Lịch sử ít biết của 2 hộp đêm lừng danh ở Paris, trong đó có nơi Lisa (BLACKPINK) biểu diễn

Được biết đến nhiều nhất nhờ những màn biểu diễn bốc lửa, nhưng nghệ thuật cabaret ở Paris không chỉ dừng lại ở đó mà đằng sau còn là cả một không gian văn hóa, lịch sử lâu đời.

Những ngày gần đây, màn biểu diễn của Lisa (BLACKPINK) tại hộp đêm huyền thoại The Crazy Horse (Le Crazy Horse trong tiếng Pháp) ở Paris đang gây được nhiều sự chú ý hơn bao giờ hết.

Được chú ý không chỉ vì Lisa là một thần tượng toàn cầu và biểu diễn ấn tượng với loại hình cabaret có thể gây tranh cãi với một nghệ sĩ gốc Á, mà còn bởi vì The Crazy Horse, cùng với Moulin Rouge hay nhiều cái tên đình đám khác đều là những địa điểm "ăn chơi" huyền thoại tại kinh đô ánh sáng.

Nhưng đằng sau những hào quang rực rỡ và bóng bẩy của bộ môn cabaret này cũng là một lịch sử không kém phần hấp dẫn.

Môn nghệ thuật lâu đời không chỉ dừng ở những màn diễn gợi cảm

Cabaret (tiếng Việt có thể gọi là tạp kỹ), nói dễ hiểu là một hình thức giải trí hào nhoáng bao gồm nhiều hoạt động âm nhạc, khiêu vũ và sân khấu khác nhau được biểu diễn cho khán giả trong khi họ uống rượu và dùng bữa. Nó là một khía cạnh quan trọng của văn hóa Paris, có thể nói là một bản sắc riêng.

Các câu lạc bộ tạp kỹ ở thủ đô nước Pháp - chẳng hạn như Crazy Horse và Moulin Rouge - đều là những huyền thoại và đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim và nhà văn quốc tế trong nhiều năm qua.

Mọi chuyện đều bắt đầu vào tháng 11 năm 1881, khi Rodolphe Salis tạo ra một câu lạc bộ mà ban đầu được gọi là Le Cabaret Artistique, ở quận Montmartre của Paris - trung tâm giải trí thời đó của thành phố.

Moulin Rouge những ngày đầu. Tên câu lạc bộ trong tiếng Pháp có nghĩa là "cối xay gió đỏ".

Moulin Rouge những ngày đầu. Tên câu lạc bộ trong tiếng Pháp có nghĩa là "cối xay gió đỏ".

Địa điểm này nổi lên như một loại trung tâm sáng tạo, nơi nhiều nhạc sĩ, vũ công - thậm chí cả nhà thơ và nhà văn, tụ tập để giao lưu, thảo luận về ý tưởng của họ bên các ly đồ uống ngon. Chính Salis đóng vai trò là người dẫn chương trình và sẽ giới thiệu rất nhiều nghệ sĩ tập trung tại địa điểm của ông lên sân khấu.

Le Cabaret Artistique nhanh chóng trở thành địa điểm rất thời thượng và nổi tiếng ở Paris, thu hút cả những nhân vật như Claude Debussy và Henri de Toulouse-Lautrec, rồi nhanh chóng phát triển vượt xa cơ sở ban đầu của nó trên Đại lộ Rochechouart.

Nó được chuyển đến một địa điểm lớn hơn và được đổi tên thành Le Chat Noir (Chú mèo đêm). Cũng từ đây, câu chuyện về cabaret tại Paris thực sự sang trang mới. (Nói thêm một chút, bản thân từ "cabaret" trong tiếng Pháp cổ mang nghĩa một căn phòng nhỏ và từ thế kỷ 12-13 được dùng ở châu Âu mang nghĩa một nhà nghỉ hoặc nhà hàng bình dân).

Biểu tượng le chat noir sau này đã xuất hiện rộng khắp trên tranh ảnh, tem thư...

Biểu tượng le chat noir sau này đã xuất hiện rộng khắp trên tranh ảnh, tem thư...

Địa điểm của Salis đã truyền cảm hứng cho việc mở một số địa điểm khác sau này - không chỉ ở Pairs, mà trên toàn thế giới. Các câu lạc bộ mọc lên ở Áo, Đức và thậm chí cả Hoa Kỳ, với văn hóa khác nhau giữa các quốc gia.

Ở Paris, các địa điểm cabaret đã gói gọn niềm phấn khích và hồi hộp của belle époque – đặc biệt thông qua các ca khúc và điệu nhảy. Có thể nói, nó mang lại cho các tay chơi thời đó một cơ hội thư giãn - họ sẽ gặp gỡ bạn bè, giao lưu và uống rượu, trong khi tận hưởng một buổi tối giải trí nhẹ nhàng (và ngày càng gợi cảm) từ phía sau tấm rèm kéo của câu lạc bộ.

Những địa điểm như Folies Bergère và Le Lido mở cửa gần Le Chat Noir và giúp biến Montmartre trở thành trung tâm náo nhiệt của cuộc sống về đêm của thành phố.

Moulin Rouge - Nơi mà cabaret thực sự cất cánh, kẻ thống trị thời kỳ hoàng kim "belle époque"

Năm 1889, lễ khánh thành nơi đã trở thành sân khấu cabaret nổi tiếng nhất thế giới - Moulin Rouge (Cối xay gió đỏ) huyền thoại diễn ra. Moulin Rouge đã thay đổi phần nào bản chất của cabaret, với biểu tượng cối xay gió đỏ huyền thoại - một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng và lâu dài nhất của chính Paris.

Được thành lập bởi Joseph Oller, một doanh nhân người Tây Ban Nha đã sống phần lớn cuộc đời ở thủ đô nước Pháp, Moulin Rouge là nét chấm phá mang đậm dấu ấn hào quang trong nghệ thuật cabaret. Được trang trí với những chiếc ghế sofa màu đỏ sang trọng, rèm nhung và đèn chùm lấp lánh với một tác phẩm điêu khắc con voi cao chót vót được trang trí cẩn thận trong khu vườn, câu lạc bộ của Oller cực kỳ quyến rũ.

Nhưng niềm tự hào lớn nhất của Moulin Rouge chính là chương trình đa dạng và năng động, kết hợp âm nhạc, khiêu vũ, sân khấu và xiếc trong các buổi biểu diễn tuyệt đẹp, đầy màu sắc, làm say mê giới mộ điệu.

Vào tháng 10 năm 1890, câu lạc bộ thậm chí còn vinh dự được đón chuyến thăm của Thân vương xứ Wales Edward VII - Vị vua tương lai của nước Anh. Tuy nhiên, Moulin Rouge không chỉ tự hào về lượng khách quý mà còn trở thành một thương hiệu nghệ thuật nổi tiếng thế giới.

La Goulue, la Môme Fromage và Nini Pattes en l'air - là một vài nghệ sĩ nổi danh được công nhận là "tổ nghề" của điệu nhảy can-can - đều nổi danh từ Moulin Rouge. Đầu thế kỷ 20, câu lạc bộ lần đầu tiên giới thiệu Mistinguett, người từng là nữ nghệ sĩ biểu diễn được trả lương cao nhất thế giới.

Mistinguett, nữ nghệ sĩ sân khấu huyền thoại.

Mistinguett, nữ nghệ sĩ sân khấu huyền thoại.

Sau Thế chiến thứ nhất, Francis Salabert điều hành Moulin Rouge. Vì là một doanh nhân hơn là một nghệ sĩ, ông đã giao cho Jacques-Charles – đạo diễn nghệ thuật sân khấu số 1 thời bấy giờ – nhiệm vụ làm bừng sáng sân khấu. Ông mơ ước được tổ chức một buổi biểu diễn với các vũ nữ người Mỹ.

Sau nhiều cuộc thảo luận, họ đã thành công trong việc thuyết phục Gertrude Hoffmann, lúc đó là giám đốc vở ballet Hoffmann, tham gia cùng Moulin Rouge, và họ bắt đầu tạo ra vở kịch New York- Montmartre. Đây là thời điểm "Phong cách Broadway" đã tạo được ảnh hưởng lớn khi bước vào Paris.

Vào đêm diễn đầu tiên, Mistinguett, lúc đó được mệnh danh là Nữ hoàng âm nhạc, đã có mặt trên khán đài. Bà hiểu ngay rằng một cuộc cách mạng thực sự đang diễn ra…

Những năm sau thời kỳ hoàng kim, Moulin Rouge trải qua nhiều biến cố. 10 năm sau trận hỏa hoạn thảm khốc năm 1915 phá hủy nó, nhà hát đã được xây dựng lại. Vào thời điểm đó, nữ diễn viên-vũ công-ca sĩ Mistinguet đã trở thành Đồng giám đốc của nó và để lại dấu ấn trong lịch sử.

Khi Mistinguett rời Moulin Rouge, nhà hát với 1.500 chỗ ngồi đã biến thành câu lạc bộ khiêu vũ trong Thế chiến thứ hai, thời điểm mà nơi này kém thịnh vượng hơn nhiều dù vẫn có sự góp mặt của các huyền thoại như Edith Piaf và Yves Montand vào năm 1944.

Sau đó, Moulin Rouge đã được cải tạo vào những năm 1950. Năm 1951, Georges France, người đề xuất diện mạo mới cho nó và Vincent Auriol, cựu Tổng thống Cộng hòa Pháp, tới khánh thành và tân trang lại Moulin Rouge. Thật vậy, mục tiêu của nước Pháp thời đó là lấy lại linh hồn của cabaret, một nơi mà mọi người có thể giải trí và có thể thưởng thức những buổi biểu diễn tuyệt vời do các nghệ sĩ tài năng biểu diễn.

Đến ngày nay, các chương trình "revues" hoặc các buổi biểu diễn được chia thành nhiều cảnh để xem trong khi dùng bữa, từ khiêu vũ, nhạc kịch, nghệ thuật sân khấu, đến những màn diễn nóng bỏng hơn ở Moulin Rouge vẫn không có dấu hiệu dừng lại, tiếp tục sức sống cho nghệ thuật cabaret ở kinh đô ánh sáng. Câu lạc bộ hiện đón tới 600.000 lượt khách ghé thăm mỗi năm.

The Crazy Horse - thiên đường của cabaret hiện đại

Trước Lisa, đã có vô số nghệ sĩ quốc tế được biểu diễn tại The Crazy Horse (Ngựa Điên) - một trong những cái nôi cabaret của Paris bên cạnh Moulin Rouge.

Vào ngày 19/5/1951, Alain Bernardin, một người có tầm nhìn xa và rất ngưỡng mộ tính nữ, đã thành lập Crazy Horse làm nơi tập trung vào sự sáng tạo và thăng hoa của cơ thể phụ nữ. Các vũ công thoát y từ đây nối tiếp nhau dưới ánh đèn rực rỡ của Crazy Horse, làm say đắm trái tim khán giả qua mỗi buổi diễn.

Các hoạt cảnh nóng bỏng được đan xen với các tiết mục tạp kỹ truyền thống, với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ đa dạng, từ ảo thuật gia, nghệ sĩ nói tiếng bụng và ca sĩ lên sân khấu trong khi các cô gái chuẩn bị cho tiết mục tiếp theo. Theo truyền thống, những người biểu diễn ngoài thoát y luôn là nam giới và là những người duy nhất có quyền lên sân khấu. Charles Aznavour huyền thoại cũng đã cất cánh sự nghiệp ca sĩ của mình chính tại đây.

Thập niên 1960 chứng kiến sự trỗi dậy của phong trào giải phóng phụ nữ và những thay đổi trong chuẩn mực xã hội. Cuộc cách mạng tình dục thời điểm đó diễn ra sôi nổi và Crazy Horse, bị ảnh hưởng bởi những thay đổi văn hóa này, đã chấp nhận những quy tắc xã hội mới này để truyền vào bối cảnh nghệ thuật của nó một luồng năng lượng mới và hiện đại.

Mỗi buổi biểu diễn trở thành một hoạt cảnh được chế tác tỉ mỉ, được thiết kế xoay quanh vũ đạo, bầu không khí, trang trí và cách chơi ánh sáng độc đáo. Thế là truyền thuyết về Ngựa Điên bắt đầu hình thành...

Sau khi người sáng lập Alain Bernardin qua đời vào năm 1994, các con của ông - Sophie, Pascal và Didier Bernardin - tiếp tục truyền thống đáng tự hào của Crazy Horse để tưởng nhớ người cha tiên phong của họ.

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2001, Crazy Horse lần đầu tiên phi nước đại khỏi Pháp. Điểm đến? Las Vegas. Thành công tại Las Vegas là đỉnh cao của thành tích của Crazy Horse. 4 năm sau, gia đình Bernardin quyết định mối duyên với họ với Crazy Horse đã đến lúc có sự thay đổi và họ quyết định bán câu lạc bộ.

Một nhóm mới do Andreé Deissenberg đứng đầu đã phụ trách nơi đã trở thành một trong hai địa điểm biểu diễn tạp kỹ nổi tiếng nhất thế giới. Ông đảm nhận việc bảo tồn huyền thoại, đồng thời tăng thêm sức hấp dẫn nghệ thuật của nó. "Tôi không muốn cách mạng hóa Crazy Horse", ông nói, "nhưng tôi muốn nó phát triển, thức tỉnh và tỏa sáng một lần nữa". Chiến lược của ông: mời một số tên tuổi nổi tiếng biểu diễn với tư cách khách mời trên sân khấu.

Vào tháng 10/2006, kỷ nguyên mới của Ngựa Điên bắt đầu khi Dita von Teese huyền thoại, diva thoát y quốc tế và biểu tượng của sự quyến rũ, trình diễn buổi biểu diễn đầu tiên của mình tại 12 Avenue George-V trong một đêm vô cùng gợi cảm. Tiếp theo là những chương trình danh giá với các ngôi sao khách mời tên tuổi: Arielle Dombasle, Pamela Anderson, Clotilde Courau, Carmen Electra, Noémie Lenoir và nhiều người khác đã giúp khơi dậy lại ngọn lửa Crazy Horse.

Nhiều nghệ sĩ tài năng như Louboutin đã góp tay vào sự thành công của Crazy Horse.

Nhiều nghệ sĩ tài năng như Louboutin đã góp tay vào sự thành công của Crazy Horse.

Lấy cảm hứng từ thành công mới này, câu lạc bộ quyết định làm nhiều hơn nữa. Năm 2008, biên đạo múa và vũ công Philippe Decouflé được giao nhiệm vụ mở rộng tiết mục Crazy Horse. Mùa xuân năm đó, sự hợp tác đã mang lại thành quả đầu tiên: một chương trình mang tên "Desires" kể lại quá khứ của Crazy Horse đồng thời vẽ nên những truyền thống mới của múa đương đại.

Nhiều đổi mới hơn xuất hiện vào tháng 3/2012 khi Crazy Horse mời Nhà sáng tạo Khách mời đầu tiên của mình vào gia đình Crazy Horse. Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Christian Louboutin, đã đạo diễn 4 tác phẩm hoạt cảnh mới, lấy cảm hứng từ mọi thứ cổ kim, từ hip hop đến những kiệt tác của thế giới nghệ thuật.

Suốt hơn 70 năm từ khi ra đời, The Crazy Horse đã trở thành một trong những trung tâm cabaret lừng danh nhất ở Paris. Bất chấp việc biểu diễn của Lisa (BLACKPINK) có gây tranh cãi, thì có thể nói đây vẫn là một thành tích lớn trong sự nghiệp của nữ nghệ sĩ bởi không phải ai cũng có thể bước vào "ngôi đền" này.

Nguồn: Moulin Rouge, Culture Trip...

Thạch Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lich-su-it-biet-cua-2-hop-dem-lung-danh-o-paris-trong-do-co-noi-lisa-blackpink-bieu-dien-20230930172437168.htm