gì hỗ trợ ngoài các ký tự. Chúng ta hôm nay được thụ hưởng nhiều giá trị của tiền nhân nên phải biết để giữ gìn và tri ân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Dương cũng cho rằng, mạng xã hội cũng là công lao của các nhà ký tự học, ngôn ngữ học, văn tự học... Có những câu chuyện tưởng không liên quan, nhưng điều quan trọng là chúng ta đang sở hữu chữ viết và ký tự.

Vào năm 1945, chữ Quốc ngữ trở thành văn tự chính thức của quốc gia.

Thái độ tiếp nhận Quốc ngữ của người Việt cũng đóng vai trò quan trọng. Người Việt ai cũng vì lòng yêu nước, muốn dân tộc hưng thịnh hơn, biết nhiều hơn nên đầy khát vọng. Nhiều nhóm trí thức muốn khai mở dân trí đã chọn chữ Quốc ngữ.

Những năm 1920-1930, phong trào bình dân học vụ lan tỏa, chính phủ đã theo hướng Quốc ngữ để dạy cho nhân dân.

"Sinh mệnh của văn tự gắn liền với thể chế chính trị. Chữ Quốc ngữ được chọn chính thức cũng vì sinh mệnh của đất nước. Công cụ quan trọng thời đó là bình dân học vụ. Sinh mệnh văn tự liên quan đến ý thức hệ, mục đích chính là chống lại phong kiến"- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Dương nhận định.

Cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ là cuốn truyện tranh bán hư cấu kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes, một vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican, đã tới Việt Nam từ thế kỷ XVII và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt-Bồ-La) vào năm 1651.

Cuốn sách giải đáp thắc mắc về sự ra đời của chữ viết tiếng Việt …

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/lich-su-chu-quoc-ngu-gan-voi-nhung-cau-chuyen-li-ky-post814607.html